Về Bộ Quy tắc ứng xử dành cho giới nghệ sĩ

Cập nhật, 16:54, Chủ Nhật, 12/09/2021 (GMT+7)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH- TT và DL) đang soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử dành cho giới nghệ sĩ, cùng với 6 Bộ Quy tắc ứng xử “con” của 6 hội hoạt động nghề nghiệp. Dù chưa ban hành, nhưng đã thấy có nhiều… lấn cấn và công chúng hẳn thiếu niềm tin và tính hiệu quả, tính ràng buộc của nó đối với những người đang hành nghề tự do trong lĩnh vự văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật.

Bộ Quy tắc ứng xử dành cho giới nghệ sĩ, trước tiên không phải là văn bản luật nên không có những biện pháp chế tài, mà theo Thứ trưởng Bộ VH- TT và DL Tạ Quang Đông, thì sẽ không có các biện pháp “cấm sóng”. Và thêm khái niệm nghệ sĩ tự do, có sự phân biệt giữa khung nghệ sĩ và các “sao” nữa. Dù đang trong quá trình soạn thảo, hoàn chỉnh trước khi ban hành, nhưng vẫn thấy có nhiều… lấn cấn và công chúng sẽ rất thiếu niềm tin về sự hiệu quả của Bộ Quy tắc ứng xử dành cho giới nghệ sĩ. Dù Bộ VH- TT và DL đang rất cần thiết phải chấn chỉnh sự bát nháo trong “giới nghệ sĩ”, nói khái quát là những người đang hành nghề tự do liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật.

Hiểu theo phát biểu của lãnh đạo Bộ VH- TT và DL, bộ quy tắc này không dành cho khoảng gần 1.000 “nghệ sĩ của Bộ” và không dành cho “các nghệ sĩ sao”. Bởi theo vị này giải thích, đó là cái khung để “nghệ sĩ” biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau để các “sao” cũng phải nhìn vào đấy, nhìn lại mình. Nên hiểu là: “các sao” sẽ nhìn vào “sự tiết chế, ứng xử” của “nghệ sĩ” mà nhìn lại mình. Trong khi ảnh hưởng lớn nhất, có tác động mạnh mẽ nhất đến xã hội chính là các nghệ sĩ đã được gọi là “sao”; những tác động tiêu cực hay tích cực nổi cộm nhất là trong nhóm này.

Một văn bản nhà nước khi chưa ban hành mà đã đưa vào quá nhiều phân tầng khái niệm khó hiểu, khó phân biệt ngoài thực tế hoặc dễ gây tranh cãi đánh đồng khái niệm, chắc chắn nó sẽ không có tính hiệu quả, tính bền vững khi đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Rồi đây, sẽ còn phải tiếp tục bàn cãi ai là những “nghệ sĩ tự do”? Khi mà lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp này không cần phải qua trường lớp “nghề”, không cần giấy phép hành nghề vẫn có thể tự xưng là nghệ sĩ, vẫn có thể hoạt động, có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội thông qua hoạt động biểu diễn dưới nhiều hình thức và tính lan truyền thông qua các mạng xã hội. Mà trước đó, ngày 7/6/2021, Bộ Thông tin- Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; không khéo sẽ là sự chồng chéo vừa thừa, vừa thiếu trong những bộ quy tắc ứng xử sắp tới của hội nghề nghiệp do Bộ VH- TT và DL quản lý.

Cùng với những khái niệm về đối tượng dễ nhập nhằng, là công chúng hẳn sẽ thiếu tin tưởng sự “tuân thủ” theo những quy tắc ứng xử chỉ mang tính nhắc nhở chung chung sao cho: phù hợp chuẩn mực xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Khác nào sự luẩn quẩn kiểu “đuổi hình, bắt bóng”, khi những người được gọi là “nghệ sĩ” là “các sao” vẫn luôn có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng riêng từ vài trăm ngàn người hâm mộ đến vài triệu, cả hàng chục triệu luôn tung hô, ủng hộ một cách bất chấp.

Thiết nghĩ, nếu bất kỳ ai- không cần phân biệt “nghệ sĩ”, “nghệ sĩ tự do”, “nghệ sĩ sao”, khi đã có những vi phạm hoạt động trên mạng xã hội (chủ yếu là từ đây), thì đã có sự “tuýt còi” của Bộ Thông tin- Truyền thông. Còn đối với những hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, cần có sự quản lý bằng luật, bằng những thẻ hành nghề và đương nhiên có những cảnh cáo, xử phạt bằng những hình thức “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” hoặc đuổi ra khỏi sân chơi. Sự thanh lọc trong lĩnh vực này cần chế tài từ 2 sức mạnh mà nó có thể sở hữu đó là: mạng xã hội và kinh tế- thông qua những hợp đồng biểu diễn…

Rất cần thiết phải chấn chỉnh sự bát nháo, những hành xử không hay trong những người đang làm nghề trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật; nhưng ban hành quá nhiều bộ quy tắc ứng xử rối rắm, khó hiểu cũng sẽ không đem lại những hiệu quả, tín hiệu tích cực.

NGỌC TRẢNG