Vẽ thời gian cho sách

Cập nhật, 06:42, Chủ Nhật, 09/01/2022 (GMT+7)

(VLO) Với người yêu sách, bìa sách giống như y phục, làm tôn lên vẻ đẹp của con người. Sách là di sản quý. Những quyển sách có giá trị về tri thức, lịch sử càng quý hơn nên cần được bảo quản kỹ. Đó là tâm niệm của nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh (TP Nha Trang- Khánh Hòa) và Nguyễn Vũ Anh Hoan (TP Hồ Chí Minh)- những người có tấm lòng và tình yêu vô bờ dành cho sách.

Anh Nguyễn Đức Khuynh thường chọn hoa văn thuần Việt để “thay áo” cho sách.
Anh Nguyễn Đức Khuynh thường chọn hoa văn thuần Việt để “thay áo” cho sách.

Khoác áo mới cho sách cũ

Từng là giảng viên dạy bộ môn sáo trúc tại một trường đại học ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), tuy nhiên, cơ duyên và tình yêu thiết tha với sách đã đưa anh Nguyễn Đức Khuynh (sinh năm 1982, hiện sống tại Tổ 20, thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc; tên Facebook Chu Thoong) đến với nghề gia công sách cũ.

12 năm làm công việc “vẽ thời gian” cho sách cũ, giới sưu tầm tín nhiệm gọi anh với đầy đủ sự trân trọng: nghệ nhân. Nghệ nhân phục hồi sách cũ Nguyễn Đức Khuynh cho biết: “Thời sinh viên mê đọc sách nhưng không nhiều tiền nên thường mua sách cũ, có những cuốn bị rách nên mới nghĩ tới việc tìm thợ sửa lại. Dần dà rồi theo thầy học luôn nghề phục hồi sách và gắn bó cho tới hôm nay”.

Anh chia sẻ: “Tôi coi việc phục hồi sách là một bộ môn nghệ thuật, nên không nghĩ đây là nghề kiếm cơm, vì nếu chỉ sống bằng nghề đóng sách tôi không thể nuôi nổi gia đình”. Đấy cũng chính là lý do anh sẵn sàng giúp đóng bìa cho những quyển sách, dù phải bỏ ra rất nhiều tâm sức, để tác phẩm có một đời sống mới.

Trước đây anh làm hai việc, nhưng bây giờ, việc phục hồi sách như là nghề chính, “và nó cho tôi có cuộc sống tốt”.

Thực tế khi tìm hiểu, để có được “cuộc sống tốt” như anh Khuynh chia sẻ là việc không hề đơn giản. Trong suốt quá trình làm nghề, anh luôn tìm một hướng đi riêng để vừa phục hồi những cuốn sách cũ, vừa làm tăng những giá trị văn hóa dân tộc.

Để phục hồi một cuốn sách cũ, anh cho biết “có nhiều công đoạn lắm”, như thẩm định độ hư hỏng của sách, tháo chỉ, bồi lại những trang hư, sau đó khâu lại sách. Nhưng theo anh, những công đoạn ấy khá đơn giản. Việc chọn chất liệu để bọc lại sách, thiết kế hoa văn mới là cả một kỳ công.

Chất liệu bọc sách thường có da (da cừu, da dê, chủ yếu là nhập ngoại), vải và gấm. Nhiều người thích da, nhưng sẽ có những loại sách, anh không chọn da làm bìa, như sách về Phật giáo chẳng hạn.

Việc thiết kế hoa văn, thay vì chọn hoa văn cổ điển theo kiểu Pháp, vừa dễ vừa bắt mắt, anh lại chọn hoa văn thuần Việt, để tạo dấu ấn riêng. Chẳng hạn như cuốn Chân dung Phan Thanh Giản, anh đã chọn hoa văn thuần Việt thuộc Triều Nguyễn.

Sự tìm tòi này, bước đầu cũng gặp không ít khó khăn bởi nhiều nhà sưu tầm không quen, kén chọn. Bìa vải hay gấm, rất khó để thiết kế hay dập nổi, mạ vàng, mà đa phần phải thêu tay.

Lúc đầu nhiều khách hàng không ưng, nhưng dần dà khi tìm hiểu kỹ thì không ít nhà sưu tầm lại tâm đắc và cho đây là sự tinh tế của anh trong việc “khoác áo mới” cho những cuốn sách cũ.

“Độ bìa” sách mới

“Chiếc áo mới” giúp quyển sách trở nên độc lạ và tăng thêm giá trị.
“Chiếc áo mới” giúp quyển sách trở nên độc lạ và tăng thêm giá trị.

Không chọn con đường phục hồi sách cũ như nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh, anh Nguyễn Vũ Anh Hoan (sinh năm 1986, quê Bình Thuận, hiện sống tại Quận 4, TP Hồ Chí Minh; tên Facebook là Thụy Du) có kinh nghiệm nhiều năm trong việc làm bìa cho sách mới, lại theo một hướng đi khác rất độc đáo. Đó là “độ bìa” sách mới cho người sưu tầm.

Nguyễn Vũ Anh Hoan có sở thích chạm khắc trên da. Để ổn định kinh tế tại TP Hồ Chí Minh, anh mở cửa hàng chuyên sản xuất, bán những sản phẩm làm từ da như bóp, túi xách, đồ lưu niệm.

Mấy năm trước, một số người sưu tầm ngỏ ý anh thực hiện kỹ thuật chạm khắc để làm bìa cho những cuốn sách có giá trị, giúp họ sưu tầm. Vốn có tình yêu với sách, anh thử và thấy rằng, chạm khắc da làm bìa sách rất lý thú nên anh gắn bó với công việc này từ đó đến nay.

Anh Nguyễn Vũ Anh Hoan “độ bìa sách” bằng tình yêu mãnh liệt dành cho sách.
Anh Nguyễn Vũ Anh Hoan “độ bìa sách” bằng tình yêu mãnh liệt dành cho sách.

Anh chia sẻ, chạm khắc trên da là việc làm khó, đòi hỏi ngoài yếu tố kỹ thuật, người làm nghề phải cho ra sản phẩm có tính nghệ thuật. Phải hiểu giá trị của những cuốn sách để chọn đề tài khắc chạm cho phù hợp. Để làm ra cuốn sách ưng ý như cuốn Van Gogh cũng phải mất 10 ngày.

Đầu tiên là chọn loại da phù hợp, sau đó tới công đoạn lên ý tưởng, phát thảo ban đầu rồi mới tiến hành chạm khắc. Công đoạn cuối cùng là bọc da đã chạm vào sách, gia công thành cuốn sách hoàn chỉnh. Khi đến tay người sưu tầm, cuốn sách không đơn thuần là sản phẩm dùng để đọc, mà nó là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Anh Hoan chia sẻ thêm, do công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, lại đòi hỏi yếu tố nghệ thuật nên không thể vội vàng. Do đó, nếu không có tình yêu mãnh liệt với sách thì rất khó để theo đuổi nghề.

May mắn là anh có công việc ổn định, có gia đình luôn là chỗ dựa để anh có động lực hoàn thành công việc mang lại tình yêu cho người sưu tầm, cũng như góp phần lưu giữ những giá trị cao đẹp của sách.

Trong cuốn “Quyển sách, nghề xuất bản và nghề bán sách” in năm 1962 của tác giả Lê Thái Bằng dịch từ bộ bách khoa toàn thư Pháp, có đưa ra quan niệm rất đáng chú ý: “Một cuốn sách vừa ra khỏi nhà in không bao giờ có bìa quý: chín phần mười trước khi được bày vào tủ của một người chơi sách khó tính, sách phải qua tay người đóng bìa lại”. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Anh Hoan.

Từ xa xưa, sách được xem là công cụ giúp lưu truyền kiến thức, kinh nghiệm trong đời sống từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có nhiều cách để độc giả, người sưu tầm giữ gìn những cuốn sách đẹp, sách hay. Và việc gia công, thổi hồn cho những cuốn sách cũ đã nhuốm màu thời gian, hay giúp một cuốn sách vừa xuất bản có một “chiếc áo mới” hợp gu người sưu tầm cũng là nghề rất lý thú.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC