Giữ bánh thơm trong mỗi nếp nhà

Cập nhật, 13:47, Thứ Ba, 11/01/2022 (GMT+7)

 

Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (quê ở thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục bộ sưu tập thời trang từ bánh dân gian.
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (quê ở thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục bộ sưu tập thời trang từ bánh dân gian.

(VLO) Khi xã hội càng hiện đại, những giá trị xưa cũ càng trở nên giá trị nên con người luôn nỗ lực giữ gìn trước nguy cơ mai một. Chưa bao giờ bánh dân gian Nam Bộ được quan tâm như lúc này, đặc biệt là tình yêu hương vị quê nhà nhen nhóm và được chính những người trẻ thổi bùng lên.

Chiếc bánh ấm nóng tình cảm của ngoại, của mẹ, ấp ôm bao câu chuyện văn hóa của xứ sở miệt vườn xuất hiện khắp mọi nơi, từ góc bếp nhà đến những sự kiện quan trọng…

Bánh trái trong văn hóa Nam Bộ

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nói rằng bánh dân gian Nam Bộ không đơn thuần chỉ là “cái ăn”- theo nghĩa vật chất mà hơn thế, đó là biểu hiện nếp sống phong phú về tinh thần, bản sắc văn hóa của một vùng đất.

Theo ông khảo sát, ước tính có đến 150 chủng loại bánh dân gian Nam Bộ mang giá trị gốc cùng gần 400 loại bánh có cách tân, biến tấu để phù hợp xu hướng ẩm thực của từng giai đoạn. 

Đó là các loại bánh do dân gian sáng tạo từ nguyên phụ liệu là nông sản quê nhà, đáp ứng phong phú nhu cầu: ăn no, ăn giặm, ăn lót lòng, đến “ăn chơi” trong lúc lao động, khi đi đường xa hay trong sinh hoạt gia đình. Đặc biệt, bánh dân gian Nam Bộ còn được làm phẩm vật dâng cúng trong lễ tục gia đình, lễ hội cộng đồng.

Trong quá trình khẩn hoang vùng đất mới, tiền nhân ta ngoài hành trang vật lực, tài lực và sức lực để khai khẩn còn mang theo cả hành trang văn hóa.

Để rồi qua sự cộng hưởng yếu tố thiên nhiên, văn hóa của vùng đất Nam Bộ, tiền nhân đã sáng tạo nên những giá trị mới.

Tiêu biểu là những chiếc bánh: bánh tét có cội nguồn từ bánh chưng, bánh đa miền Bắc và bánh phồng miền Nam có nhiều điểm tương đồng, bánh khoái ngoài Huế và bánh xèo trong Nam có cách thức chế biến khá giống nhau…

Chiếc bánh thể hiện nét tài hoa, khéo léo, sáng tạo của người Nam Bộ. Mỗi món bánh giống như “một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực” độc đáo ở văn hóa làm bánh, văn hóa bán bánh và thưởng bánh…

Cách thức chế biến bánh dân gian Nam Bộ vô cùng phong phú: nấu, hấp, nướng, chiên, đổ, in, tráng, quết…

Chỉ với nguyên liệu gạo và nếp đã có thể chế biến ra hàng trăm loại bánh. Nhưn bánh cũng là sự sáng tạo. Mỗi loại bánh đều có nhưn riêng, thậm chí một loại bánh cho thể có nhiều loại nhưn. Ví như đòn bánh tét có thể gói nhưn chuối, nhưn đậu, nhưn thịt mỡ, nhưn dừa…

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng còn nhấn mạnh về cách ăn bánh, nước cốt dừa là kỳ công sáng tạo ẩm thực có một không hai ở Nam Bộ.

Nhà nào cũng có trồng vài ba gốc dừa để uống nước, chạy ra sau hè thọc trái dừa rám vỏ là làm ra món bánh ngon.

Ăn bánh lọt, bánh nắn, bánh chuối, chè mà thiếu nước cốt dừa thì coi như giảm phân nửa vị ngon của bánh. Lạ lẫm hơn, nước cốt dừa vốn béo và tưởng chừng phù hợp với bánh ngọt nhưng bánh xèo vẫn cần có nước cốt dừa pha bột, bánh canh mặn, bánh tằm mà không có nước cốt dừa thì coi như “trật tủ”. Lối “ăn kèm” cũng là đặc trưng trong thưởng thức bánh dân gian Nam Bộ.

Bánh xèo nhất định phải có rau sống, bánh hỏi phải kèm heo quay, bánh tiêu không thể thiếu bánh bò, còn món xôi nếp hòa vào xôi bắp thì ngon đáo để. Những sự kết hợp thú vị, thể hiện sự điệu nghệ, bài bản bất luận sang hèn, thể hiện nét văn hóa ăn bánh đặc trưng có từ xa xưa.

Trong văn hóa bán bánh, hình ảnh bà cụ gánh chè, gánh xôi, tiếng rao bánh cam, bánh còng khi trầm khàn, khi lảnh lót… là cả kho tàng văn hóa, chất chứa tiếng nhạc thẩm thấu và nuôi lớn biết bao thế hệ.

Bánh trái sưởi ấm góc bếp nhà

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mọi người dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, điều đáng ngạc nhiên là… nhà nhà đua nhau làm bánh. Trên mạng xã hội ngập tràn ảnh bánh xèo, bánh bò, bánh bông lan… nhà làm. Những đứa trẻ tíu tít vui vẻ ăn bánh do chính tay mẹ làm.

Ổ bánh mì chia nhau những ngày khó khăn. Đòn bánh tét gói ghém cả yêu thương giúp lực lượng tuyến đầu, những người nghèo được ấm lòng ngày dịch.

Trên tinh thần “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, không còn là món ăn chơi, bánh dân gian Nam Bộ được xem là đặc sản dùng để thết đãi khách đến nhà.

Không biết từ bao giờ, trên bàn trà nước mời các đại biểu ở những cuộc họp mặt, hội nghị, hội thảo dù lớn hay nhỏ thì luôn không thể thiếu bánh dân gian. Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức ở các địa phương như Cần Thơ, Cà Mau… đã góp phần đưa bánh dân gian Nam Bộ đi xa hơn.

Bánh dân gian chứa đựng ký ức và câu chuyện văn hóa của xứ sở miệt vườn.
Bánh dân gian chứa đựng ký ức và câu chuyện văn hóa của xứ sở miệt vườn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng- một trong những người đề xuất ý kiến tổ chức và tạo nên thành công của Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ cho biết: “Qua 7 lần tổ chức, lần đầu thấp thỏm với 3.000 người dự thì lần 7 thu hút hơn 600.000 lượt khách”.

Con số là minh chứng rõ ràng nhất rằng bánh dân gian Nam Bộ có sức hút lớn, chưa bao giờ bị lãng quên giữa xã hội hiện đại với trăm ngàn loại bánh ngon.

Bên cạnh giá trị ẩm thực và văn hóa độc đáo, bánh dân gian Nam Bộ còn có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Đã có nhiều đề xuất như cần thiết lập bản đồ nghề bánh dân gian, gắn với tour tuyến du lịch để tạo thêm điểm nhấn.

Bên cạnh đó cần chú trọng xây dựng thương hiệu, hài hòa giữa ẩm thực Nam Bộ với xu hướng ẩm thực thế giới.

Tại những điểm du lịch ở Vĩnh Long như những homestay, nhà dừa Coco Home, ngôi nhà gốm đỏ Tư Buôi,… bánh dân gian được giới thiệu và du khách có thể trải nghiệm tự tay làm bánh.

Trong những câu chuyện về người trẻ giữ gìn bánh dân gian Nam Bộ, nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (quê ở thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên bộ sưu tập thời trang mi ni với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực miền Tây Nam Bộ”. 

Bộ sưu tập gồm 20 mẫu thiết kế thời trang làm từ 20 loại bánh dân gian, góp phần giữ gìn và quảng bá món ngon quê nhà.

Mẹ của Minh Công- cô Nguyễn Thị Ghi tự hào: “Những hồi ức nếu không được kể đi kể lại thì thế hệ sau này làm sao biết bánh lá, biết bột gạo được xay cối đá ra sao.

Những món ăn mà bà ngoại dạy mẹ, rồi mẹ dạy mình phải được kể lại cho con cháu, làm bánh giữ ấm góc bếp nhà. Mỗi thứ 7 cuối tuần là cháu nội về, tôi làm bánh cho cháu ăn”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, sở đang xây dựng kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về ẩm thực “Các loại bánh truyền thống của người Việt” hiện có trên địa bàn tỉnh để giới thiệu và giữ gìn nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực quê hương.

Với tình yêu và nỗ lực giữ gìn của tất cả mọi người, bánh dân gian Nam Bộ mãi có sức sống lâu bền. Bánh thơm giữ căn bếp ấm. Bánh đi xa hơn, giới thiệu nét văn hóa độc đáo đến bạn bè quốc tế.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ