Trong võ cổ truyền của nhiều dân tộc, hình tượng con hổ có một vị trí chủ đạo với các động tác, tư thế thể hiện sức mạnh, uy lực của loài hổ.
Trong võ cổ truyền của nhiều dân tộc, hình tượng con hổ có một vị trí chủ đạo với các động tác, tư thế thể hiện sức mạnh, uy lực của loài hổ.
Uy lực Chúa sơn lâm
Với kỹ năng chiến đấu tuyệt vời, mạnh bạo, nhanh nhẹn, hung dữ, hổ đã làm muôn vật khiếp sợ. Khả năng tác chiến của hổ rất cao, đặc biệt là “hổ trảo”. Hổ thường tận dụng sức bật, sự dẻo dai cùng móng vuốt và các cú vả, bạt như trời giáng khi cận chiến với đối thủ. Sức mạnh của những cú tát, cú vồ, cú cắn chí mạng vào chỗ hiểm cùng với những tiếng gầm gừ dữ tợn.
Ngoài ra, đuôi hổ còn giữ vai trò quan trọng trong các động tác vồ, nhảy qua trái hoặc phải, xoay trở trước, sau, cùng với sức bật tốt. Nếu nó đập đuôi bên phải, sẽ phóng về bên trái và ngược lại, còn khi vồ thẳng thì đuôi duỗi thẳng. Nó có sức mạnh và sức bật rất tốt, có thể cắn họng một con bê, nhảy vọt qua hàng rào cao vài mét. Đối với con mồi thì hổ chế ngự, rồi tập kích và cắn cổ, để làm gãy cột sống hay khí quản, hoặc làm tổn thương tĩnh mạch hoặc động mạch chủ. Đòn mạnh nhất của loài hổ là vả thật mạnh vào khu vực mặt và cổ của đối phương, với móng vuốt cực sắc nhọn, chiêu đòn này thường khiến con mồi bất động ngay tại chỗ. Trong khi chiến đấu, hổ còn có một tuyệt chiêu mà giới võ học gọi là “thế trâu vằng”. Nó nằm ngửa, chổng bốn chân lên trời để thế giết con mồi. Nếu con mồi hoặc con người sơ ý nhảy vào tấn công là sẽ bị phản công bằng một đòn chí mạng.
Hổ chỉ tấn công con người trong trường hợp tự vệ. Khi gặp người hoặc rình bắt người, hổ sẽ tấn công bất ngờ từ đằng sau. Nếu người bỏ chạy, nó sẽ đuổi theo vồ, nhưng khi nhìn thẳng vào mắt nó, nó sẽ gườm lại đồng thời khi mặt đối mặt, con hổ sẽ thủ thế, lấy đà chụp mồi. Khi giao đấu với người, cọp luôn muốn đoạt vũ khí của người trước rồi mới dùng chân tát một cú chí mạng, hay vồ đến cắn xé. Lúc muốn đoạt vũ khí, chúng sẽ giương vuốt và chồm lên. Hổ thường tấn công theo kiểu lao lên không trung rồi phóng xuống chụp mồi, nên nó rất sợ có những vật nhọn giương cao lên trời. Khi phóng đến con mồi, nó sẽ dùng cánh tay để thực hiện một cú tát. Cú tát của hổ có sức mạnh kinh hồn sẽ khiến trâu, bò phải gãy cổ, trẹo đi hoặc vỡ sọ, có khi gãy lưng của một con gấu to hay dễ dàng lấy mạng một con sói lửa.
Võ hổ
Hổ có vị trí chủ đạo trong võ thuật cổ truyền, có nhiều bài quyền về hổ. Hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã. Điểm chủ đạo là tạo thể cốt mạnh bạo, nhanh nhẹn, quyết liệt. Động tác tấn công của hổ là động tác ép tới tạo áp lực mạnh giống như đang bị xô bởi một cỗ xe khổng lồ. Sức cọp là một loại ngoại lực cương mãnh hung bạo.
Nguồn gốc ban đầu của “hổ quyền” được sáng tạo bởi các sư thầy hàng trăm năm trước, khi bắt chước chuyển động của các loài hổ và đưa các tư thế đó vào bài quyền. Phải kéo giãn cơ thể cho các thế võ, bởi vì điều đó mới giống sự chuyển động của hổ. So với các bài quyền khác thì “hổ quyền” nhanh hơn. Khi chiến đấu bằng “hổ quyền” thì tập trung vào các ngón tay, quặp móng tay lại như móng vuốt của hổ. Tập trung tất cả năng lượng vào đầu ngón tay, điều đó làm chúng trở nên mạnh hơn, chẳng khác gì như móng vuốt của hổ. Khi đánh một cú đấm với các ngón tay như móng hổ, năng lượng lúc đó sẽ áp đảo đối phương.
Kỹ thuật căn bản trong “hổ quyền” là “hổ trảo”: Quặp các ngón tay giống như móng cọp. Đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc ép tới. Khi va chạm, ức bàn tay áp mạnh giúp các ngón tay bấu chắc hơn, rồi bẻ quặt, lôi thẳng xuống. Đích nhắm là những chỗ hiểm, tử huyệt như mặt, cổ, háng, cánh tay hoặc cổ tay. Yếu tố tiên quyết quan trọng là động tác mạnh mẽ và chớp nhoáng. Kỹ năng tiếp theo là “hổ chưởng”, lấy đốt phát kình, lấy khí tạo lực, thế quyền hung mãnh. Cổ, họng dùng kình cực kỳ mãnh liệt, nghiến răng mím miệng, mắt trừng hau háu thể hiện đầy đủ cái oai phong của mãnh hổ.
Ngoài ra, có nhiều kỹ thuật đá đặc biệt cũng được biểu hiện trong “hổ quyền”, với tên gọi quen thuộc là “Hổ vĩ thoái” hoặc “Hổ vĩ cước”. Khi thực hiện kỹ thuật đá này phải giữ cho thân mình song song với mặt đất, hai cánh tay dang về phía trước.
Nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên loài hổ để diễn tả các thế đánh trong võ thuật cổ truyền ở các bài quyền truyền thống: Hiện long tàng hổ, Nhị hổ tiềm tung, Hồi đầu hổ vĩ, Bạch hổ khởi động, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Hổ bằng báo lang, Mãnh hổ phục địa, Ngạ hổ tha dương, Sơn trung cầm hổ, Bạch hổ xuất động…
“Hổ quyền” đôi khi chỉ dùng đơn độc những miếng đánh của riêng loài hổ như bài “Lão hổ thượng sơn” của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Hoặc kết hợp với những đòn tấn công của các loài vật khác, như chiêu thức trứ danh “Hổ hạc song hình quyền” của Hoàng Phi Hồng, Lâm Thế Vinh…
Trong võ cổ truyền Việt Nam, võ hổ xuất hiện khá nhiều như “Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền của hệ phái Nam Hồng Sơn, Phục hổ công, Mãnh hổ quyền của Thăng Long võ đạo, Hồng hổ quyền của Tây Sơn Bình Định. Ngoài ra còn có thế võ Tam bộ hổ (Thảo tam cước hổ) hay quyền ba chân hổ là tuyệt kỹ công phu có từ gần 200 năm trước, xuất phát từ đất võ Bình Định được khai sinh tại khu vực núi Bà (thuộc huyện Phù Cát- Bình Định) từ trận đụng độ giữa người với cọp.
Câu chuyện kể về một con cọp ba chân khổng lồ, tinh ranh và hung dữ. Nó đi khắp nơi lùng sục tìm thịt người để ăn, khiến cho dân làng vô cùng khiếp sợ. Ngày nọ, nó gặp một người tiều phu đang gánh củi về làng khi trời đã sẫm tối. Người tiều phu xoay người quay gánh củi phang ngang vào mãnh hổ. Sau đó, nhanh như cắt, ông rút cây đòn gánh đã được vuốt nhọn hai đầu để giao chiến với cọp dữ suốt đêm hôm ấy. Ánh trăng mờ ảo đủ để tiền nhân nhìn thấy được các thế cọp nhảy tới vồ, tát, chồm tới, nhảy cao rồi trụt xuống nằm ẩn mình, hụp lặn né đòn khi người tiều phu phản công quyết liệt. Biết gặp phải thứ dữ, cọp với tấm thân đầy thương tích, chạy vào rừng sâu ẩn tích để lại chiến trường tan tành cùng người tiều phu toàn thân nhuốm máu. Sau trận tử chiến ấy, cọp ba chân bặt vô âm tín, không còn thấy xuất hiện nữa. Người tiều phu giỏi võ ấy là võ sư Hà Trọng Sơn (Bình Định). Ông đã ghi chép lại, hệ thống bài bản những thế đánh cận chiến với mãnh hổ và khai sinh ra bài “Quyền ba chân hổ” với ý chí chiến đấu cùng thú dữ hay kẻ thù xâm lược để bảo vệ đất nước và ông được mệnh danh là “Hùm xám miền Trung”. Trong bài “Quyền ba chân hổ” tập luyện các thao tác, cử chỉ của hổ sử dụng vào lúc chụp, bắt, xé mồi, chạy, nhảy. “Hổ quyền” tập trung vào bộ tấn và bộ trảo là bộ tay, cũng như cặp mắt. Khi giao đấu với đối phương, phải dùng cặp mắt trừng vào đối phương để thể hiện nhãn quang của con hổ là hùng mạnh và dữ tợn. Phải tập luyện bộ tấn vững chắc và bộ trảo phải thật mạnh. Đích nhắm là đánh vào chỗ hiểm của đối phương.
Và học trò của ông sau này là võ sư Hà Trọng Ngự đã phát triển bí kíp bài “Quyền ba chân hổ” huyền thoại, tạo lập nhiều võ đường từ Biên Hòa đến Sài thành và được xem là “Hùm xám miền Nam”.
Còn trong môn võ Karate, hổ cũng được coi như là một biểu tượng của sức mạnh và lòng can đảm. Và là nguồn cảm hứng cho võ sư Gichin Funakoshi sáng lập ra phong cách Shotokan của hệ phái Shotokai, đến nay hệ phái võ Không Thủ Đạo (Karate) Shotokan cũng dùng hình ảnh con hổ làm biểu trưng cho hệ phái của mình. Biểu trưng của phái võ Tân Khánh Bà Trà là hình ảnh một võ sư tung cú đá vào đầu con hổ lớn trong tư thế rất đẹp. Đây chính là bắt nguồn từ những trận đả hổ của các bậc tiền bối, môn phái Bạch Hổ Lâm ở Quảng Bình cũng có biểu tượng hổ, lò võ Bạch Hổ của võ sư Võ Thiện Đường ở Trung Nhứt, Trà Bay, Cần Thơ lấy linh vật là con hổ trắng vì Bạch Hổ là tướng tinh, biểu tượng cho sức mạnh.
Trong Bạch Hổ võ phái, tương truyền do Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập là môn quyền cước chiến đấu, chú trọng đến kỹ thuật cận chiến, mọi đòn tấn công đều nhắm vào chỗ hiểm trên thân thể đối phương. Đặc biệt, trong kỹ thuật thủ pháp, môn phái này sử dụng khá nhiều đòn tay mô phỏng bàn tay hổ và được gọi là “hổ trảo”.
Và “Bạch hổ quyền” được sáng tạo bởi sư phụ Lâm Đạo Thai chuyên tấn công vào hạ bộ. Đây là môn võ với đặc trưng là tấn công vào chỗ hiểm của đối phương, nhất là vùng bộ hạ (cơ quan sinh dục). Tương truyền, một hôm Lâm Đạo Thai đi du ngoạn trên núi thì trông thấy một con cọp trắng nhỏ đang giao đấu với một con khỉ đột lớn.
Cọp trắng con thất thế trước một địch thủ quá to lớn. Nó bị khỉ đột chụp được và sửa soạn xé ra làm hai mảnh, thì bất chợt cọp trắng vùng dậy tát mạnh vào hạ bộ của khỉ đột. Con khỉ rú lên rồi ngã xuống chết tươi. Chứng kiến cảnh đó, Lâm Đạo Thai đã sáng tạo ra môn võ “Bạch hổ quyền”.
Năm Dần, nói chuyện về hình tượng của loài hổ với sức mạnh vô song, những đòn đánh, tấn công biến hóa dũng mãnh của vị chúa rừng xanh đã đi vào huyền thoại Võ cổ truyền Việt Nam như một nét đẹp của văn hóa dân tộc và tinh thần thượng võ.
NGUYỄN VĂN LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin