Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang tới gần, thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) rộn ràng hơn bởi tiếng đục đẽo, máy tiện, phun để cho ra sản phẩm trâu gỗ cõng chuột, trâu đàn, trâu gia đình. Nhiều mẫu mã trâu gỗ bắt mắt, có giá tiền triệu được nhiều người tìm mua, cháy hàng dịp cận Tết.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang tới gần, thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) rộn ràng hơn bởi tiếng đục đẽo, máy tiện, phun để cho ra sản phẩm trâu gỗ cõng chuột, trâu đàn, trâu gia đình. Nhiều mẫu mã trâu gỗ bắt mắt, có giá tiền triệu được nhiều người tìm mua, cháy hàng dịp cận Tết.
Nghệ nhân thổi hồn vào trâu gỗ
Con trâu là biểu tượng của năm Tân Sửu 2021, thế nên, nắm bắt được nhu cầu của thị trường dịp Tết, làng nghề truyền thống mỹ nghệ thôn Thượng Cung đã tung ra các mặt hàng như: trâu gỗ cõng chuột, trâu đàn, trâu gia đình,… bắt mắt thu hút khách mua vào dịp tết Nguyên đán.
Được người làng giới thiệu đến một chủ xưởng gỗ mệnh danh "khét tiếng" tay nghề chuyên sản xuất, cung cấp con giống mỹ nghệ ông Phạm Văn Dũng thôn Thượng Cung. Được biết, ông Dũng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề thủ công mỹ nghệ.
Mỗi con trâu được ông Phạm Văn Dũng thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong tỉ mẩn, sáng tạo bằng chính cái tâm của mình. |
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Dũng cho biết, làm trâu gỗ không tự nhiên xem người khác mà làm được, phải có sức tưởng tượng phong phú từ dáng, chân, móng, miệng tạo nên cái hồn con trâu.
Cùng một mảnh gỗ, có người tạo được dáng trâu đầy sức hút, có người lại chả biết làm như thế nào, trong nghề nếu không có trí tưởng tượng thì khó có thể làm nổi. Quan trọng là phải yêu nghề mới duy trì nghề được.
Những người chơi sành đồ mỹ nghệ luôn lựa chọn những sản phẩm có tính khác biệt, bắt mắt của gia đình ông. Vì thế, mẫu mã trâu mới được tung ra từ tháng 10 đã được lái buôn ở các vùng miền khác nhau đặt mua.
Thời điểm Tết cận kề, công việc của gia đình ông Dũng càng bận rộn hơn, làm từ sáng sớm cho đến tối muộn để kịp cung cấp. Không vì thế, sản phẩm làm sơ sài tăng số lượng, mà vẫn đảm bảo đầy đủ về chất lượng, kích thước, hình dáng.
Các công làm trâu gỗ đoạn hết sức tỉ mỉ, khéo léo, tuân thủ yêu cầu đầu ra, đặc biệt truyền hết nhiệt huyết của nghề bằng tầm hồn mình vào hồn con trâu.
Đàn trâu gỗ của ông Phạm Văn Dũng chuẩn bị xuất bán cho khách ở TP. Hồ Chí Minh với số lượng 70 con. |
Theo ông Dũng, mỗi lần khách đặt từ 50 - 70 con tùy theo từng mẫu thiết kế, kích thước to hay nhỏ, trâu đứng hay nằm, nhiều họa tiết hay mẫu trâu trơn mà có giá khác nhau, dao động 450.000 - 1 triệu đồng/con.
Đặc biệt, với những con giá từ 1,5 triệu đồng trở lên thường là trâu mẫu có kích thước to, hoa văn cầu kỳ, nhiều chi tiết tiểu cảnh.
Tính từ thời điểm cung cấp trâu gỗ ra thị trường, gia đình ông Dũng đã bán được hơn 300 con, tương đương thu về gần 300 triệu đồng.
Hơn nữa, cận Tết số lượng đơn đặt càng tăng lên, nhưng gia đình ông chỉ nhận hơn 200 con trâu các loại để đảm bảo được chất lượng sản phẩm trước.
Để tăng năng suất, gia đình ông Dũng đầu tư một bộ máy gần 500 triệu đồng để gọt gỗ, cứ 24 giờ cho ra được một mẻ 8 con, máy chạy theo bản mẫu được vẽ trên phần mềm do chính ông thiết kế.
"Nhưng cái chính, sự sáng tạo vẫn là công đoạn gọt tay tỉa nặn, đánh giấy ráp, điêu khắc hoa văn, tạo hình hài con trâu. Để làm ra một con trâu sẽ phải bỏ ra 10kg gỗ, mỗi cân gỗ Hương có giá 27.000đ/kg", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, để cho ra sản phẩm chất lượng, tiêu chuẩn đầu ra yêu cầu nguồn gỗ phải đẹp, có mùi thơm, sắc nét, chủ yếu là gỗ Hương đá nhập từ Nam Phi.
Thứ hai, là trình độ tay nghề của mỗi người từ việc sáng tạo thiết kế bản vẽ cho đến khâu gọt tỉa đường vân, nét vẽ hài hòa, hơn hết trong đó phải có hồn. Ngoài ra, khâu cuối cùng, nước phun phải sạch, bền màu dùng mới được lâu.
"Làm nghề chẳng khác gì người nghệ sĩ nhìn trâu gỗ nhưng không hề vô tri vô giác mà rất có hồn, thế mới chiều lòng được những khách hàng khó tính", ông Dũng chia sẻ.
Cháy hàng trâu gỗ dịp cận Tết Nguyên đán Tân Sửu
Cách xưởng sản xuất nhà ông Dũng không xa, gia đình anh Nguyễn Văn Tuân, 31 tuổi, chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ cũng đang hối hả làm những khâu cuối cho chuyến hàng sắp hoàn thành chuẩn bị giao cho khách ở TP. Hồ Chí Minh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Tuân nhận định, thị trường trâu gỗ cuối năm nay rất sôi động, người làm nghề chúng tôi không có sản phẩm để bán, vì số lượng đặt lớn, cứ thông thường năm con giáp nào thì sẽ bán chạy con đó.
Anh Nguyễn Văn Tuân thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong cũng đang rất hối hả cho ra thành phẩm trâu gỗ trước khi giao cho khách hàng. |
Ngoài làm trâu gỗ, anh Tuân còn nhận làm các mặt hàng mỹ nghệ khác theo nhu cầu của khách hàng như: tượng phỗng, thần tài, tam đa. Chủ yếu gia đình anh làm thủ công là chính, vì vậy các sản phẩm trâu gỗ thường được bán với giá cao từ 2 - 2,5 triệu đồng tùy vào kiểu dáng trâu.
Hiện, xưởng của anh Tuân có 40 mẫu, cho khách lựa chọn tùy theo nhu cầu. Để mở rộng kênh tiêu thụ, không phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, anh Tuân này còn bán online trên Facebook của mình.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều hộ gia đình ở thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, thủ đô Hà Nội đang hối hả hoàn thành những công đoạn cuối cùng sản phẩm trâu gỗ trước khi giao đến tận tay khách hàng. |
Để thúc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, anh Tuân thuê thêm 5 thợ đục, 5 thợ gọt, vậy nên mỗi ngày có thể cho ra thành phẩm 8 - 10 con trâu. Dự tính từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu anh Tuân bán được hơn 300 con tương đương với số tiền thu được là 500 triệu đồng chưa trừ đi chi phí đầu tư như: gỗ, nhân công, tiền thuê phun.
"Đây là thời điểm trâu gỗ bán mạnh nhất trong năm, thậm chí cháy hàng, sợ không có sức mà làm. Hiện tại, gia đình tôi đã có chục đơn hàng đặt sẵn, chờ ngày đến thu mua. Mặc dù vất vả, bận rộn chăm bẵm đàn trâu gỗ, nhưng bù lại được đền đáp xứng đáng công thợ là đã rất vui rồi. Tôi thấy rằng, làm nghề đỡ vất vả hơn cả những người nông dân cấy lúa, mà lại mang giá trị kinh tế cao", anh Tuân vui vẻ nói.
Theo Dân Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin