Vào đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam vẫn chưa đề cao vai trò của phụ nữ; trong khi đó nữ giới chiếm tới một nửa dân số trong cả nước. Do vậy một số người cấp tiến đã quan tâm đến thành phần này, góp phần giúp họ đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong xã hội,…. Chính vì lẽ đó mà "Nữ giới chung"- tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn.
(VLO) Vào đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam vẫn chưa đề cao vai trò của phụ nữ; trong khi đó nữ giới chiếm tới một nửa dân số trong cả nước. Do vậy một số người cấp tiến đã quan tâm đến thành phần này, góp phần giúp họ đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong xã hội,…. Chính vì lẽ đó mà “Nữ giới chung”- tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn.
Với đối tượng chính là phụ nữ, ngay từ đầu những người sáng lập báo đã mong muốn tờ báo phải là “tiếng chuông thức tỉnh nữ giới”, khơi dậy ý thức dân tộc của phụ nữ, nhắc nhở phụ nữ quan tâm đến “vận nước”, “vận giang san”.
Gợi lại truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc, nhắc đến những gương sáng về lòng yêu nước của người xưa.
Mục đích mà tờ báo “Nữ giới chung” muốn hướng đến là nâng cao dân trí cho phụ nữ vốn từ trước nay không hề được coi trọng trong xã hội Việt Nam.
“Nữ giới chung” đã gióng lên hồi chuông khơi dậy sức mạnh của một nửa dân số xã hội. Tuy thời gian tồn tại khá ngắn ngủi, song ảnh hưởng của nó trong xã hội đương thời cũng như trong tiến trình phát triển lịch sử báo chí trở về sau là tương đối lớn.
Tôn chỉ của tờ báo còn được thể hiện rõ hơn qua lời mở đầu và lời kính tỏ được đăng ở các trang đầu của số báo đầu tiên. Lời kính tỏ được in với co chữ lớn và được bố trí hài hòa với độ rộng 100% trang báo, còn lời mở đầu được phân thành 3 cột.
Thông qua lời kính tỏ, “Nữ giới chung” cung cấp cho độc giả những nguyên nhân chủ yếu cũng như điều kiện ra đời của tờ báo. Ngoài ra, còn cho biết một số thông tin về chủ bút Sương Nguyệt Anh và một vài dòng tâm sự với giới độc giả nữ.
Bà Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời ra làm chủ bút tờ báo Nữ giới chung - tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 15 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Ngày 1/2/1918, tờ báo ra số đầu tiên và bà chính thức trở thành nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Báo phát hành định kỳ vào ngày thứ sáu hàng tuần, với 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo.
“Nữ giới chung” là tờ báo đầu tiên ở nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó; đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ, khơi dậy trong lòng phụ nữ sự tự hào giới tính:
“Vang lừng nữ giới những hồi chuông
Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng…”
Tờ báo “Nữ giới chung” có nhiều chuyên mục như: phần Xã thuyết, phần Văn học, phần Gia chánh, phần Học nghề…
Ngoài ra, còn có các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện. Riêng phần “Xã thuyết” của “Nữ giới chung” chính là diễn đàn những người phụ nữ được nói lên tiếng nói của mình. Đây là tiếng nói đòi quyền bình đẳng, đòi được tôn trọng.
Vì thế Xã thuyết là tiếng chuông vọng nhất, ngân nhất của tờ “Nữ giới chung”. Phần này thường do Sương Nguyệt Anh phụ trách chính, những bài viết của bà ở mục này rất sắc, tập trung, có tính kêu gọi, lý giải vấn đề rất thực, rất hiệu quả.
Đề tài xoay quanh những chuyện như: “Cách ăn mặc của đờn bà nước ta”, “Bàn về sách dạy đờn bà con gái”, “ Lòng yêu nước của đờn bà Pháp”, “Lòng nhiệt thành”…
Ngoài Sương Nguyệt Anh, cũng có một số tác giả khác tham gia phụ trách mục này như Nguyễn Song Kim, Trần Thị Đào, Nguyễn Thị Bỗng...
Dưới đây là một đoạn trong bài “Lòng yêu nước của đờn bà Pháp” của Nguyễn Thị Bỗng:“Người ta ai không có nước, nước cũng như nhà nếu biết yêu thân thì phải yêu nhà, muốn giữ vẹn nhà thì phải yêu nước… yêu nước thì hoặc lấy của, hoặc lấy sức, hoặc lấy tài, hoặc lấy đức.
Yêu nước thì phải dùng lưỡi, hoặc dùng bút, hoặc đổ máu ra mà làm cho Tổ quốc được quang vinh. Dẫu mình có thiệt mà nước mình được ích cũng làm, dẫu mình có hại mà nước được lợi cũng làm…”.
Phần Xã thuyết được viết bằng văn phong chính luận nhưng không vì thế mà khô khan cứng nhắc. Hiểu được tâm lý của nữ giới, chủ bút Sương Nguyệt Anh đã dùng hình thức trò chuyện tạo không khí gần gũi thân mật; từ đó gây nên sức hút hơn đối với độc giả.
Có thể nói phần Xã thuyết là linh hồn của tờ báo. Thông qua mục này mục đích và tôn chỉ của tờ báo được thể hiện rõ nhất. Những tư tưởng cấp tiến của chủ bút Sương Nguyệt Anh đã góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ trong xã hội, cung cấp cho người phụ nữ những tri thức lý luận vô cùng sắc bén.
Trong giai đoạn này, bất cứ một tờ báo nào cũng đều khá chú trọng đến văn học. Văn học hiện đại tìm được chỗ đứng để tồn tại và phát triển chính là nhờ vào báo chí, nhưng ngược lại văn học chính là phần làm cho tờ báo dễ đến với độc giả hơn, dễ thu hút người đọc tờ báo hơn.
Phần Văn học của “Nữ giới chung” khá phong phú với nhiều thể loại khác nhau. Nhưng cuối cùng vẫn luôn thực hiện một mục đích là nâng cao dân trí cho người phụ nữ.
Chuyên mục “Văn Uyển” luôn thiên về văn học, thường là “Uống trà vịnh thơ”. Tuy nhiên nó còn mang tải nhiều vấn đề xã hội sâu sắc, không còn là chuyện nhàn tản thơ văn mà đã ý thức được vai trò của văn chương trong công cuộc đổi mới xã hội, đặc biệt là gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh phụ nữ.
Bà Sương Nguyệt Anh khuyên chị em phụ nữ không chỉ nên lủi thủi trong xó bếp hoặc chỉ say mê trong việc ngâm vịnh thi phú mà còn phải biết tình hình thế sự.
Mở rộng nhãn quan để tìm hiểu “tình trong thế ngoài”. Phải biết nâng cao trí thức để có được một cuộc sống tự lập chứ đừng nên núp mãi dưới bóng trượng phu:“Chị em ơi! Cái nết đánh chết cái hay, dẫu vẫn như ả Tạ nàng Ban, cũng chẳng qua một cái trò chơi.
Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam tử thì chẳng những việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, mà tình trong thế ngoài cũng phải ráng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”.
So với đương thời, tư tưởng của bà thật tiến bộ, văn chương mạnh mẽ cấp tiến biết chừng nào!
Về phần đăng tải thơ văn, “Nữ giới chung” chia làm 2 thể loại thơ: đương đại và thơ cũ. Thơ văn đăng tải trên “Nữ giới chung” thường chia ra làm “Thơ văn Trung Kỳ”, “Thơ văn Bắc Kỳ”… bổ sung cho sự phong phú của tờ báo. Qua đó cũng chứng tỏ được sự lan rộng của tờ báo khắp trên cả nước.
Bài vở đóng góp cho tờ báo không chỉ giới hạn ở vùng Gia Định, mà còn ở địa phận Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trong các số báo có những câu thơ như khuyến khích, thúc giục người phụ nữ:
“Chuông vàng gióng giã
Gửi bạn quần xoa
Phá tan giấc điệp
Tỉnh lại hồn hoa
Hỡi chị em ơi dậy dậy mà”
“Nữ giới chung” không chỉ góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà, làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như: Phụ nữ Tân văn, Phụ nữ Thời đàm...
Việc tờ báo “Nữ giới chung” ra đời là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy tờ báo tồn tại không lâu thì phải đình bản, vì thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa tờ báo “do nhận thấy ảnh hưởng của “Nữ giới chung” ngày càng to lớn”. Số cuối ra ngày 19/7/1918, nghĩa là tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.
Trong bối ảnh chính trị lúc bấy giờ, với tư cách là một tờ báo của giới nữ, báo “Nữ giới chung” đã góp những tiếng nói đầu tiên nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc cho người phụ nữ. Đó là một thành công đáng ghi nhận của báo “Nữ giới chung”.
Tài liệu tham khảo:
- “Những danh sĩ Miền Nam”, Hồ Sĩ Hiệp - Hồ Hoài Anh, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1990.
- “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”, Nguyễn Phương Thảo, NXB Phụ nữ,1990.
- Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh chủ bút “Nữ giới chung”, tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, Trần Trọng Trí, SGGP, 2000.
- “Nữ giới chung” và “Phụ nữ Tân văn”, Thanh Việt Thanh, Kiến thức ngày nay.
- Nữ giới chung - Tờ báo Phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam (1918), Nguyễn Thị Tường Khanh, Hà Nội, 2001. (Luận văn Thạc sĩ Khoa học lịch sử)
NGUYỄN CHIẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin