Con người và vẻ đẹp Vĩnh Long trong ca dao

05:02, 02/02/2021

Ca dao là một loại hình văn học có từ rất sớm, do nhân dân sáng tác phản ánh cuộc sống sinh hoạt, ý nghĩ của nhân dân trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với xã hội và xây dựng đất nước. Những câu ca dao dưới đây phần nào đã thể hiện con người và vẻ đẹp Vĩnh Long.

 

Ảnh: THANH BÌNH
Ảnh: THANH BÌNH

(VLO) Ca dao là một loại hình văn học có từ rất sớm, do nhân dân sáng tác phản ánh cuộc sống sinh hoạt, ý nghĩ của nhân dân trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với xã hội và xây dựng đất nước. Những câu ca dao dưới đây phần nào đã thể hiện con người và vẻ đẹp Vĩnh Long.

Tỉnh Vĩnh Long là vùng đất ở phía Nam sông Tiền được Chúa Nguyễn thành lập năm 1732. Trong quá trình khai hoang mở cõi, qua nhiều thế hệ, lưu dân xứ Vĩnh đã biến vùng đất hoang vu sình lầy thành nơi trù phú của đất nước:

Quê em Bưng Sẩm đẹp giàu

Chim đầy đồng, cá lội đầy bưng

Củ co bông súng rau rừng

Quê hương mến khách tao phùng là đây

Từ thành thị tới thôn quê đâu đâu cũng có sản vật dồi dào:

- Đất Trà Ôn tiếng đồn con cá cháy

Đất Vĩnh Trị nổi tiếng nem ngon

Gạo Ba Kè vừa dẻo vừa thơm

Anh về ở đất Sài Côn

Nhiều năm vẫn nhớ riệu (rượu) ngon Lộc Hòa

- Cô kia cặp tóc đuôi gà

Nắm tay cô lại hỏi nhà cô đâu

Nhà em ở tận vùng sâu

Phía trên đám lức đầu cầu ngó qua

Ngó qua thấy mía trổ cờ

Rẫy dưa trổ nụ, rẫy cà trổ bông

Một cảnh đẹp đồng quê trù phú, no đủ, tất cả tạo nên bức tranh toàn cảnh:

Vĩnh Long sông nước miệt vườn

Quanh năm cây trái phố phường vàng mơ

Vĩnh Long- vùng đồng bằng châu thổ- không có địa hình đa dạng, sơn thủy, hữu tình như bao nơi khác nhưng không vì thế đơn điệu, buồn tẻ:

- Tuy không đồi núi nhấp nhô

Không dòng suối bạc chẳng hồ nước xanh

Mông lung vài nét đan thanh

Vĩnh Long trông vẫn hữu tình đáng yêu

- Sông Vĩnh Long như rồng uốn khúc

Đất Vĩnh Long ngoạn mục như mơ

Giàu lòng đất sử tình thơ

Dòng sông man mác câu hò đêm trăng

Địa hình sông nước tạo nên sự sống và tình cảm con người:

Sông quê nước chảy xuôi dòng

Tình người quyện chặt tấm lòng sông quê

Trong quá trình lao động sản xuất, người dân Vĩnh Long không những tạo ra của cải vật chất nuôi sống con người mà còn tạo nên những của cải tinh thần, tạo nên vùng đất địa linh nhân kiệt, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của địa phương đất nước:

Vĩnh Long là xứ địa linh

Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng

Để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước ngày 22/2 Gia Long thứ 12 (1813) cho xây đắp thành Vĩnh Long chu vi 500 trượng, cao 1 trượng, có 5 cửa, 1 kỳ đài:

Nhìn chiếc lá xanh, cây đa Cửa Hữu

Anh tìm dấu vết một cửa thành xưa

Ông cha ta xây lũy đắp bờ

Máu xương đã đổ đến bây giờ đẹp tươi

Miếu Công Thần ở Phường 5 (TP Vĩnh Long)- một di tích lịch sử cấp quốc gia- có sắc chỉ vua Tự Đức thờ 85 vị anh hùng có công với nước thì:

Đến miếu Công Thần thắp nén nhang

Nhớ ơn ai đã khai hoang đất này

Nhớ người mở cõi miền Tây

Hy sinh xương máu có ngày vinh quang

Trong quá trình xây dựng bảo vệ đất nước, người dân Vĩnh Long đã lập làng, dựng chùa, đình, miếu gửi gắm tâm linh, ơn nhớ người đi trước, cầu mong cuộc sống yên lành:

- Đi qua Thiện Mỹ, nhớ chuyện cúng đình

Ghé viếng thăm cụ Điều Bát vái cha mẹ mình sống lâu

- Đình Tân giai mấy trăm năm

Có từ triều đại Gia Long đến giờ

Ngày xưa dân biết kính thờ

Những người xây dựng cơ đồ bình yên

Tôn giáo thường có yếu tố hoang đường, nhưng hoang đường là nét đẹp của tâm linh:

Chùa Tiên Châu dưới cây xanh

Ngôi chùa cổ kính trước thành Vĩnh Long

Ngày xưa tiên xuống tắm sông

Ngày nay nhà cửa ruộng vườn xum xuê

Cảm về vẻ đẹp của ngôi chùa, khoảng năm 1930, nhà văn hóa Phan Khôi tới Vĩnh Long đã có câu thơ:

Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long thành

Bên này rộn rịp đấy vắng tanh

Thấp dưới cỏ cây nhà trắng trắng

Chia đôi trời nước liễu xanh xanh

Sau khi thực dân Pháp chiếm cứ 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, một số nhà nho yêu nước có tinh thần dân tộc, tụ hội về Vĩnh Long xây dựng Văn Thánh miếu, Văn Xương các bảo tồn nền văn hiến của nước nhà:

Hà Nội có miếu Văn Thánh

Vĩnh Long có miếu Thánh Văn

Một thời văn hóa mở đường

Truyền thống còn đó chớ xem thường ai ơi

Trải bao thăng trầm đổi thay biến cố của lịch sử nhiều di tích văn hóa ở Vĩnh Long bị tàn phá, duy ngôi Văn Thánh miếu vẫn còn nguyên, nền giáo dục tân kỳ, hiện đại vẫn bảo tồn, thừa kế phát triển văn vật khi xưa.

Sự tồn tại vững bền của khu Văn Thánh miếu chính là nền tảng trụ cột văn hóa giáo dục Vĩnh Long; Văn Thánh miếu cũng chính là tháp đỉnh văn hiến không gì lay chuyển nổi của người dân Vĩnh Long. Tinh thần văn hiến đó đương nhiên làm cho thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng phải tôn trọng.

Tuy là vùng đất mới nhưng Vĩnh Long sớm là miền đất địa linh, nhân kiệt, thời nào cũng sản sinh ra những nhân kiệt anh hùng trên mọi lĩnh vực:

- Vĩnh Long có cặp rồng vàng

Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhị Phan Tuẫn Thần

- Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa

Dựng làng mở cõi sớm trưa dãi dầu

Để bảo vệ lãnh thổ Nam Bộ, vua Gia Long thứ 18 (1819) sắc dụ cho Vĩnh Thanh (tỉnh Vĩnh Long xưa) trấn thủ là Thống chế Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại). Sức dân phu đào kinh Vĩnh Tuế.

Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) mới hoàn thành. Bà Châu Thị Vĩnh Tế (vợ của Thoại Ngọc Hầu) có nhiều công giúp chồng làm nên sự nghiệp. Triều thần tâu xin nhà vua lấy tên bà đặt tên kinh là kinh Vĩnh Tế. Nhà vua đã thốt lên: Đây là lần đầu tiên trẫm chuẩn cho một người đàn bà có công với nước:

Mạnh Lệ Quân anh thư tuấn kiệt

Gái đất Việt chẳng kém tài trai

Gương bà Châu Thị hiền tài

Giúp chồng nên việc tiếng đời ngàn năm

Cũng như các nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa, người dân Vĩnh Long:

Quanh năm khoai lúa ruộng vườn

Sớm trưa chỉ biết con đường mần ăn

Nhưng mỗi khi có giặc ngoại xâm thì sẵn sàng kháng chiến giết giặc:

- Mỹ vào xâm lược nước ta

Toàn dân nổi dậy xông pha diệt thù

- Ai về quê mẹ Vĩnh Long

Có nghe tiếng hát trong lòng nở hoa

Người người sản xuất tăng gia

Thanh niên đắp lũy cụ già vót chông

Các cô thôn nữ má hồng

Tham gia làm cản, hàn sông vây đồn

Tiến lên giải phóng nông thôn

Xây ấp chiến đấu mồ chôn quân thù

Tình quân dân như cá với nước, như mẹ với con:

Mẹ mừng xoắn xuýt hỏi han

Tụi bây cơm nước đã ăn chưa nào

Các con có rảnh theo tao

Dừa cam sẵn có bẻ vào mà ăn

Trái lại đối với giặc:

Lựu đạn gài dưới, gốc cây

Giặc Mỹ bẻ trái phơi thây mấy thằng

Tình yêu đôi lứa gắn liền với bổn phận nghĩa vụ sản xuất chiến đấu bảo vệ Tổ quốc:

Đầu năm anh đến hỏi em

Ngập ngừng em hỏi con xem tính tình

Cuối năm trúng tuyển tân binh

Gặp em anh hỏi chúng mình tính sao

Em cười ửng đỏ má đào

Tùy anh định liệu thế nào cũng xong

Và rồi:

- Anh đi em ở lại nhà

Lúa vườn chăm sóc, mẹ già có em

- Anh đi gìn giữ nước non

Tuổi xanh em đợi lòng son em chờ

Sau 30/4/1975, hòa bình xây dựng lại đất nước thành thị, nông thôn không ngừng đổi mới:

Quê mình xóm nhỏ xưa nghèo

Chiến tranh tàn phá bưng bầu khó đi

Bây giờ đường sá phẳng lì

Nhựa cao láng mặt, xe đi dễ dàng

Ngày nào cầu khỉ khó sang

Mưa trơn đường trượt trẻ con ngại ngùng

Mà nay lối rộng ung dung

Đường đan cầu đúc mặt bằng dễ qua

Tình quê sóc nhỏ đậm đà

Bình minh nhộn nhịp chiều tà đông vui

Đại hội III của Đảng năm 1960, trong diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu:

Công ơn Đảng thật là to

Ba mươi năm ấy biết bao nhân tình

Đảng là đạo đức là văn minh

Kể từ khi Đảng thành lập đến nay đã hơn 90 năm. Đảng thọ, đảng viên thọ. Vĩnh Long ta hiện nay có hàng trăm đảng viên nhận huy hiệu 30 năm, 40 năm, rồi 65 năm, 70 năm tuổi Đảng. Đó là niềm vinh dự tự hào không thể nào quên của mỗi cán bộ, đảng viên ta:

Cầm vàng còn sợ vàng rơi

Nhận huy hiệu Đảng trọn đời không quên

Hay

Cầm vàng còn sợ vàng rơi

Nhận huy hiệu Đảng sáng ngời niềm tin 

Tóm lại, ca dao là một loại hình văn học có từ rất sớm, do nhân dân sáng tác phản ánh cuộc sống sinh hoạt, ý nghĩ của nhân dân trong cuộc đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội và xây dựng đất nước. Những câu ca dao trên phần nào đã thể hiện con người và vẻ đẹp Vĩnh Long, giúp ta thêm tình yêu quê hương đất nước.

TRƯƠNG CÔNG GIANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh