Hội Mẹ chiến sĩ

Cập nhật, 12:10, Chủ Nhật, 17/10/2021 (GMT+7)

 

“Đội quân tóc dài” trong một lần đấu tranh chính trị với địch, trong đó có nhiều mẹ chiến sĩ làm nòng cốt. Ảnh: TTXVN
“Đội quân tóc dài” trong một lần đấu tranh chính trị với địch, trong đó có nhiều mẹ chiến sĩ làm nòng cốt. Ảnh: TTXVN

(VLO) Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hội Mẹ chiến sĩ là một tổ chức của Hội Phụ nữ tại các địa phương bao gồm các mẹ từ 50 tuổi trở lên để làm nòng cốt trong công tác nuôi quân, chăm sóc các thương bệnh binh, đặc biệt là các thương bệnh binh nặng cần điều trị dài ngày và cùng thực hiện các chính sách hậu phương quân đội.

Ra đời trong khó khăn…

Theo Viện Tự điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Hội Mẹ chiến sĩ ra đời vào tháng 6/1946 theo sáng kiến của BCH Hội Phụ nữ Trung Bộ.

Các Chi hội Mẹ chiến sĩ đầu tiên được tổ chức ở tỉnh Quảng Trị, tiếp đến là ở các tỉnh Liên khu IV, sau phát triển ra khắp cả nước với gần nửa triệu hội viên trong kháng chiến chống Pháp (1945- 1954), được duy trì và phát triển trong kháng chiến chống Mỹ (1954- 1975).

Các hoạt động của Hội Mẹ chiến sĩ có sức cổ động tinh thần rất mạnh mẽ trong mọi tầng lớp dân chúng, nhất là ở các vùng tự do do lực lượng kháng chiến làm chủ, đã góp phần thiết thực trong giải quyết các khó khăn nhất thời cho đời sống bộ đội và chính sách hậu phương quân đội…

Các đóng góp này của hội được ghi nhận rất rõ trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội Mẹ chiến sĩ Liên khu IV vào tháng 9/1949, trong thư có đoạn:

“… Các chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu chăm sóc chiến sĩ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến.

Đồng thời các cụ, các bà còn hăng hái Thi đua ái quốc để làm kiểu mẫu cho con cháu và đồng bào ở hậu phương. Nhiều cụ, bà tuy tuổi tác đã cao vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý.

Chẳng những chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết ơn các cụ, các bà.

Tôi mong rằng khắp cả nước, các liên khu, các tỉnh, các làng, ở đâu cũng có Hội Mẹ chiến sĩ. Còn các chiến sĩ phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách thi đua giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công làm cho rạng danh và đền bồi công ơn các bà mẹ chiến sĩ…”

Ở đâu cũng có các mẹ chiến sĩ với tình thương yêu ruột rà…

Cùng với cả nước, trong những ngày đầu kháng chiến nhiều gian khó chống lại thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, nhất là sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), các chi hội mẹ chiến sĩ được tổ chức ở nhiều địa phương cùng Hội Phụ nữ và các đoàn thể Cứu quốc khác ở Vĩnh Long đã góp phần rất lớn trong vận động toàn dân tập trung sức người, sức của cho kháng chiến.

Năm 1951, theo chỉ đạo của Trung ương, 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Trà. Để tạo lực cho kháng chiến lâu dài và trước mắt chống lại kế hoạch đánh phá, lấn chiếm của địch, chỉ trong 6 tháng đầu năm 1952 chính quyền nhân dân tỉnh Vĩnh Trà tiếp tục cấp và tạm cấp trên 218 ngàn công ruộng cho nông dân không đất sản xuất, tiếp đó thực hiện giảm tô, đã tạo được phong trào toàn dân hăng hái tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Trên cơ sở đời sống nhân dân trong tỉnh dần dần được cải thiện đã tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện việc thống nhất quản lý tài chính và bắt đầu thu thuế nông nghiệp từ đầu năm 1953. Nhờ đó, đến cuối năm này nhân dân đã đóng góp lúa và tiền phục vụ kháng chiến không những đảm bảo đủ chi cho tỉnh mà còn đóng góp về trên 1.250.000đ Đông Dương(1). 

Tại các vùng tự do, các hoạt động phục vụ kháng chiến của Hội Phụ nữ các cấp được đánh giá có vai trò rất tích cực, ngoài vận động và thực hiện việc đóng góp người của cho kháng chiến Hội còn củng cố các hội mẹ chiến sĩ ở khắp nơi.

Các mẹ ở các chi hội địa phương chăm lo cho chiến sĩ như các con cháu trong gia đình, nhiều mẹ làm tốt việc chăm sóc các thương bệnh binh nặng được nêu gương.

Đặc biệt, phong trào “Hũ gạo nuôi quân” rất được các mẹ chăm chút ở các gia đình, mỗi bữa nấu ăn các mẹ đều nhắc người trong gia đình nhớ bỏ vào hũ gạo này một nắm gạo tiết kiệm để nuôi bộ đội như trong bài ca dao được truyền miệng: “Sáng nay xúc gạo ra vò/ Nhớ đoàn vệ quốc hốt cho nắm đầy/ Một tháng là ba mươi này/ Một ngày một nắm nhớ về quốc quân”.

Tại các vùng địch kiểm soát như tỉnh lỵ Vĩnh Long, các hoạt động của Hội Mẹ chiến sĩ chuyển sang bí mật. Qua mối quan hệ họ hàng, thân quen các mẹ vận động các gia đình ở đây quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men đưa ra vùng kháng chiến.

Các gia đình buôn bán lương thực, thực phẩm được các mẹ đặc biệt chú ý vận động họ để dành lương thực cho ta mua lại, nhờ vậy những lúc khó khăn nhất vẫn có người bán gạo cho ta, trong đó có nhiều gia đình Hoa kiều(2).

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vai trò của các cấp hội phụ nữ, trong đó có các chi hội mẹ chiến sĩ được phát triển ở cấp độ rất cao.

Các đơn vị bộ đội đi đến đâu đều được các mẹ chiến sĩ chăm lo miếng ăn giấc ngủ, nhiều mẹ còn nhận về gia đình chăm sóc các thương bệnh binh nặng và vận động xóm làng cùng nhau giúp đỡ các gia đình chiến sĩ gặp khó khăn, không thiếu những trường hợp các mẹ, các chị bất chấp nguy hiểm vượt qua sự kiểm soát bao vây kinh tế của địch nhận nhiệm vụ mua lương thực nuôi quân, có cả việc đi xin xác tử sĩ sau các trận chiến đấu quá ác liệt ta buộc phải bỏ lại trận địa về chôn cất tử tế không để cho giặc vùi dập…

Với phương châm đánh địch “hai chân, ba mũi” đầy sáng tạo và linh hoạt trong kết hợp giữa hình thức đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng 3 mũi giáp công: chính trị- quân sự- binh vận để địch suy yếu cả tinh thần lẫn tổ chức dẫn đến thất bại, thì vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là vai trò nêu gương của các mẹ chiến sĩ trong các cấp hội phụ nữ được đánh giá rất cao trong mũi đấu tranh chính trị với địch.

Kinh nghiệm đấu tranh chính trị với địch thắng lợi qua hình thành “Đội quân tóc dài” của các chị, các mẹ của quê hương Đồng khởi Bến Tre được lan truyền khắp miền Nam. 

Tại tỉnh nhà, nhiều cuộc đấu tranh chính trị của các đội quân tóc dài diễn ra từ xã đến các huyện lỵ, tỉnh lỵ dù bị địch tìm mọi cách ngăn cản, đàn áp, tù đày…

Dự thảo lịch sử xã Quới Thiện (nay là xã Quới Thiện và xã Thanh Bình của huyện Vũng Liêm) có đoạn kể lại cụ thể một số cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ xã nhà với sự tham gia làm nòng cốt của các bà mẹ, có vụ bị địch đàn áp dã man, có mẹ đã bị địch đánh đến lâm bệnh chết ít ngày sau đó được công nhận liệt sĩ, nhưng các mẹ các chị vẫn nêu cao khí phách của người cách mạng: “Mặc dù các mẹ, các chị đi đấu tranh tại xã hay ở huyện đều bị địch đánh đập hành hạ thân thể như thế, nhưng khi vào các chiến dịch tiến công địch, họ cũng hẹn nhau xách giỏ trầu, đội nón lá lên đường vào xã, vào thị trấn giáp mặt với ngụy quyền…”.

Trong một mẩu chuyện kể về các cuộc đấu tranh chính trị của các mẹ, các chị ở quê hương Đồng khởi Bến Tre, Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Hữu Vị- một người con của Bến Tre- có nhắc đến cuộc đấu tranh chính trị ngoan cường của các mẹ, các chị cùng nhân dân xã Thạnh Phong (Thạnh Phú- Bến Tre) đã bẻ gãy một trận càn vào năm 1966 của quân Mỹ ngụy bảo vệ an toàn căn cứ A 101 của Đoàn 902, đây là một trong những bến của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều cuộc hội thảo sau này đã khẳng định: Thế trận của nhân dân cộng với trái tim người lính hình thành “Bến cảng của lòng dân”(3).

(1), (2) Theo “Lịch sử Tài chính Vĩnh Long (1930- 2000)” do Nhà xuất bản Tài chính phát hành năm 2005.

(3) Theo quyển “Tướng Nguyễn Hữu Vị cuộc đời và sự nghiệp” do Nhà xuất bảnTrẻ. Xuất bản năm 2015.

HỒNG VÂN