Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Tạo thói quen ứng xử tích cực và ý thức trách nhiệm

Cập nhật, 18:15, Thứ Ba, 22/06/2021 (GMT+7)

Để có những công dân số biết tôn trọng người khác và có trách nhiệm rất cần sự thay đổi trong nhận thức, thói quen, hành vi và ý thức trách nhiệm của người tham gia sử dụng mạng xã hội.

Trong sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin với đa nền tảng mạng xã hội, để góp phần hạn chế các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, bên cạnh Luật An ninh mạng và các văn bản liên quan, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

(Ảnh minh họa: KT)
(Ảnh minh họa: KT)

Làm thế nào để mỗi người tham gia mạng xã hội là một công dân số biết tôn trọng người khác và có trách nhiệm, VOV đã cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Nghĩa, thành viên tổ soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Viện Chiến lược và Truyền thông thông tin, Bộ TT&TT.

PV: Là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông có thể cho biết việc ban hành văn bản này có ý nghĩa như thế nào tại thời điểm này?

Ông Phạm Văn Nghĩa: Việc Bộ TT&TT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội rất cần thiết và có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay. Bộ Quy tắc được xây dựng nhằm tạo điều kiện phát triển mạng xã hội lành mạnh tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, tự do kinh doanh, không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đưa ra các khuyến nghị chuẩn mực về đạo đức, hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

PV: Hiện nay vẫn có một số ý kiến thắc mắc về sự cần thiết ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông có bình luận gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Nghĩa: Chúng ta đã có Luật An ninh mạng được Quốc hội ban hành năm 2018 quy định khá đầy đủ các hành vi trên không gian mạng. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được xem như từng bước giáo dục ý thức và tạo thói quen tích cực về các hành vi ứng xử trên môi trường mạng xã hội cho người dân.

PV: Mạng xã hội là nơi tràn ngập thông tin từ tích cực đến tiêu cực, những hành vi sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật trên mạng xã hội được cho là đang ở tình trạng đáng báo động. Ông có ý kiến thế nào về nhận định này, thưa ông?

Ông Phạm Văn Nghĩa: Tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến này. Tình trạng này hiện nay thực sự đáng báo động, song để tạo ra môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, doanh nghiệp và trách nhiệm của cá nhân mỗi người dùng mạng xã hội trong việc cùng chung tay đẩy lùi các hành vi, ứng xử không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

PV: Thưa ông, ông có thể nêu ngắn gọn các quy tắc của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được ban hành?

Ông Phạm Văn Nghĩa: Có 4 quy tắc ứng xử chung được nêu ra. Đó là, tôn trọng, tuân thủ pháp luật, lành mạnh, an toàn bảo mật thông tin và trách nhiệm. Quy tắc tôn trọng tức là tuân thủ pháp luật, tôn trọng người tham gia mạng xã hội, tôn trọng các quy định của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, để có những hành vi đúng, hướng tới điều tốt đẹp. Đó cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Quy tắc trách nhiệm là người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những ứng xử của mình trên mạng xã hội. Người tham gia cũng như nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin là người sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ quy định, hướng dẫn về an toàn bảo mật thông tin.

Quy tắc lành mạnh: các hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Vâng, xin cảm ơn ông./.

Theo VOV