Bằng trí tuệ và tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của toàn quân dân thủ đô, đúng thời điểm đó xưởng quân giới của ta đã cho ra đời "bom 3 càng". Đây là một loại vũ khí tự tạo từng là nổi khiếp sợ của các cánh quân xâm lược Pháp khi nó xuất hiện.
Chiến sĩ ôm bom 3 càng đón đánh xe tăng địch trên đường phố Hà Nội mùa Đông 1946 đã trở thành biểu tượng của thủ đô kháng chiến anh hùng. Ảnh: tư liệu |
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc chống lại thực dân Pháp núp bóng quân Đồng Minh tái xâm lược nước ta kể từ đêm 19/12/1946, tại mặt trận bảo vệ Thủ đô Hà Nội có một yêu cầu vô cùng bức thiết là cần một loại vũ khí có tính sát thương cao mà ta chưa có để diệt con ách chủ bài trong chiến thuật tiến công quân sự của quân Pháp chống lại lực lượng ta trong thành phố là dùng xe bọc thép và xe tăng mở đường cho bộ binh.
Bằng trí tuệ và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn quân dân thủ đô, đúng thời điểm đó xưởng quân giới của ta đã cho ra đời “bom 3 càng”. Đây là một loại vũ khí tự tạo từng là nổi khiếp sợ của các cánh quân xâm lược Pháp khi nó xuất hiện.
“Bom 3 càng”?
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sở dĩ gọi tên như thế vì bom cấu tạo theo nguyên lý đạn Bazoka hay B-40, B-41 ngày nay, nó có vỏ gang dạng hình phễu trong chứa thuốc nổ, miệng phễu có đường kính 22cm, gắn vành sắt có 3 càng, mỗi càng dài 12cm làm chức năng kích nổ, đáy phễu là bộ phận gây nổ gồm hạt nổ, kim hỏa và chốt an toàn.
Bom được lắp vào một cán gỗ hay tre dài 1,2m ở đáy phễu, bom có trọng lượng chung khoảng 10kg. Do cấu tạo đơn giản như thế nên bom cần sức người để tạo thành lực kích nổ tương đương 30- 40kg, vì thế chiến sĩ sử dụng cây bom ngoài lòng dũng cảm cần có sức khỏe để nắm chặt cán bom dưới sự yểm trợ về hỏa lực của đồng đội lao mạnh bom vào vị trí đã chọn là phần hông xe dưới tháp pháo giáp buồng lái, nơi gần thùng nhiên liệu của xe tăng hay xe bọc thép.
Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn, mục tiêu bị tiêu diệt nhưng người chiến sĩ cũng chấp nhận hy sinh!
Trong lịch sử ngắn ngủi của loại vũ khí này (cuối năm 1946 đến tháng 1/1947) theo số liệu chưa đầy đủ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ Đô), có 93 cây bom 3 càng được công binh xưởng Liên khu 10 sản xuất. Trong số này quân ta đã sử dụng 47 cây, 35 chiến sĩ cảm tử đã hy sinh khi đánh bom. Nay theo thời gian, trong số đó chỉ còn sót lại một cây đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ.
Cuộc chiến đấu thể hiện tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” bằng bom 3 càng của các cảm tử quân bảo vệ thủ đô may mắn đã được nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản ghi lại với con người thật việc thật khi ông cùng tham chiến tại mặt trận này: Sáng ngày 23/12/1946, quân Pháp có xe tăng yểm trợ theo đường Bà Triệu tiến đánh Bộ Tổng Tham mưu của ta, trung đội của Trần Thành (tên thật là Nguyễn Văn Thiềng) được giao chận đánh địch.
Bọn địch phải tháo chạy sau mấy đợt tiến công thất bại, riêng Trung đội trưởng Trần Thành dùng bom 3 càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu- Trần Quốc Toản. Buổi chiều, địch quay trở lại với lực lượng hùng hậu hơn, trận đánh không cân sức diễn ra, cũng chính Trần Thành cũng xông ra đánh địch nhưng bom không nổ và anh đã anh dũng hy sinh. Bức ảnh chiến sĩ cảm tử ôm bom 3 càng đón đánh xe tăng địch trên đường phố thủ đô là bức ảnh để đời được nhà nhiếp ảnh chiến trường này chụp trước khi Trần Thành hy sinh.
Sau khi bộ đội ta rời thủ đô ra vùng kháng chiến, Bác Hồ đã chỉ thị không sản xuất bom 3 càng nữa, vì tỷ lệ hy sinh của chiến sĩ ta khi sử dụng loại vũ khí này quá lớn!
Những dũng sĩ đánh xe tăng địch bằng bom 3 càng
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (Trưởng Ban Liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1) thì các chiến sĩ đều được phổ biến cách đánh bom 3 càng, thường mỗi đại đội được trang bị 5- 6 cây bom, nhưng không ai nhường ai đều tình nguyện xin vào đội cảm tử đánh bom.
Đại đội của ông Hàm đã dùng bom này diệt 3 xe tăng địch và theo đó 3 chiến sĩ hy sinh. Ông Hàm còn nhớ, khi một người lãnh nhiệm vụ đánh bom cả đơn vị đều hồi hộp, không phải sợ chết mà sợ bom không nổ, trong số những người xung phong đánh bom trong đơn vị ông chỉ còn chiến sĩ Tống Bá Hiển còn sống. Ông ấy còn sống không phải vì bom không nổ hay địch không diệt được mà do vào giờ chót cuộc chiến đấu có lệnh dừng lại nên người dũng sĩ ấy chưa kịp vào trận.
Ngày ấy, trong không khí sôi sục tại mặt trận Hà Nội của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đến cuối tháng 12/1946 có khoảng 10 tổ cảm tử quân được thành lập với khoảng 100 đội viên, họ thường mặc áo trấn thủ quàng khăn đỏ.
Người danh dự được tặng danh hiệu “Người chiến sĩ quyết tử số 1 của Liên khu 1” (Hà Nội có 3 liên khu) là Lê Gia Đỉnh, Chính trị viên Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 1 Vệ Quốc đoàn, đại đội cảm tử của anh có nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ Phủ.
Sau khi tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc nổ ra, suốt đêm 19 và ngày 20/12/1946 quân Pháp mở 4 cuộc tiến công có xe tăng yểm trợ vào Bắc Bộ Phủ, đại đội của Đỉnh chiến đấu dũng cảm giữ vững trận địa nhưng đến trưa ngày 20 thì hết đạn, anh Đỉnh lệnh cho lực lượng còn lại và thương binh rút khỏi trận địa chỉ một mình ở lại, khi bọn địch tiến vào anh cho nổ quả bom 3 càng cuối cùng và hy sinh tại đó. Trong 2 ngày này, quân dân TP Hà Nội diệt trên 300 tên địch, có 5 xe tăng và 7 xe quân sự bị diệt bằng bom 3 càng.
Riêng tại Bắc Bộ Phủ, Đại đội 1 diệt 122 tên, 4 xe tăng, 3 xe quân sự. Quân ta hy sinh 45 chiến sĩ, trong đó có Chính trị viên Đỉnh. Tháng 4/2000, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, từ năm 1994 có một con đường ở Hà Nội được mang tên anh tại quận Hai Bà Trưng.
Những chiến sĩ tình nguyện ôm bom 3 càng đánh thẳng vào địch ngoài tinh thần tự giác “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” còn là người ngoan cường trong chiến đấu, họ luôn chọn thời cơ thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất, điển hình như trận đánh của cảm tử quân Lý Đào Nghiên.
Đại tá Mai Đắc Hiền, lúc ấy là trung đội trưởng của trung đội cảm tử quân của anh Nghiên kể: Đơn vị của họ trực thuộc Trung đoàn 37 lúc đó đang bảo vệ nội thành Hà Nội, 2 giờ sáng ngày 13/1/1947 họ được lệnh đón đánh địch ở ngã tư Kim Liên.
Khi anh Nghiên ôm bom xông lên với sự yểm trợ của đồng đội thì bị địch phát hiện tập trung hỏa lực vào anh và anh đã ngã khi còn chưa tiếp cận được mục tiêu.
Một lúc sau khi tiếng súng hai bên đã tạm im thì có một tiếng nổ long trời tại nơi có chiếc xe tăng địch, bấy giờ đồng đội mới ngỡ ra rằng phải với tinh thần ngoan cường và sự linh hoạt tuyệt vời anh mới chọn đúng thời điểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau này, liệt sĩ Lý Đào Nghiên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Có một điều rất cảm động là các dũng sĩ tình nguyện đánh bom 3 càng không chỉ là những thanh niên son trẻ mà có cả những người mà phía sau họ còn nặng gánh vợ và con như trường hợp của chiến sĩ tự vệ Bùi Văn Vòng (quê Thường Tín, Hà Tây cũ). Trước trận đánh anh đã để lại các di vật nhờ đồng đội gửi về cho vợ và bốn con ở quê nhà. Anh đã dũng cảm ôm bom 3 càng lao vào xe tăng địch…
------
HỒNG VÂN
Bài có sử dụng ảnh và một số tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và các báo Dân Trí, Hải Phòng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin