Tết Xưa, Tết nay

Cập nhật, 18:12, Thứ Bảy, 05/02/2022 (GMT+7)

 

Bánh tét là món không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền ở miền Nam.
Bánh tét là món không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền ở miền Nam.

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất được mong chờ nhất trong năm của người Việt Nam. Bao đời nay, Tết luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tết cổ truyền mãi trong tim

Tết Nguyên đán luôn thân thương, đầm ấm với không khí nhộn nhịp, trong không gian đầy sắc hoa và bầu trời rực rỡ vào xuân. Nhà nhà nô nức chuẩn bị tết, con cháu lần lượt tề tựu sum họp cùng nhau mua sắm tết. Đủ loại bánh mứt, mâm ngũ quả trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, rồi mai vàng ở miền Nam hay hoa đào miền Bắc cũng thi nhau khoe sắc. Từng dòng người nô nức quần áo đẹp đi chợ hoa, chụp ảnh làm kỷ niệm. Tất cả tạo nên bức tranh ngày tết sống động vô cùng đặc sắc.

Gói bánh tét là nét đẹp truyền thống tết xưa.
Gói bánh tét là nét đẹp truyền thống tết xưa.

Tết xưa luôn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, rất chú trọng lễ nghi với ông bà tổ tiên, con cháu tuân thủ nếp nhà. Việc chuẩn bị tết được lo chu đáo rất sớm, từ việc trang hoàng làm mới nhà cửa đón xuân đến việc lo mua sắm tết, chuẩn bị những món truyền thống rước ông bà về ăn tết cùng gia đình. Khâu chuẩn bị ẩm thực cho ngày tết rất được người xưa chú trọng. Rất nhiều món ăn được người dân từ Bắc tới Nam chuẩn bị cho ngày tết như bánh chưng, bánh tét, giò thủ, chả lụa, lạp xưởng, nem bì, gà luộc, tôm khô, củ kiệu... rồi nhà nào cũng kho một nồi lớn thịt kho rệu để ăn mấy ngày tết. Những món ăn này góp phần làm cho hương vị tết thêm đậm đà, khó quên. Không khí tết bắt đầu nhộn nhịp hơn từ ngày 23 tháng Chạp khi nhà nhà cúng ông Công, ông Táo lên chầu Trời. Từ trẻ con đến người lớn đều chuẩn bị quần áo đẹp, bao lì xì để đi mừng tuổi chúc tết. Ở miền Bắc, chiếc bánh chưng không thể thiếu trên mâm cúng ngày tết, thì ở miền Nam- dù nhà ai khó khăn, vất vả đến mấy vẫn có nồi bánh tét trên bếp củi, để con cháu bu quanh nói cười rôm rả. Không khí thân quen đầm ấm đến lạ. Bánh chưng, bánh tét được trân trọng cúng giao thừa và dâng lên ông bà tổ tiên.

Phong tục cúng ông bà trong ngày tết luôn được lưu truyền.
Phong tục cúng ông bà trong ngày tết luôn được lưu truyền.

Việc chuẩn bị cho tết nhiều công đoạn và vất vả là vậy, nhưng mọi người ai nấy đều rất vui mừng, háo hức. Cô Trần Thị Mạnh (xã An Bình- Long Hồ) chia sẻ, tết ngày xưa vui lắm. Gia đình ở quê lại đông con cháu nên tết đến là chuẩn bị đủ thứ từ cả tháng trước. Nào là chuẩn bị lá, nếp ngon để gói bánh tét, chuẩn bị gói bì, làm lạp xưởng, nhất là món dưa kiệu và dưa cải chua được chọn mua sớm, làm nhiều vì cả nhà ai cũng mê. Cái chính là kho một nồi to thịt kho rệu trên bếp củi- mà theo con cháu trong nhà là kho bếp củi ngon hơn và không đâu bằng, đi đâu cũng nhớ nồi thịt kho rệu quê nhà. Tối 29 Tết là cả nhà quây quần bên nồi bánh tét đỏ lửa, kể đủ chuyện cho nhau nghe. Vào các ngày mùng thì luôn tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, ấm cúng vô cùng. Tết đến là nghe tiếng lân tiếng trống mà vui trong lòng, trẻ con nô nức quần áo đẹp chúc tết ông bà, nhận bao lì xì rồi chạy chơi khắp xóm làng. Bức tranh ngày tết thật đẹp, không sao quên được cái cảm giác thân thương đó.

Giữ những tinh hoa trong “Tết nay”

Cuộc sống ngày càng hiện đại, mọi thứ cũng có thay đổi cho phù hợp hơn. Việc chuẩn bị tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước, lễ nghi cũng hạn chế bớt phần nào. Mọi thứ được “công nghệ hóa, hiện đại hóa” thuận tiện hơn rất nhiều. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày tết để được ăn những “món tết” mới có, thì nay được bày bán quanh năm. Các mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cú click chuột hay cuộc điện thoại, là mọi hàng hóa đều đến tận nhà. Dù một số gia đình còn duy trì việc gói bánh để cho có không khí ngày tết nhưng phần đông đã không còn gói bánh chưng, bánh tét mà chỉ mua với rất nhiều lựa chọn.

Tục mừng tuổi, lì xì ngày tết mang ý nghĩa  chúc may mắn.
Tục mừng tuổi, lì xì ngày tết mang ý nghĩa chúc may mắn.

Cho dù ngày thường có thể bề bộn, nhưng ngày tết, mọi nhà mọi người dù thời xưa hay thời nay đều cố gắng tươm tất. Nhà nhà quét dọn lau chùi, trang hoàng, đi chợ hoa mua vài chậu hoa đẹp để trước nhà, thêm những câu đối, câu liễn treo lên cây mai đặt giữa phòng khách. Nhưng có khác là ngày nay những việc này có thể “nhờ dịch vụ giúp việc”. Một trong những điểm khác biệt giữa tết xưa và nay là xu hướng đi chơi tết xa thay vì về quê ăn tết hay tiệc tùng tại nhà. Nhiều gia đình chọn đi du lịch vào dịp tết như một cách nghỉ ngơi, xả stress sau một năm làm việc vất vả.

Chợ hoa xuân được tổ chức từ xưa đến nay.
Chợ hoa xuân được tổ chức từ xưa đến nay.

Nhưng dù có nhiều đổi thay, trong tiềm thức của mỗi người, tết vẫn có ý nghĩa rất thiêng liêng. Nhiều gia đình hiện đại vẫn giữ trọn được những nét truyền thống vốn có của ngày tết. Người xa quê vẫn luôn nôn nao mong được về nhà sum họp để cảm nhận không khí ấm áp. Ngày tết ai cũng vui tươi, dẹp bỏ những lo âu phiền muộn, những xích mích, sân si, để cầu mong cho gia đình và những người xung quanh năm mới với những điều tốt đẹp mới. Những phong tục sum vầy bên mâm cơm tất niên, cúng giao thừa rước ông bà, chúc tết, du xuân, lì xì, đi chùa đầu năm… vẫn được giữ nguyên đến tận ngày nay.

Truyền thống sum họp, đoàn viên ngày tết luôn trong lòng mỗi người.
Truyền thống sum họp, đoàn viên ngày tết luôn trong lòng mỗi người.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Tết nay dù đã hiện đại hóa nhưng cái hồn của Tết truyền thống vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi người. Dù đón tết như thế nào theo cách riêng của từng nhà nhưng ai cũng xem trọng cái Tết cổ truyền và đều có sự chuẩn bị chu đáo một cách phù hợp. Mỗi người, dù xa hay gần đều nôn nao hướng về gia đình, mong muốn sum họp đoàn viên bên mâm cơm rước ông bà với những lời chúc tốt lành cho người thân yêu trong năm mới!

Bài, ảnh: HẢI YẾN