Có lẽ, chỉ những người con xa quê mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc sum họp gia đình vào ngày Tết cổ truyền. Vì dịch COVID-19 và nhiều lý do khác mà những Việt kiều xa xứ đã đón Tết theo cách riêng của mình, để kết nối với người thân cùng trái tim luôn hướng về quê hương.
Có lẽ, chỉ những người con xa quê mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc sum họp gia đình vào ngày Tết cổ truyền. Vì dịch COVID-19 và nhiều lý do khác mà những Việt kiều xa xứ đã đón Tết theo cách riêng của mình, để kết nối với người thân cùng trái tim luôn hướng về quê hương.
Nơi xứ xa, ngày Tết của người Việt cũng có đủ bánh tét, dưa hấu đỏ truyền thống. |
Nhớ lắm Tết quê nhà
Nhiều người từng ăn tết phương xa nói rằng, sống xa quê, gần đến tết là nôn nao lắm, muốn về quê lắm nhưng không phải năm nào cũng có điều kiện về, rồi thêm dịch bệnh, nên càng không được về. Tuy ở xứ người cũng có sinh hoạt tết, có món ăn giống quê hương, cũng bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, thịt kho, cũng câu đối, câu liễn, chợ hoa… nhưng không nơi đâu đầm ấm như quê nhà.
Gia đình chị Võ Ngọc Dung sang Pháp định cư 3 năm nay. Hai cái tết đầu tiên chị phải xa quê nên chị dự định tết năm nay sẽ về, nhưng dịch bệnh vầy nên đành lỗi hẹn. Chị tâm sự: “Nhớ lắm những ngày tết quê nhà. Tết năm rồi tôi cũng làm một số món đơn giản để ăn tết xa quê. Cũng đi chợ mua vài món truyền thống Việt Nam về chưng trong nhà. Tối 30 Tết thì online suốt với người thân ở quê hương để chung vui không khí tết dân tộc, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới”.
Mâm cơm tất niên nơi xứ xa cũng được chuẩn bị chu đáo, phong phú. |
Đã 5 năm không về Việt Nam “ăn Tết Việt”, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (tỉnh Trà Vinh), chia sẻ: “Những năm trước tôi về thường, nhưng mấy năm nay không về được. Qua Mỹ gần 20 năm nhưng cận tết là nôn nao trong lòng. Nhớ về Việt Nam. Nhớ về miền Tây. Nhớ những ngày tết cùng bà, cùng mẹ làm lạp xưởng, gói bánh tét, mua bánh mứt, sửa soạn nhà cửa, rồi mùng 1 Tết đi chúc ông bà, thăm nhà bà con, mùng 3 họp mặt bạn bè. Năm nay lại không được về nên nhớ lắm”.
Xa quê gần 20 năm, gia đình chị Nhung luôn giữ truyền thống “ăn Tết Việt”. |
Khi Tết Nguyên đán cận kề, có những người con nôn nao chuẩn bị hành trang trở về nhà, nhưng cũng có những người con ôm nỗi niềm riêng cách xa gia đình, nơi xứ lạ. Hơn 4 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đối với Ngô Thị Thủy Tiên (TP Ota, tỉnh Gunma, vùng Kanto, Nhật Bản) vẫn là cảm giác nhớ nhà da diết. Người Nhật chỉ đón năm mới theo dương lịch chứ không đón tết theo âm lịch như Việt Nam. Chính vì vậy mà vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam thì ở Nhật Bản không khí làm việc, học tập vẫn tất bật như thường lệ. Thủy Tiên cho biết: “Cảm giác sáng sớm đi làm trên con đường tuyết trắng xóa, không khí thì lạnh khiến tôi nhớ nhà muốn khóc, nhớ tết quê hương. Để vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ tết, Tiên cùng bạn bè đồng hương làm chung công ty cố gắng tranh thủ thời gian đi làm về để chuẩn bị mâm cơm tất niên. Dù mâm cơm không đầy đủ như ở Việt Nam, nhưng việc quây quần cùng nhau cũng giúp các bạn Việt Nam đang làm việc tại Nhật thêm ấm lòng”.
Tết online cùng người xa xứ
Thời đại công nghệ, tình cảm cũng được bày tỏ theo cách thuận lợi hơn, khoảng cách như gần hơn. Những người con xa quê đã tự tạo cho mình một cái tết trọn vẹn, dù xa quê nhưng vẫn đầy ắp tình nhà. Thay vì được ăn mâm cơm tết do mẹ chuẩn bị, họ sẽ tự nấu mâm cơm tết riêng và chia sẻ với gia đình qua màn hình điện thoại.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, dù bên trời Tây nhưng hàng năm, vào 28, 29 Tết, nhà chị vẫn chuẩn bị đủ đầy mâm cơm cúng ông bà, nào bánh tét, nem, thịt kho rệu, canh khổ qua… Do ở bang California (Mỹ), có đông cộng đồng người Việt sinh sống, lại gần chợ Phước Lộc Thọ nên có nhiều người Việt cùng ăn tết với nhau. Nơi đây cũng có chợ tết như ở Việt Nam, có đầy đủ các mặt hàng truyền thống từ bánh chưng, bánh tét, mứt, hoa mai hoa đào, câu đối,… Ngày tết, người Việt rất thích mặc áo dài truyền thống đi chợ, đi chúc tết bạn bè, đi chùa hái lộc đầu năm, cầu bình an… “Nhiều năm nay, nhờ có mạng xã hội nên tết dù ở xa cũng hóa gần hơn. Ngày tết, tôi có thể gọi video call về cho ông nội đã hơn 90 tuổi để hỏi thăm sức khỏe, kể chuyện ăn tết, rồi gọi cho các em, mừng tuổi online cháu gái mới sinh, xem cây mai 10 cánh gần 100 năm trước cửa nhà,… Hít thật sâu, tưởng tượng không khí tết qua màn hình điện thoại… Nhờ vậy mà đỡ nhớ mùi Tết Việt, phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà”- chị Nhung bày tỏ.
Như một thói quen từ năm đầu tiên xa nhà, khi pháo hoa bừng sáng rực rỡ trên bầu trời Việt, cả nhà chị Võ Ngọc Dung luôn online về chúc tết gia đình, cảm nhận hơi thở của mùa xuân quê hương qua âm thanh của cuộc gọi trong giây phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ qua năm mới. Mọi người cùng chúc nhau những lời chúc tốt lành nhất, ông bà con cháu trao nhau ánh mắt, nụ cười tươi vui qua màn hình điện thoại và không quên mong chờ đến lúc được đoàn tụ sum vầy tại quê nhà.
Những tà áo dài duyên dáng đón Tết cổ truyền nơi xứ xa. |
Vào thời khắc giao thừa, trong ký túc xá, Ngô Thị Thủy Tiên và bạn bè cùng nhau chia sẻ những lời chúc tết và gọi về gia đình, người thân ở quê hương Việt Nam. “Lắng nghe giọng cha mẹ, cảm nhận không khí tết quê hương qua điện thoại giúp tôi cảm thấy vui vẻ hơn, vơi nỗi nhớ nhà, dặn lòng cố gắng nhiều hơn nữa”- Tiên tâm sự. Dù nhớ da diết cái tết quê nhà nhưng Tiên vẫn vui vẻ, nỗ lực làm việc để ngày trở về tương lai thêm tươi sáng. “Mong năm mới đến an lành, hết dịch bệnh. Dù không thể về đón Tết cổ truyền nhưng tôi luôn hướng về quê hương, nhớ vị tết quê nhà.”- Thủy Tiên chia sẻ.
Xa xứ mới thấm nỗi nhớ quê da diết đến nhường nào, lỡ hẹn với Tết này, nhiều người đành hẹn cái tết sau sẽ về thăm quê, thăm xóm làng, thăm con đường ngày xuân rực nắng mai vàng. Tết truyền thống luôn ngự trị trong lòng của những người con đất Việt, để lưu giữ và truyền tải nét văn hóa đặc sắc, đầy thân thương, đậm tình dân tộc.
Bài, ảnh: PHẠM YẾN LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin