Những ngày cuối năm, người người lo dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bàn thờ gia tiên, làm bánh mứt tiếp đãi khách trong những ngày Tết. Lo chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất để đón chào năm mới, với hy vọng năm mới sẽ sung túc hơn năm cũ. Đồng thời, người lớn thường nhắc nhở con cháu những kiêng kỵ trong những ngày đầu năm.
Cắt tỉa hàng rào cây xanh chuẩn bị đón Tết. |
Những ngày cuối năm, người người lo dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bàn thờ gia tiên, làm bánh mứt tiếp đãi khách trong những ngày Tết. Lo chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất để đón chào năm mới, với hy vọng năm mới sẽ sung túc hơn năm cũ. Đồng thời, người lớn thường nhắc nhở con cháu những kiêng kỵ trong những ngày đầu năm.
Ngày 30 tháng Chạp, ba lo lau dọn bàn thờ tổ tiên, má lo nấu nướng những món ăn ngon cúng ông bà. Ngoại tôi thì thức từ khuya để chuẩn bị gói bánh tét, đến sáng thì có nhiều người bà con hàng xóm đến phụ gói bánh. Đến trưa thì mâm cơm cúng ông bà đã được cúng, dọn ra mọi người cùng ăn vui vẻ.
Bọn con nít chúng tôi lăng xăng chạy tới chạy lui, soạn sửa rồi ngắm nghía bộ đồ má mới mua cho để mặc đi chơi tết.
Chiều đến, khi những tia nắng cuối ngày xiên ngang qua bóng cây, nước dưới sông cũng đã đầy, thì ngoại kêu ba tôi xách nước đổ đầy lu và lóng phèn thật trong. Còn má tôi lo đổ gạo, muối vào khạp cũng đầy ngang miệng. Nhà cửa đều được quét dọn thật sạch sẽ.
Ngoại giải thích: muối, gạo, nước tượng trưng cho ba loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Gạo là nguồn lương thực chính nuôi sống chúng ta mỗi ngày.
Rồi người ta có thể nhịn ăn được vài ngày nhưng không thể nhịn khát được lâu. Muối là một loại gia vị, cũng là một dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Trong nấu ăn, các loại gia vị khác có thể thiếu nhưng thiếu muối thì rất khó ăn. Vì vậy, ba loại này phải đủ đầy để cầu mong năm mới ấm no, thịnh vượng.
Còn đối với chị em chúng tôi, ngoại bắt ra bờ sông tắm. Ngoại kỳ cọ sạch sẽ cho từng đứa. Vừa tắm cho cháu, ngoại vừa dặn: “Kể từ giờ Giao thừa đến hạ nêu, chị em không được cự cãi nhau, không nói bậy, không nói chuyện xui xẻo, không để bị đòn, bị đòn là sẽ bị thúi thịt...
Không hái bông, hái lá, không giết hại động vật để chúng cũng ăn Tết. Sáng sớm mùng Một không nên thức sớm, người thức trước không gọi người khác, để tự ai thích thức giờ nào tùy ý. Không tự ý đến nhà hàng xóm khi nhà người ta chưa mở cửa, nhất là buổi sáng ngày mùng Một.
Đặc biệt, ai hỏi xin, hỏi mượn gì cũng phải hỏi ý kiến người lớn. Ngoại không giải thích nhiều và vì sao lại không. Kết lại, ngoại chỉ nói là không nên, không tốt...”.
Hàng ngày, ngoại cũng dạy chị em chúng tôi những điều hay lẽ phải, việc nên làm và không nên làm. Nhìn chung, những điều ngoại dặn chúng tôi là những điều cấm kỵ của người Việt Nam trong ba ngày Tết và cũng là cách ứng xử trong văn hóa Việt Nam.
Ngoại cũng dặn không quét nhà từ ngày mùng Một đến mùng Ba. Bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa. Từ ngày mùng bốn quét nhà nhưng không hốt rác, chỉ gom vào một góc, đến mùng bảy hạ nêu mới đổ rác. Việc tắm gội cũng kiêng kỵ vào ngày mùng Một.
Vì vậy, trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng; đồng thời cũng tắm gội thật sạch sẽ vừa rũ bỏ cái xui năm cũ vừa đón nhận sự thơm tho, may mắn trong năm mới. Đó là lý do ngoại tôi tắm gội cho từng đứa thật sạch sẽ.
Ngoại khuyên không cho lửa, nước, hoặc cho mượn một vài vật dụng cần thiết đầu năm. Bởi lửa biểu thị sắc đỏ, tượng trưng cho sự may mắn nên vào những ngày đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.
Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên nhiều người quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi “tiền vào như nước”.
Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt. Ngoại dặn ai hỏi mượn gì phải xin ý kiến người lớn là vậy.
Lau chùi làm mới đồ thờ cúng trên bàn thờ gia tiên. |
“Không đến nhà hàng xóm vào buổi sáng mùng Một”- lời ngoại dặn, bởi người xông đất đầu năm rất quan trọng, thường phải là người có đạo đức tốt, tên đẹp (Phước, Hậu, Tiền, Tài, Lộc, Thọ,...) và tuổi cũng phải hợp với gia chủ. Xông đất hay còn gọi là xông nhà, là phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam.
Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình. Nếu như người đó hợp tuổi hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới.
Vào những ngày Tết, mọi người thường giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Vì vậy ngoại dặn chúng tôi “không cãi nhau”. Đồng thời, làm việc gì cũng cẩn thận, không làm đổ bể đồ đạc trong nhà, tránh bị đòn. Việc đánh, giết động vật cũng là điều tối kỵ trong ngày đầu năm.
Trong ngày thường cũng như ngày cuối năm, ngoại thường dặn: ăn uống tránh bỏ mứa. Cơm, thức ăn đã để vào chén thì phải ăn hết, một hột cơm trong chén cũng phải vét hết. Vì hạt lúa là vàng, cơm gạo là hạt ngọc nên không để bỏ phí sẽ bị mất mùa, đói kém.
Ngày Tết ai cũng chưng bông hoa, nhà ở nông thôn thì trồng bông trước ngõ, trước sân. Người trồng bông canh thời gian trổ bông dịp Tết để làm đẹp nhà cửa.
“Mưa xuân lác đác vườn đào
Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa”
(Ca dao)
Lời ngoại dặn đã lâu, nhưng đến giờ chị em chúng tôi vẫn còn nhớ rõ. Rồi vào những ngày cuối năm, chúng tôi cũng thường nhắc nhở lại con cháu, để những điều ngoại dặn được tiếp nối, lưu truyền.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin