Chú chim đang nhanh nhẹn dùng chiếc mỏ của mình rỉa những trái ớt chín đỏ tươi dưới ánh nắng ban mai. Những trái ớt hiểm đo đỏ hướng lên trời mà khi ai nghe đến là đầu lưỡi đã cảm thấy cay xè, cay xé rồi. Vậy mà không ít người thích cái vị nồng cay ấy.
Chú chim đang nhanh nhẹn dùng chiếc mỏ của mình rỉa những trái ớt chín đỏ tươi dưới ánh nắng ban mai. Những trái ớt hiểm đo đỏ hướng lên trời mà khi ai nghe đến là đầu lưỡi đã cảm thấy cay xè, cay xé rồi. Vậy mà không ít người thích cái vị nồng cay ấy.
Người quen ăn ớt, hay đúng hơn là người ghiền ăn ớt, nếu bữa cơm không có ớt thì mất ngon. Họ bảo nhạt miệng. Và khi đã ghiền rồi thì ớt càng cay càng thích, càng đã.
Những người ghiền ăn ớt thường chỉ thích một loại ớt, chẳng hạn như vợ chồng em bà con tôi, người chồng thích ăn độ cay vừa phải nên thích ăn ớt sừng trâu. Những trái ớt to, đỏ thường hiện diện trong nồi canh, nồi kho, chén nước mắm.
Còn vợ thì lại thích ăn ớt hiểm, trái nhỏ hơn đầu đũa vậy mà cay thấu trời. Mấy trái sừng trâu to tướng vậy chứ không cay bằng ớt chỉ thiên nhỏ xíu.
Vợ cầm trái ớt vừa già tới cắn giòn rụm một cái rồi và cơm nhai ngon lành. Tôi ngồi lắc lư kế bên sợ cay, tưởng tượng cắn ăn chắc điếc lỗ tai chớ chơi đâu.
Tôi ăn cay hơi dở, vì vậy khi có dịp ăn chung mâm cơm, tôi lại hít hà khi cắn phải ớt. Cắn phải ớt thật khó tả, một cảm giác khó chịu, tê xót ở đầu lưỡi. Cay xé, mắt tuông giọt ngắn giọt dài, mũi thì sụt sịt.
Thật khéo khen cho sự so sánh đặc sắc giữa vị cay nồng xé lưỡi ấy của ớt với sự ghen tuông của người phụ nữ: “Ớt nào mà ớt chẳng cay/ Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”.
Người không quen ăn cay khi ăn phải ớt, cứ giàn giụa nước mắt. Bởi vậy khi gặp chuyện bất hạnh hoặc khổ cực người lại ví “cay như ớt”. Rồi cái vị cay ấy đi vào đời sống văn hóa khi nào cũng chẳng biết: “Nơi nào mà chát như sung/ Mà cay như ớt, em tung anh vào”.
Và trong cuộc sống chúng ta cũng nên tập ăn cay để quen với vị cay ấy. Vì cuộc đời đâu chỉ riêng vị ngọt ngào, luôn mang hương vị đậm đà. Có ai đó đã nói rất hay: “Hãy tập ăn cay đi, để rồi quen với vị đắng. Cuộc đời đâu phẳng lặng sao cứ thích ngọt ngào. Hãy tập ăn chua đi để rồi quen với chát.
Cuộc đời đâu đầy đủ sao cứ thích đậm đà”. Đúng vậy, sự song hành mà cay đi với đắng, chua đi với chát, ngọt đi với ngào. Mà cuộc đời ai cũng phải nếm qua tất cả các vị ấy.
Và trong cuộc đời đâu biết được mình đã bao lần thốt lên ba tiếng “cay như ớt”. Nhưng rồi ta lại thấy ngọt ngào và trân quý hơn với cuộc sống sau những cú cay ấy.
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin