"Xách bịch gạo chạy nhà "thím Hai" xay bột dùm mẹ. Mai mần bánh ăn…" nghe mà thân thương đến lạ lùng. Hình ảnh xay bột làm bánh đã trở thành nét đẹp đời thường và cách làm bánh của người miền Tây xưa nay đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất này.
Bánh dân gian được làm khá đơn giản bằng những nguyên liệu thiên nhiên, rất gần gũi và đời thường! |
(VLO) “Xách bịch gạo chạy nhà “thím Hai” xay bột dùm mẹ. Mai mần bánh ăn…” nghe mà thân thương đến lạ lùng. Hình ảnh xay bột làm bánh đã trở thành nét đẹp đời thường và cách làm bánh của người miền Tây xưa nay đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất này.
Gọi chung là bánh dân gian! Xuất phát từ vùng đất miền Tây Nam Bộ với đa tộc người, đa văn hóa và tôn giáo. Bánh dân gian cũng là sản phẩm của quá trình giao lưu và phổ biến, phát triển văn hóa ẩm thực, mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng của mình để cùng làm phong phú và đa dạng hóa các món ăn.
Bánh dân gian dần dà đã trở thành nét đặc sắc tạo nên thương hiệu riêng của văn hóa ẩm thực miền Tây Nam Bộ.
Theo tìm hiểu, vùng đất Tây Nam Bộ có nhiều dân tộc cùng cộng cư (Việt, Hoa, Khmer, Chăm…), mỗi dân tộc cũng có vài chục loại bánh dân gian pha trộn với nhau qua nhiều thế kỷ.
Tiêu biểu, người Hoa có bánh bao, bánh hẹ, bánh củ cải (quảy); người Khmer có Ọm Chiết (bánh dứa), bánh lá thốt nốt (Katum); người Chăm có hà nàm căn (bánh bông lan), đin pa gòn (bánh nếp ống tre), paicarah (bánh nghệ); người Việt có bánh chuối, bánh ú, bánh bò,…
Các loại bánh dân dã này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân Tây Nam Bộ.
Nét đặc trưng của bánh dân gian là hầu hết nguyên liệu làm bánh đều có nguồn gốc từ thiên nhiên. Có nhiều loại bánh, phải có nhiều loại rau kết hợp lại mới làm nên đặc trưng mùi vị và kiểu ăn.
Hiện nay, nhiều loại bánh của miền Tây Nam Bộ “nổi danh” khắp cả nước như: bánh bò thốt nốt (An Giang), bánh khéo (Bạc Liêu), bánh dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre), bánh tét lá cẩm, bánh chuối chiên (Cần Thơ), bánh lá (Hậu Giang), bánh pía (Sóc Trăng), bánh giá Gò Công, bánh cam Mỹ Tho (Tiền Giang), bánh tét Trà Cuôn, bánh ít nếp than (Trà Vinh)…
Hay mỗi khi nhắc đến bánh xèo là hình ảnh đặc trưng của cả một vùng quê miền Tây! Nhiều loại từ lâu đã trở thành “hàng xách tay” để gửi tặng bạn bè, người thân mỗi dịp họp mặt.
Nhớ “hồi đó”, những chiếc bánh được làm rất đơn giản, mộc mạc. Nhiều khi chỉ cần xay bột, rồi bẻ mấy cái lá mít, lá chuối, lá lùng là có ngay một nồi bánh lá, bánh cúng hấp.
Vậy nên người miền Tây đều có một khoảng trời ký ức tuổi thơ về các loại bánh, ít nhất là “ghiền” một loại bánh cho riêng mình…
Ngày nay, bánh dân gian thực sự đã là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của miền Tây Nam Bộ, góp phần giao lưu văn hóa.
Theo nhiều tài liệu, hiện nay, Nam Bộ có trên 100 loại bánh dân gian với nhiều hình thức chế biến khác nhau.
Bánh có nhiều loại như ngọt, mặn, có nhân và không có nhân; có loại bánh được gói, có loại bánh để trần; hình dáng từ tròn, dẹp, vuông, đến hình trụ… Có loại bánh phải ăn chung với nước đường có ít gừng, nước cốt dừa…
Ở mỗi loại bánh là cả một nét đặc trưng nhất định, mà muốn tìm hiểu phải thật yêu và tha thiết với chiếc bánh dân gian quê mình!
Bánh dân gian còn có những loại bánh dùng để cúng trong những dịp trọng đại. Cụ thể như chè, xôi, bánh tét, bánh ít… thường dùng trong các ngày lễ, tết, hội hè, đình đám hoặc cúng tổ tiên.
Nghe mà nhớ câu của mấy đứa trẻ: “Mẹ đi chợ có mua bánh cho con không?” hay “Ở nhà ngoan, nay mẹ đi chợ mua bánh cho ăn…”!
Theo thời gian, bánh dân gian cũng đã trở thành một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam cũng như nhiều quốc gia ở Châu Á khác với tên tiếng Anh là “street food”.
Hay nói gần hơn, ở các điểm du lịch sinh thái sông nước miền Tây Nam Bộ, bánh dân gian cũng đã trở thành một điểm độc đáo thu hút du khách cả trong và ngoài nước, đưa giá trị của chiếc bánh dân gian lên một tầm cao mới khiến mỗi người dân của xứ sở miền Tây Nam Bộ đều phải tự hào.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin