Trong những ngày trung tuần tháng 11 này, chúng tôi có dịp về lại Vĩnh Long để được thấy, được nghe những câu chuyện bi hùng về khoảnh khắc lịch sử dù đã 80 năm nhưng hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa ở 2 huyện Vũng Liêm, Tam Bình như vẫn còn đây để nhắc nhở lớp lớp cháu con tiếp bước lớp người đi trước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bia truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa ở xã Hậu Lộc (Tam Bình). |
Trong những ngày trung tuần tháng 11 này, chúng tôi có dịp về lại Vĩnh Long để được thấy, được nghe những câu chuyện bi hùng về khoảnh khắc lịch sử dù đã 80 năm nhưng hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa ở 2 huyện Vũng Liêm, Tam Bình như vẫn còn đây để nhắc nhở lớp lớp cháu con tiếp bước lớp người đi trước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thời khắc lịch sử
Đứng dưới bia truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa tọa lạc tại Ấp 6 (xã Hậu Lộc- Tam Bình), ông Nguyễn Văn Thế (78 tuổi) xúc động nói: “Ba tôi là một trong những người từng tham gia cuộc khởi nghĩa vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Lúc còn sống, cứ đến ngày này, ông lại đến bia truyền thống này để kể lại câu chuyện bi hùng cho con cháu nghe và luôn nhắc nhở chúng tôi không được quên mốc son lịch sử anh hùng trên quê hương Tam Bình”.
Năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào tháng 9. Thực dân Pháp tăng cường bắt lính thuộc địa đi đánh thuê, chết thay cho họ, đã tạo ra một làn sóng phản chiến mạnh mẽ trong đội ngũ lính đánh thuê.
Cạnh đó, Toàn quyền Đông Dương Catroux ký nghị định: “Cấm tất thảy mọi người hoạt động trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền các khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản hay những tổ chức do Quốc tế Cộng sản kiểm soát”. Thực dân Pháp ra tay đàn áp phong trào cách mạng, đời sống nhân dân cùng cực và bị đàn áp bóc lột dã man. Trước tình hình trên, Đảng ta chủ trương chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trên cả nước.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiêm nên địch đánh hơi phát hiện, bắt giữ nhiều cán bộ cốt cán. Đêm 17/7/1940, chúng bắt 100 người chuẩn bị khởi nghĩa tại làng Phú Lộc thuộc quận Tam Bình (nay là các xã Phú Lộc, Hậu Lộc, Mỹ Lộc, Tân Lộc, Hòa Lộc).
Ngày 19/9/1940, chúng bắt được Bí thư quận ủy Mai Văn Tám sau đó là các đồng chí: Trần Văn Bảy (Bí thư Tỉnh ủy); Lưu Văn Tài (Bí thư Quận ủy Châu Thành); Lê Quang Phòng (Bí thư Quận ủy Vũng Liêm). Ngày 22/11/1940, đồng chí Tạ Uyên- Bí thư Xứ ủy- bị bắt. Cuộc khởi nghĩa không diễn ra trong cả nước mà chỉ nổ ra ở một số tỉnh Nam Kỳ, trong tình hình bị lộ bí mật.
24 giờ đêm 22 rạng 23/11/1940, khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở huyện Tam Bình, đồng chí Nguyễn Hiếu Tự- Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Tam Bình chỉ huy lực lượng chiếm trụ sở Cái Ngang (nhà việc Phú Lộc Đông nay là xã Mỹ Lộc- Tam Bình), người dân đi chợ sớm reo hò phấn khởi xé bỏ giấy thuế thân bỏ trôi đầy sông Cái Ngang. Địch tổ chức phản công, ta đánh trả và chiếm giữ trận địa suốt 2 ngày đêm rồi được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng.
Bài học lịch sử
Theo đánh giá của bà Ngô Thị Huệ- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cuộc khởi nghĩa tuy không thành công như mong đợi do nhiều nguyên nhân nhưng đã tạo tiếng vang rất lớn cho chiến trường Nam Bộ lúc bấy giờ. Đây được xem là cuộc diễn tập để có được nhiều kinh nghiệm đấu tranh chính trị lẫn vũ trang tiến đến giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cuộc khởi nghĩa ở Tam Bình năm 1940 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, không tương quan lực lượng lại trong điều kiện đã bị lộ thông tin nhưng lãnh đạo Đảng vẫn kiên quyết tiến hành với tinh thần chủ động, khôn khéo, táo bạo, quyết tâm và giành thắng lợi.
Lần đầu tiên ta làm chủ tình hình suốt 2 ngày đêm tạo được sự phấn khởi chung cho toàn lực lượng và sự tín nhiệm của người dân, khẳng định vững chắc vai trò tiên phong cùng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền địa phương đã cho xây dựng bia truyền thống Chiến thắng Nam Kỳ khởi nghĩa bên dòng sông Cái Ngang (nay thuộc Ấp 6, xã Hậu Lộc) để ghi nhận thời khắc lịch sử đã làm nên cuộc khởi nghĩa trên đất Tam Bình 80 năm về trước (23/11/1940- 23/11/2020).
Đây là điểm tham quan, về nguồn của nhiều cán bộ cách mạng lão thành, sinh viên, học sinh; là điểm để lớp trẻ đến đây nghe lại những câu chuyện hào hùng của lớp người đi trước.
Về đây, mọi người cứ như thấy đâu đây trong tiếng sông Cái Ngang đang cuộn chảy ầm ào, trong trời nước mênh mông những tiếng reo hò, những cây tầm vông vạt nhọn hòa cùng những con cúi rơm đang bập bùng ánh lửa của đoàn quân giải phóng rầm rập tiến về giải phóng làng quê, giành lấy độc lập, tự do.
Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin