Mỗi năm, khi tiết trời se lạnh, cây mai trước sân thay lá và bắt đầu nhú lên những chùm nụ xinh xinh thì lòng tôi lại nghe nôn nao, hoài niệm về những kỷ niệm tuổi thơ. Nội tuy đã đi xa nhưng bà luôn là hồi ức đẹp về những ngày tết trong tôi.
(VLO) Mỗi năm, khi tiết trời se lạnh, cây mai trước sân thay lá và bắt đầu nhú lên những chùm nụ xinh xinh thì lòng tôi lại nghe nôn nao, hoài niệm về những kỷ niệm tuổi thơ. Nội tuy đã đi xa nhưng bà luôn là hồi ức đẹp về những ngày tết trong tôi.
Năm nào cũng vậy, trời chưa sáng, khi tiếng giã bánh phồng vang lên là bà đã dậy phụ bà Tư hàng xóm cán bánh hoặc phơi bánh tráng.
Tôi cũng lật đật chạy theo, cùng mấy đứa hàng xóm ngồi gần lò bánh để sưởi ấm. Người lớn nói trời còn khuya, bảo chúng tôi về ngủ để giữ gìn sức khỏe nhưng đứa thì im lặng, đứa lại lắc đầu.
Thằng Nhí- bạn chí cốt của tôi- nũng nịu với bà Sáu: “Ngoại ơi, bây giờ tụi con đâu còn đi học, được nghỉ tết rồi, ngoại cho tụi con ở lại phụ phơi bánh rồi buổi trưa ngủ bù nghen?” Mấy bà, mấy cô gật đầu vì biết rằng trong tiết trời lành lạnh, nghe tiếng giã bánh phồng cùm cụp, con nít nôn nao tết như vầy thì làm sao mà ngủ cho được.
Chú Tám giã bánh phồng bằng chày, thân hình chú vạm vỡ, mồ hôi ướt đẫm như người lực sĩ đang cử tạ. Bà Tư nhắc phải giã cho đều tay nếu không bánh bị chai, không nở. Mấy bà, mấy cô vừa cán bánh vừa nhắc chuyện ngày xửa ngày xưa khi còn là những cô gái tuổi mười tám đôi mươi.
Tay họ thoăn thoắt tạo ra những cái bánh tròn vành vạnh như ánh trăng rằm. Những ống cán bánh bằng tre bông không biết đã qua bao đời mà nó bóng mượt như đồi mồi.
Bánh tráng ngọt mềm mại tựa tấm lụa được điểm lấm tấm hoa mè; bánh tráng nhúng nhờ bàn tay khéo trông như một màn sương mỏng dính. Bà Tư bảo đó là nghề gia truyền ba đời của gia đình bà thành thạo như một nghệ nhân.
Bọn trẻ chúng tôi xúm nhau phụ phơi bánh tráng, bánh phồng mà lòng rất vui vì thế nào cũng được ăn bánh ướt- bánh tráng ngọt còn ướt gói với dừa nạo, đậu xanh.
Đêm hai mươi ba, bà chuẩn bị đưa ông Táo về trời. Bên ánh lửa rơm bập bùng, bà nướng bánh tráng, bánh phồng và kể cho con cháu nghe sự tích ông Táo, bà Táo. Tay bà đảo đều cây gắp, những cái bánh trương to, phồng lên, nhẹ, xốp đến phau đầu lưỡi.
Được đi chợ tết cùng bà thật là một niềm vui khó tả. Hai mươi chín tết năm ấy, bà cháu tôi quá giang ghe của bác Ba bằng chiếc máy cô-le xình xịch trong màn đêm.
Tôi mặc áo ấm, bà choàng khăn và ôm tôi trong lòng. Ghe đến ngã tư phải dừng lại chờ khoảng ba mươi phút vì gặp nước cạn. Tôi và thằng Nhí- con bác Ba- buồn ngủ mà không dám chợp mắt vì sợ ngủ quên.
Trời vừa hửng sáng thì chúng tôi đến chợ. Tôi muốn nhảy cẫng lên vì vui khi nhìn thấy ghe, xuồng và vỏ lãi đậu kín cả bến sông. Bác Ba gái giao nhiệm vụ cho chị Thơ ở lại giữ ghe, chị xịu mặt xuống.
Cuối cùng, bác phải mua hai cái bánh cam, một gói xôi, một bọc nước mía và hứa mua thêm đôi dép mới, chị tươi cười.
Bà dắt tôi đi mua dưa hấu. Ngày nay, dưa hấu có quanh năm nên tết đến người ta sẽ không còn cái cảm giác nôn nao được ăn dưa hấu tết. Ngoài ra, bà còn mua nhiều thứ nhưng trầu, cau, trái cây bà hay mua của các cụ từ vườn đem ra. Bà bảo: “Mình vừa mua sắm mà cũng vừa giúp đỡ cho
họ vậy!”
Sáng mùng một, mai vàng thắm cả một góc sân, bà dậy sớm, mặc áo dài màu nâu, bên ngoài khoác thêm chiếc áo dài bằng the và chải đầu thật mượt bằng dầu dừa. Bà thường dạy con cháu: “Cái răng, cái tóc là gốc con người. Nhất là ngày giỗ, tết ta phải thật trang trọng trước ông bà tổ tiên”.
Sau khi đốt nhang ở bàn thờ xong, bà gọi con cháu lại: con cháu làm lễ với cửu huyền, chúc phúc cho bà; bà lì xì để con cháu hưởng phước, hưởng lộc, và cũng không quên bỏ vào túi áo mỗi đứa một lá mai, nói sẽ nhận được nhiều may mắn.
Bà dặn dò đủ chuyện: tết vui chơi nhưng không cờ bạc, không được cãi nhau, khóc,… Bà bảo phải giữ cho mọi điều tốt lành đến ngày hạ nêu thì suốt năm gia đình sẽ gặp nhiều may mắn. Được tiền lì xì, chúng tôi hay rủ nhau đi ăn hột vịt lộn, đá bào,…
Ăn uống bà không cấm nhưng hột vịt lộn thì… phải len lén kẻo bà bắt gặp hoặc có đứa mách lẻo thì nguy. “Ăn hột vịt lộn trong ngày tết thì nhà cửa “lộn xộn” trong một năm”- Đó là lời của bà mà tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Năm nay tết lại đến, dân trong xóm chạy xe bon bon trên đường làng ra chợ mua sắm. Hòa vào dòng người nhộn nhịp, tôi mơ màng như đang thấy bà mua trầu, mua cau và trái cây của các cụ từ vườn mang ra. Lòng tôi chợt ấm lại: bà đã về ăn tết cùng con cháu.
NGUYỄN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin