Đất lành chim đậu

05:04, 18/04/2022

Nhìn thằng bé vòng hai tay trước ngực, cúi người xuống rồi nhanh chân chạy vào nhà, ông Tư thấy lòng mình vui vui. Mười ba năm, mới đây mà thằng cháu đã mười ba tuổi. Mười ba năm trời ông đã nuôi nấng, dạy dỗ và lấy nó làm niềm vui, nguồn an ủi lúc tuổi già.

- Thưa nội, vô ăn cơm!

Nhìn thằng bé vòng hai tay trước ngực, cúi người xuống rồi nhanh chân chạy vào nhà, ông Tư thấy lòng mình vui vui. Mười ba năm, mới đây mà thằng cháu đã mười ba tuổi. Mười ba năm trời ông đã nuôi nấng, dạy dỗ và lấy nó làm niềm vui, nguồn an ủi lúc tuổi già.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Ông đã lượm nó vào một ngày giáp Tết khi còn đỏ hỏn. Hôm ấy, theo thói quen, trời chưa sáng là ông Tư đã thức, loay hoay nhóm bếp bắc ấm nước rồi ngồi một mình bên bình trà nóng. Uống trà, nhìn lên bàn thờ, ông lại nhớ đến những đứa con.

Ba người con trai, ba lần tiễn chúng theo cách mạng thì cũng đúng ba lần vợ chồng ông phải ngậm ngùi khóc cảnh chia ly. Đã vậy mà bà Tư cũng lại bỏ ông, bà vĩnh biệt ra đi đã bao mùa cây mai thay lá. Bao nhiêu năm tháng, không vợ, không con, ông nương tựa vào xóm giềng tốt bụng.

Rằm tháng Chạp lại đến. Sáng ra, ông Tư sẽ lặt lá mai. Ông rất khéo chọn ngày lặt lá nên cây mai trước sân, năm nào bà con lối xóm cũng đều tấm tắc khen bởi hoa nở rất đúng Tết. Theo kinh nghiệm, ông thường lặt lá vào ngày rằm nhưng cũng có thể sớm hoặc muộn hơn vài ngày tùy theo tiết trời và nụ mai.

Và buổi sáng sớm nhiều sương, trời lạnh như cắt da hôm ấy, ông đã lượm được thằng bé cạnh gốc mai già trước sân. Cha mẹ nó là ai? Ở đâu? Ông báo cho chính quyền địa phương và nghĩ nếu không ai đến nhận thì... chắc trời đã ban đứa bé cho ông, từ nay, một già, một trẻ sẽ hủ hỉ có nhau.

Nhìn thằng bé vô tội, dễ thương, bà con chòm xóm ai cũng đến chúc mừng ông Tư. Mấy bà, mấy cô thì thay nhau ẵm bồng, phụ ông chăm sóc thằng bé. Từ đó, nhà rộn rã tiếng cười, tiếng khóc, tiếng bi bô của trẻ khiến ông Tư nghe lòng mình như ấm lại.

Tên của thằng bé là Mai. Hồi nhỏ, bạn bè hay ghẹo “cái thằng tên giống con gái!”. Nó không giận, chỉ nhoẽn miệng cười: “Nội nói tao được sanh ra từ cây mai trước sân rồi mang đến sự may mắn cho ông nên nội đặt tên là Mai”. Mấy đứa bạn không tin, cười lớn hơn.

Nó bực, lý sự lại: “Tụi bây có đọc truyện Thánh Gióng chưa? Cậu bé Gióng cũng được tạo ra từ một dấu chân to. Hay truyện Quả bầu mẹ, quả bầu treo trên giàn bếp cũng nở ra được nhiều người. Vậy thì chuyện tao từ gốc mai chui ra, do chính nội tao kể lại là thiệt, thiệt trăm phần trăm luôn!”.

Nhưng ngày một lớn, Mai đã hiểu chuyện nó bị cha mẹ ruột bỏ rơi và chính nội là người đã lượm nó, nuôi nấng, dạy dỗ và cho nó tình ông cháu. Với nó, nội có phải ruột rà máu mủ hay không, không quan trọng, chỉ biết rằng nó thật sự vui sướng và hạnh phúc khi được sống trong tình thương yêu của ông.

Sau nhà ông Tư có khu vườn rộng nhưng đa số chỉ là những cây tạp, rậm rạp, nhiều cóc kèn, ô rô hoang dại. Hàng xóm nhiều lần khuyên ông phá bỏ để trồng cây ăn trái đặc sản hoặc mướn nhân công đào ao nuôi cá, không nuôi thì cho người ta mướn cũng có thêm thu nhập nhưng ông nhất quyết không chịu.

Thậm chí có người tìm đến nài nỉ ông bán một số cây lâu năm để làm cột nhà, làm ván đóng tủ hay bàn ghế nhưng ông vẫn cứ khăng khăng chối từ. Càng lạ hơn, không riêng những cây cổ thụ cao niên, hầu như ông chưa hề chặt phá bất cứ một cây nào trong vườn. Hàng ngày, ông chỉ làm cỏ, sửa sang cho nó bớt um tùm.

Ông Tư là người “quái dị”? Không! Tâm sự ấy của ông có lẽ chỉ thằng Mai là người thấu hiểu. Ông thường kể nó nghe ngày xưa nơi đây chim cò nhiều vô kể. Chiều chiều, chúng thi nhau xoải cánh làm ríu rít cả khu vườn. Chim to, chim nhỏ đậu quằng cả những nhánh cây lớn.

Từ chim Giang Sen lêu nghêu cặp cẳng, nặng sáu bảy ký cho đến những chiếc mỏ to tướng, thân hình đồ sộ của những anh chàng bè và nhiều loại cò, sến xám, sến đen, trích, le le, cúm núm, cồng cộc,…

Chúng tung cánh trên bầu trời tự do tạo cho con người cảm giác thanh thản giữa một vùng quê yên tĩnh. Nhưng sau đó, bom đạn chiến tranh đã hủy diệt, xáo trộn tất cả. Cây trơ cành, gãy nhánh, chim chóc lớp chết, lớp di tản tìm nơi ở mới.

Nước nhà thống nhất, chiến tranh đã qua, thôn xóm lại trở về với cuộc sống thanh bình. Từ đó, ông Tư quyết gìn giữ khu vườn, thầm cầu mong một ngày không xa chim chóc lại sẽ quay về, để ông có dịp ngắm lại những cánh cò mềm mại như trong cổ tích của quê hương xứ sở.

Nắng ngã dài trên những chòm cổ thụ, những tia nắng cuối ngày len lỏi trong các khóm tre, buội trúc. Ông Tư đang lui cui chăm sóc mấy chậu kim quýt trước sân, bỗng thằng Mai từ ngoài vườn chạy vào, kêu í ới:

- Nội ơi! Nội ơi! Ra đây, ra đây mà coi nè!

Không biết đã xảy ra chuyện gì mà thằng cháu lại quýnh quáng như vậy, ông Tư ngừng tay, nhìn lên, hỏi:

- Chuyện gì? Có chuyện gì mà mầy luýnh qua luýnh quýnh như gà mắc đẻ, la bài hãi vậy con?

Thằng Mai chạy đến sát bên, thở hổn hển:

- Chim cò... chim cò... chúng nó về đông lắm!

Vừa nói nó vừa nắm lấy tay ông Tư tất tả chạy ra sau vườn. Ông Tư nôn nao, chạy theo mà chân như muốn ríu lại.

- Từ từ, từ từ thôi con! Coi chừng té xuống mương! Coi chừng vấp vô mấy bụi gai mắc cỡ rồi nhào đầu, nghen con!

Và đây rồi, ông Tư sửng sốt:

- Mèn đéc ơi! Tụi nó đã về, về thiệt rồi! Về gì bất tử vậy!

Thằng Mai vỗ tay reo hò vang cả khu vườn. Ông Tư giật mình, nhắc:

- Suỵt! Suỵt! Đừng la lớn! Chim cò chắc còn nhát lắm! La rân trời kiểu này coi chừng mẹ con tụi nó bỏ đi mất tiêu luôn.

Thằng Mai khẽ dạ mà miệng vẫn còn cười.

Ông Tư đứng ngây người nhìn những đôi cánh mềm mại, hồn nhiên như những thiên thần trên bầu trời xanh. Tiếng chúng ríu rít gọi bầy nghe sao thật êm ái, dễ chịu. Vài chục? Đúng rồi! Chỉ mới vài chục con thôi nhưng ông bỗng hoa cả mắt, mơ màng như đang đứng trước hàng ngàn, hàng vạn con đang đẻ trứng, sinh con, sinh cháu.

Sau bao năm chờ đợi, giờ cái thú vui lớn nhất trong đời chợt tràn ra khiến tim ông đập rộn ràng. Đó là cảm giác sung sướng của một người đã rất lâu rồi chợt bắt gặp lại những gì từng rất yêu thương trong cuộc đời.

Đang ngẩn ngơ thả hồn theo khoảng trời nhạt nắng có những cánh cò, chợt thằng Mai hỏi:

- Nội ơi, tụi nó ở đây luôn hay ghé chơi chút xíu rồi đi vậy nội? Mơi mốt tụi nó còn rủ thêm bạn bè hay bà con gì nữa không?

- Dĩ nhiên là sẽ ở đây luôn và rủ thêm bạn bè nữa nếu được chúng ta đối xử tốt. Đất lành chim đậu mà con!

Thằng Mai mừng rỡ ôm chầm lấy ông Tư:

- Ồ, hay quá! Con vui quá nội ơi. Chim cò rủ nhau kéo tới, rồi làm tổ, rồi đẻ con đông nghẹt, rồi bay lượn khắp vườn chắc là đẹp lắm. Lúc đó, nội phải dạy con biết tên của từng loài, chim gì, cò gì, nghen nội?

Đứa cháu vui một thì ông Tư vui đến mười. Từ nhỏ ông đã sống với ruộng vườn, với hình ảnh chiều chiều từng đàn chim cò hối hả bay về tổ bình dị mà thân thương. Sau bao năm vắng bóng, nay chúng lại quay về, tô điểm quê hương ông thêm sắc màu cuộc sống.

Chim cò hội tụ ngày một đông nhưng cả tháng nay ông Tư nghe lòng mình xót xa, đau như dao cắt. Chim thì đông ngặt nguồn thức ăn trong vườn hơi ít, buộc chúng phải bay đi kiếm ăn xa. Mà kiếm ăn xa thì chúng sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

Nếu không trúng độc từ thuốc trừ sâu, diệt cỏ thì cũng gặp phải nạn săn bắt từ súng, lưới, bẫy,… Hàng ngày, nhìn chúng phải chết chóc, lòng ông thấy đau, thấy buồn như chính thân mình bị thương tích, hiểm nguy. Có khi hôm nay chúng còn đang vô tư xoải cánh trên bầu trời rộng lớn thì sáng mai đã bị trói chân rao bán ở các buổi chợ.

Từ đó, chúng sẽ bị mang đi khắp nơi từ các bếp nướng, bếp quay ven đường để phục vụ khách đi ngang, hay các hàng quán bình dân cho đến những nhà hàng sang trọng. Ông Tư rưng rưng “theo tình hình này, chắc không bao lâu nữa bầu trời sẽ chẳng còn một bóng chim”.

Thằng Mai tuy không phải ruột rà song rất giống tính ông. Nó cũng thấy buồn, thấy xót: “Nội ơi, sao người ta ác quá vậy? Chim cò dễ thương, có làm hại ai đâu mà nhẫn tâm giết nó?”. Không trả lời được, câu hỏi của đứa cháu để lại trong ông Tư một khoảng trời buồn man mác và cô đơn. 

Chính quyền địa phương vào cuộc, khu vườn rộng lớn sau nhà ông Tư sẽ là khu du lịch sinh thái. Trước tiên, sẽ tuyên truyền cho người dân hiểu về ý thức bảo vệ chim cò song song tiến hành ngăn chặn và có biện pháp xử lý nạn săn bắt.

Sau đó, địa phương sẽ tạo điều kiện để ông Tư vay vốn ngân hàng nếu cần kinh phí để cải tạo, tạo thêm điều kiện cho khu vườn: trồng thêm một số cây con, nạo vét mương rồi thả cá làm mồi thêm,... để thu hút, giữ chân và phát triển số lượng chim cò.

Ông tuổi đã cao nhưng nhờ có sự nắm bắt kịp thời và hưởng ứng nhiệt tình của hai người cháu họ đang làm bên du lịch.

Để trấn an, cháu ông nói chỉ cần ông gật đầu, mọi chuyện để các cháu lo liệu hết. Ông Tư cười: “Phát triển tiềm năng du lịch gì đó tao hổng rành, miễn là giữ được chim cò, được nhìn tụi nó đậu, tụi nó bay, nghe tụi nó ríu rít là bác Tư của tụi bây vui rồi. Hơn nữa, mình được ngắm rồi khách tham quan phương xa cũng được tới đây ngắm thì còn niềm vui nào hơn nữa”.

Sau khi đã quyết định một việc quan trọng, tối hôm đó, ông Tư lại không ngủ được. Ông trằn trọc rồi mơ màng thấy mình cùng thằng Mai rảo bước trong khu vườn đang khoác áo hoàng hôn.

Gió nhè nhẹ mang theo hơi bùn, hơi cây cỏ, hơi rơm rạ của hương đồng gió nội. Hai ông cháu vui sướng nhìn đàn chim cò sinh sôi, nảy nở và lũ lượt kéo nhau về ngày càng đông đúc.

Bây giờ, những lúc nước ròng, du khách đến tham quan mé bãi bồi ở vườn chim của ông Tư sẽ thấy chim cò đi ăn trắng cả một vùng. Nếu vòng lên hướng trên, sẽ bắt gặp vô số chim cò trên những cành cây cao. Chúng ríu rít, rỉa lông, chao liệng, mớm mồi cho con,… như một xã hội nhộn nhịp mà yên bình, thanh thản.

Du khách thích thú, ông Tư cũng vui theo, cùng chia sẻ niềm khoan khoái được tận hưởng những gì mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng ông cũng không ngần ngại từ chối đề nghị của một số khách du lịch là săn bắn hoặc mua về để làm quà tặng gia đình. Bởi với ông, chim cò luôn mang đến sự thanh bình và tô điểm cho đời thêm đẹp.

Thằng Mai cũng đồng tình với ông Tư. Nó thủ thỉ: “Nội ơi, giờ đây con đã hiểu thế nào là đất lành chim đậu!”

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh