Lấy truyền thống làm sức mạnh nội sinh

Cập nhật, 08:45, Thứ Năm, 03/02/2022 (GMT+7)

Vũng Liêm là quê hương có đủ thế và lực để phát triển đột phá mà vững chãi trên cả “hai chân” truyền thống và hiện đại. Trên quan điểm lấy nền tảng văn hóa, lịch sử truyền thống làm “bệ đỡ”, là sức mạnh nội sinh của vùng đất thiêng đã sản sinh những câu chuyện huyền sử và những danh nhân kiệt xuất của đất nước.

Và năm 2022 sẽ là điểm nhấn, cơ hội để Vũng Liêm tập trung cho chiến lược tuyên truyền, quảng bá, nhằm khơi dậy tình yêu, lòng tự hào xứ sở, tạo sức mạnh, sức hút cho đầu tư và phát triển.

Hồ Vũng Linh trong lễ kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa.
Hồ Vũng Linh trong lễ kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa.

“Nhìn lại ngàn xưa” để yêu quý hôm nay

Từ ngã ba sông Mỹ Thuận, dòng Tiền Giang xẻ nước nhánh Cổ Chiên, trên con đường chảy ra biển cả, nhánh sông này đã để lại những câu hỏi lịch sử đầy bí ẩn mà giới khảo cổ học chưa thể có lời đáp một cách thỏa đáng. Vì sao chỉ tìm thấy những bảo vật thuộc dòng quý hiếm nhất của văn hóa Óc Eo, thể hiện bước giao thoa chuyển mình từ Bà La Môn sang Phật giáo, lại tìm thấy dưới đáy sông Cổ Chiên và trên cạn đều thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm? Đó là những di vật khảo cổ được công nhận bảo vật quốc gia.

Liệu những phát hiện này có liên quan mật thiết gì đến di chỉ Thành Mới không? Di chỉ đặc biệt của Óc Eo nằm ở rìa mép Biển Đông thời “biển lùi- biển tiến”, nay thuộc xã Trung Hiệp, Trung Hiếu (Vũng Liêm), có vai trò gì trong cả nền văn hóa đồ sộ ngàn năm?

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Vũng Liêm là xứ sở chứa đựng những tầng lớp văn hóa, lịch sử đặc biệt chồng lấn lên nhau. Từ lớp sơ khai tiền sử Óc Eo, có những cuộc “đại đổi thay” của biến đổi khí hậu, đã hồi sinh một vùng đất hiện đại hôm nay. Và cũng tiếp tục hình thành lớp văn hóa, lịch sử mới thời mở cõi phương Nam, rồi năm Nhâm Dần này chúng ta chuẩn bị chào đón sự kiện trọng đại, kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là thời điểm, thời cơ thuận lợi nhất, để chúng ta bàn sâu, nói nhiều về vùng đất thiêng sản sinh nên những bậc hiền tài đã trở thành nguyên khí quốc gia.

Thế hệ trẻ cần phải hiểu rõ và biết tự hào về văn hóa- lịch sử truyền thống quê hương.

Thế hệ trẻ cần phải hiểu rõ và biết tự hào về văn hóa- lịch sử truyền thống quê hương.

BVL_VLiem 3.jpg

 Vấn đề là bằng cách nào, chúng ta chuyển tải những câu chuyện lịch sử đặc biệt này đến được với lớp hậu thế hôm nay. Và không chỉ để xây dựng tình yêu quê hương xứ sở, khơi dậy niềm tự hào của riêng mỗi chúng ta, mà cần phải biến nó thành dòng chảy xuyên suốt, thành sự lan tỏa khắp mọi vùng miền đất nước, đến với nhiều du khách gần xa, trong ngoài nước. Đó là giấc mơ, khát vọng của mỗi người con sống trên quê hương đầy ắp những nhân vật lịch sử và cả những huyền sử vô cùng thú vị này. Cũng là nối dài những giấc mơ từng ấp ủ lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Về quê hương Vũng Liêm, có thời gian lắng lại chúng ta sẽ còn được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động chân tình, có những câu chuyện nhỏ để mọi người được nhìn rõ hơn một nhân cách lớn. Chuyện vợ chồng bà Nguyệt giữ đình Bình Phụng hơn 20 năm khó khăn, nghèo khổ lại gặp tai nạn, được chú Chín Hòa mỗi lần về là ghé thăm, dặn dò nỗ lực nuôi con ăn học đàng hoàng. Nhờ vậy mà gia đình quyết tâm bán đất để cả 5 đứa con đều ăn học thành tài. Nhưng cảm động rớt nước mắt là khi bà Nguyệt bất ngờ được chú Chín Hòa tặng xấp vải. May cặp áo dài rồi không dám đơm nút để… khỏi mặc, cứ treo đó trong tủ để lâu lâu nhìn mà nhớ về vị lãnh đạo đất nước, lại không quên quan tâm chăm chút những chuyện nhỏ nhất của người dân.

Về Bình Phụng để thấy dấu tích con kinh khơi dòng từ ấp Bình Phụng qua tới Ruột Ngựa, thấy điện kéo sáng khắp vùng quê thời còn nghèo khổ. Và nghe bà con kể chuyện chú Chín Hòa dặn dò người dân đừng đốt đồng, mà tiết kiệm rơm làm nấm, cho bò ăn, tăng gia sản xuất sớm thoát nghèo. Và còn nhiều câu chuyện bình dị mà lắng đọng mãi trong đời người, được nhắc mãi trong dân.

Và hôm nay trở lại đình Bình Phụng, bao nhiêu ước mơ, mong mỏi lại hiển hiện như những dấu hỏi vọng về từ lịch sử. Đứng ngay trên di chỉ địa linh, nhớ người xưa chúng tôi đi miên man giữa những miền di sản, những công trình mới dựng xây và những dự án đang triển khai hay ấp ủ, lại thắp lên ngập tràn niềm tin, hy vọng ở tương lai.

Hoàn thành giấc mơ di sản

Năm 2022, cũng là năm bắt đầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thể hiện chung ý chí, quyết tâm chấn hưng văn hóa, khơi dậy niềm tự hào, lấy hào khí dân tộc làm động lực, nền tảng để phát triển đất nước. Đó cũng chính là những câu chuyện mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn để lại trên quê hương Vũng Liêm, đã có những điều được hoàn thành mỹ mãn và vẫn còn đó những điều quan trọng cần làm phía trước.

Giờ đây, ai ngang qua ngã ba An Nhơn sẽ thấy dáng dấp những công trình liền kề bên nhau, làm nên sâu thẳm không gian văn hóa- lịch sử linh thiêng. Đó là những dấu ấn ghi vào tâm khảm, làm nên những niềm xúc động, tự hào cho lớp lớp cháu con.

Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao bất khuất tinh thần Nam Bộ.
Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao bất khuất tinh thần Nam Bộ.

Những tảng đá quý từ khắp miền đất nước hội tụ về đây, trở thành những tuyệt tác sẽ đứng đó như “người kể chuyện” về vùng đất Vũng Linh thời Nam Kỳ khởi nghĩa. Sừng sững tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao vươn mình trong nắng sớm, như mãi giương cao khí chất, ý chí quật cường những người con Nam Bộ thành đồng.

Thấp thoáng phía xa là rợp mát những bóng cây tỏa bóng yên bình xuống khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mỗi dấu tích, mỗi di vật quý báu hội tụ về đây, dường như vẫn hiển hiện bóng dáng, nụ cười hào sảng của người xưa. Ở giữa không gian đó, đã hình thành ngôi nhà nhỏ mái ngói thân quen, đã được tập hợp trưng bày những di vật nền nông nghiệp của tiền nhân. Công trình khiêm tốn là sự nỗ lực của địa phương, ngành bảo tàng Vĩnh Long như một bước khởi đầu để luôn nhắc nhở chúng ta rằng: còn đó ước mơ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về một bảo tàng xứng tầm vóc với di sản đồ sộ của nền văn hóa lúa nước ĐBSCL.

Năm 2022, sẽ là năm đặc biệt không chỉ riêng của người dân Vũng Liêm. Cả nước ta sẽ hướng về ngày lễ trọng đại kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây chính là dịp để người hôm nay nhắc lại chuyện trăm năm trên nền tích ngàn năm, mà khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với quê hương xứ sở.

Người dân Vũng Liêm, người dân Vĩnh Long cùng khơi dậy khí chất trăm năm con người Nam Bộ, trên nền tảng hồn cốt, khí phách ngàn năm của dân tộc Việt Nam. 

Bài, ảnh: QUANG THUẦN