Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa- những dấu ấn văn hóa, lịch sử

Cập nhật, 05:20, Thứ Hai, 18/10/2021 (GMT+7)

 

Hội thảo khoa học di tích Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa tại ấp Tường Lễ, xã Tường Lộc.
Hội thảo khoa học di tích Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa tại ấp Tường Lễ, xã Tường Lộc.

(VLO) Cùng với Khu Lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và Khu Lưu niệm phong trào Đông Du, Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa là di tích có giá trị văn hóa và lịch sử ở xã Tường Lộc- Tam Bình. Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa ghi dấu câu chuyện đời và quá trình đóng góp rất lớn cho cách mạng tỉnh nhà của Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi, Giáo tông Phan Văn Tòng.

Dấu ấn văn hóa- lịch sử

Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa (ấp Tường Lễ, xã Tường Lộc), được hình thành từ năm 1927, do Giáo tông Phan Văn Tòng làm chủ thánh tịnh. Khi đó, sức lan tỏa của thánh tịnh đã vang xa rộng khắp cả vùng, đến cả các tỉnh miền Trung và đã trở thành Giáo quyền Trung ương, điều hành hoạt động của toàn đạo Cao Đài Tiên Thiên.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, vừa là nơi hội họp kín của tổ chức cách mạng, nơi nuôi chứa nhà chí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh.

Đây cũng là nơi khởi đầu của các cuộc mít tinh, diễu hành mang màu sắc tôn giáo nhằm đấu tranh đòi Pháp trả quyền tự do cho nhân dân Việt Nam, nhất là trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Giáo tông Phan Văn Tòng cùng các tín đồ tham gia cướp chính quyền.

Trong kháng chiến chống Mỹ, thánh tịnh với tên gọi là Văn phòng Ban Trị sự Tường Lộc đã nuôi chứa, bảo vệ cho trên 235 tu sĩ không đi lính cho giặc.

Nơi đây đã bảo vệ an toàn cho nhiều cuộc họp quan trọng dẫn đến thành công của Đại hội “Liên hoan cầu nguyện hòa bình” năm 1970 tại Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chức sắc và tín đồ Họ đạo đã đóng góp rất lớn cho hoạt động cách mạng ở địa phương.

Theo lời kể của Giáo sư Ngọc Hậu Thanh- Trưởng Ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên tỉnh Vĩnh Long, nhiều chức sắc giữ trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị.

Nhiều tín đồ Họ đạo còn trẻ có tinh thần yêu nước đã thoát ly, tham gia lực lượng vũ trang, làm du kích, giao liên, bộ đội Tiểu đoàn 308. Có 22 tín đồ là liệt sĩ. Trong đó, ông Phan Văn Tòng từng tham gia phong trào Đông Du, trải qua 5 năm khổ sai ở “Địa ngục trần gian”- nhà tù Côn Đảo.

Ông Phan Văn Tòng được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công, Nhân sĩ yêu nước năm 1978. Và Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi là một trong số những chức sắc Cao Đài có thâm niên tham gia công tác Mặt trận lâu nhất, với gần 50 năm chăm lo sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Ông được Nhà nước và MTTQ Việt Nam tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Phát huy giá trị di tích

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long vừa tổ chức hội thảo khoa học di tích Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa nhằm lấy ý kiến hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Long nhận xét: “Với những giá trị văn hóa, lịch sử, Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa xứng đáng được công nhận.

Khi trở thành di tích cấp tỉnh, nơi đây sẽ được quản lý tốt, bảo tồn, trùng tu kịp thời và góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa gắn liền với những sự kiện lịch sử của huyện Tam Bình.
Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa gắn liền với những sự kiện lịch sử của huyện Tam Bình.

Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long cho biết, cần phải kể lại câu chuyện đặc biệt giữa Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa và GS.TS. Trần Văn Khê- nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam.

Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học, sang Tam Bình, Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Dượng Năm là ông Phan Văn Tòng, bấy giờ là Phối Sư đạo Cao Đài, cũng là thầy tiểu học của Trần Văn Khê. Khi học ở Trường Tam Bình, Đốc học Nguyễn Văn Ngợi là thầy của Trần Văn Khê hồi lớp Nhứt.

Trần Văn Khê thường xuyên đến nhà chơi đờn với thầy. “Năm 2006, GS.TS. Trần Văn Khê được mời về Vĩnh Long trò chuyện về âm nhạc dân tộc. Sau đó, tôi đã cùng ông đến Tam Bình thăm lại trường học và gia đình những người thân đã nuôi dưỡng ông thời thơ ấu.

Đứng trước tòa tháp của cụ Phan Văn Tòng ở Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa, giáo sư đứng nghẹn ngào rất lâu, có thật nhiều cảm xúc khi trở về nơi đã nuôi dưỡng, dạy dỗ mình”- ông Trần Thanh Sơn kể.

Ông Trần Thanh Sơn cũng đề nghị phải nêu rõ sự nối kết của di tích Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa với phong trào Đông Du.

Bởi sau khi từ Nhật Bản trở về quê hương Tam Bình, Phan Văn Tòng tiếp tục bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, chống thực dân Pháp: lập Chiêu Anh Quán làm nơi liên lạc bí mật, nuôi chứa các chí sĩ của phong trào Đông Du trở về từ Nhật Bản; tiếp tục tham gia các “hội kín”, liên lạc, quy tụ các bậc sĩ phu đương thời.

Trong quá trình hoạt động, ông tìm đến các nhóm tu học Tiên Thiên Đại đạo, nghiên cứu sâu về giáo lý đạo Cao Đài.

Ông muốn vận dụng giáo lý Cao Đài để từng bước giáo hóa dân chúng, chuẩn bị tập hợp quần chúng cho các hoạt động yêu nước, chống ngoại xâm. Cao Đài Tiên Thiên lập giáo hội theo cơ chế Thất thánh, Thất hiền, ông được tín nhiệm trở thành vị Giáo tông đầu tiên.

Theo ông Phan Văn Đàng- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Bình, Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa gắn với 2 nhân vật lịch sử quan trọng của Tam Bình là ông Phan Văn Tòng và ông Nguyễn Văn Ngợi.

Được công nhận là di tích cấp tỉnh, trong tương lai di tích sẽ trở thành điểm đến du lịch, nơi giáo dục truyền thống cho người trẻ.

Đặc biệt là cần có định hướng gắn kết các điểm tham quan di tích lịch sử trên địa bàn huyện như Khu Lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nhà Lưu niệm Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi, Khu Lưu niệm phong trào Đông Du…

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY