Ngày tết sum vầy

02:01, 21/01/2021

Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để cùng sum họp đón chào một năm mới tốt lành. Những giá trị văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền mãi khắc sâu trong lòng mỗi người con Việt Nam và cũng vô cùng ấn tượng trong cái nhìn của bạn bè năm châu.

Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để cùng sum họp đón chào một năm mới tốt lành. Những giá trị văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền mãi khắc sâu trong lòng mỗi người con Việt Nam và cũng vô cùng ấn tượng trong cái nhìn của bạn bè năm châu.

Giá trị truyền thống gia đình sum họp ngày tết luôn mang ý nghĩa sâu sắc trong tim người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.
Giá trị truyền thống gia đình sum họp ngày tết luôn mang ý nghĩa sâu sắc trong tim người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

Tết đầm ấm trong tim

Bao đời nay, Tết Nguyên đán đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Với những người con Việt Nam, dù ở đâu, làm gì thì tết chính là thời khắc hướng về nguồn cội, để tận hưởng cảm giác ấm áp của giây phút đoàn viên, sum họp bên mái ấm.

Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, thăm hỏi sức khỏe, kể nhau nghe những điều đã diễn ra trong năm. Dù một năm đã qua có bao điều lo lắng, có bao nỗi vất vả, khó khăn thì trong những ngày tết mọi người cũng tạm gác lại hết, thả lỏng tâm hồn tận hưởng mùa xuân.

Đàn ông thì dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa. Phụ nữ quây quần chuẩn bị những món ăn ngày tết rất công phu, độc đáo, “gây thương nhớ” cho bất kỳ ai. Còn ông bà cũng may vài bộ áo mới để chuẩn bị “ngồi nhà trên” cho con cháu tề tựu chúc sức khỏe, mừng tuổi trong năm mới.

Trẻ con thì mong tết đến từng ngày để được sắm quần áo mới, được về quê thăm ông bà, đi chợ hoa xuân, được vui chơi thỏa thích lại được người lớn lì xì tha hồ đi chơi tết. Người lớn thì tất bật lo sắm sửa quà cáp biếu ông bà, cha mẹ, họ hàng chuẩn bị thực phẩm dùng cho gia đình và đón khách tới chơi nhà rồi thì trang hoàng nhà cửa,…

Không khí bận rộn nhưng đầy vui tươi, phấn khởi. Nhà nào cũng vui đón tết, đường phố tấp nập, nơi nơi đều tràn ngập không khí tết với âm thanh rộn vui, sắc màu rực rỡ. Với người Việt Nam, những thời khắc này vô cùng thiêng liêng, phút giây cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm đón giao thừa, cùng ngồi trò chuyện bên nồi bánh chưng, bánh tét mãi mãi là một nét truyền thống tốt đẹp khắc sâu trong tâm hồn.

Chị Kim Thoa (quê ở Vĩnh Long, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Sống xa quê hơn 10 năm rồi, vì công việc bận rộn, con cái học hành nên hàng năm tôi chỉ về quê được vài lần. Nhưng vào dịp Tết Nguyên đán là cả nhà tôi đặc biệt dành trọn cho gia đình nội ngoại ở quê.

Mấy ngày gần tết, vợ chồng tôi tranh thủ dọn dẹp tổ ấm của mình, trang hoàng “cơ bản” chậu mai vàng, mâm ngũ quả, một số bánh mứt theo phong tục. Sau đó, khoảng 29 tết là cả nhà sẽ về quê. Nhà nội, nhà ngoại, cứ luân phiên nhau về.

Các con tôi rất háo hức trông chờ được về quê ăn tết, thích được đi chợ hoa, được ông bà lì xì. Bọn trẻ còn rất thích xem nhà nội gói bì, gói chả, nấu nồi bánh tét to đùng rồi cùng ngồi canh lửa rất vui. Vui nhất là cả nhà sum vầy bên mâm cơm tất niên đón giao thừa. Tất cả tạo nên một bức tranh gia đình đầm ấm ngày tết vô cùng giá trị trong lòng mỗi người và chúng tôi sẽ mãi lưu giữ truyền thống này”.

Tết Việt đặc sắc trong cảm nhận của người nước ngoài

Tết không chỉ thiêng liêng đầm ấm trong tim người Việt Nam mà còn vô cùng ấn tượng, độc đáo, “gây thương nhớ” cho người nước ngoài đang sống và làm việc tại nơi đây.

Anh Pascal (42 tuổi) đang làm việc tại TP Cần Thơ, kết hôn với vợ quê ở An Giang và hiện họ sống tại TP Hồ Chí Minh. Làm rể Việt Nam đã 8 năm, là chừng ấy năm anh được “ăn tết” tại quê vợ. Là người Pháp nhưng anh cực kỳ yêu thích những món ăn Việt Nam- nhất là những món truyền thống ngày tết.

“Tôi rất mê món thịt kho rệu ăn với dưa cải chua, rồi còn nhiều món khác nữa. Mẹ vợ tôi là người phụ nữ tuyệt vời, nấu ăn rất ngon. Vào dịp tết, về nhà vợ là tôi sẽ mập ra thôi”- anh Pascal vừa nói vừa cười tươi rói. Vợ anh cho biết, ngoài món ăn ngày tết, anh chồng ngoại quốc này rất thích không khí đông vui nhộn nhịp của chợ hoa xuân, chợ tết, cứ về quê là anh lại rủ vợ đi ngắm phố phường. Có năm anh còn kêu múa lân về nhà tưng bừng cả buổi khiến ai cũng lắc đầu cười vì “độ hội nhập và ham vui” của anh chàng này.

Cũng theo vợ anh, mấy năm đầu sang Việt Nam làm việc, khi được tận hưởng không khí Tết Nguyên đán Việt Nam, anh chàng cứ xuýt xoa khen mãi không khí náo nức vui tươi và giá trị nhân văn trong nếp nhà ngày tết. Tết đã tạo một ấn tượng rất tốt đẹp trong anh và vì thế anh luôn mong muốn được “ăn tết Việt Nam”.

Giống như anh Pascal, anh Yoon Tae-whan cũng làm rể Việt Nam gần 10 năm nay với người vợ xinh đẹp và 2 con trai đáng yêu. Cùng là người Châu Á, có phong tục đón tết tương đồng nhưng theo anh Yoon thì “giống như Việt Nam, người Hàn Quốc phải chuẩn bị nhiều thứ trước tết nhưng vẫn không nhiều như Việt Nam.

Tết Việt Nam kéo dài hơn, không khí sôi động náo nhiệt hơn. Có những điểm về lễ nghi rất giống nhau mang giá trị truyền thống gia đình rất ý nghĩa. Tôi rất thích dạo chợ hoa xuân Việt Nam, chọn những chậu hoa đẹp về chưng trước sân nhà, rồi không khí nhộn nhịp tưng bừng khi người ta bắn pháo hoa trong đêm giao thừa chào đón năm mới”.

Sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, nhiều năm ăn tết ở quê vợ, chàng rể Hàn đã “rành” chuyện chuẩn bị tết như một người Việt Nam thật sự. Tết năm nào không về Hàn Quốc là anh tháp tùng vợ con về miền Tây quê vợ “ăn tết đến hết mùng” rồi mới về tổ ấm của mình.

Nếu như anh Pascal nghiện thịt kho rệu thì anh Yoon lại thích món bánh tét và tôm khô củ kiệu của quê vợ, những món ăn Việt Nam ngày tết, theo anh nhận xét là vô cùng phong phú và độc đáo. Chị Huỳnh Vy- vợ anh- cho biết, mấy ngày tết về quê vợ là anh rất hào hứng cùng nhà vợ đến nhà họ hàng, bạn bè chúc tết, cũng không quên lì xì chúc may mắn đầu năm cho người già và trẻ nhỏ. Sáng mùng 1 cả nhà còn đi chùa lễ Phật cầu bình an năm mới.

Nhịp sống hiện đại đã làm vơi bớt sự cầu kỳ trong cách đón Tết Nguyên đán so với ngày xưa nhưng ý nghĩa ngày tết đoàn viên, sum họp vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người Việt Nam và lan tỏa sang những người nước ngoài đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Ngày nay, việc đón tết được thực hiện hợp lý, vừa văn hóa, văn minh lại không lãng phí; phù hợp với lối sống công nghiệp mà vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị truyền thống đầy nhân văn của Tết cổ truyền.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh