"Ầu ơ... ơi... ví dầu… Cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi…/ Khó đi mẹ dắt con đi…/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời…"
“Ầu ơ... ơi... ví dầu… Cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi…/ Khó đi mẹ dắt con đi…/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”
Bìa quyển sách “Hát ru tỉnh Vĩnh Long”. |
Hát ru là loại dân ca trữ tình truyền thống, phổ biến cả nước. Đó là những khúc hát gần gũi, nhẹ nhàng, dễ hiểu được các bà, các mẹ, những người thân yêu cất lên cùng với một vài cử động vỗ về của bàn tay hay cách quạt (ngày xưa quạt làm bằng mo cau, hoặc quạt đan từ cây cọ) giúp trẻ con dễ đi vào giấc ngủ.
Nếu sinh ra ở vùng quê thì ai cũng từng được trực tiếp nghe tiếng “à ơi...”, “ví dầu” ngọt ngào, êm dịu của bà, của mẹ, của các cô, các chị, (đôi khi là cả các ông và các anh) ru cháu, ru con.
Những lời hát ru mang đậm bản sắc đồng quê và luôn bắt đầu bằng chữ “Ầu ơ...ơi” ngân dài, du dương và sau đó là câu lục bát quen thuộc như: “Ầu ơ... ơi… Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công...” hay là: “Ví dầu… ví dẩu… ví dâu. Ví qua… ví lại… ví trâu vô chuồng…”. Có thể coi âm thanh tiếng hát ru bổng trầm tha thiết là quốc hồn, quốc túy của người Việt Nam.
Mỗi vùng đất có những lời ru khác nhau, nhưng điểm chung của thể loại dân ca này là ngân nga, êm dịu, trầm bổng, thiết tha; tiết tấu nhẹ nhàng, sâu lắng, lời ca mộc mạc, giàu hình tượng... mô tả một thế giới nhỏ bé mà vô cùng- thế giới của con và mẹ.
Tất cả những yếu tố ấy đã tạo nên nét độc đáo riêng có của người Việt Nam, để rồi mỗi lời ru được ví như một bài học làm người, góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, năng khiếu tâm hồn, thái độ ứng xử của con người ngay từ khi còn bé thơ.
Theo các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, trong các loại hình dân ca, hát ru ra đời sớm nhất. Đó là những bài hát nhẹ nhàng được lấy từ ca dao, đồng dao, trích từ các loại thơ... để giúp trẻ con dễ dàng đi vào giấc ngủ. Do vậy, những bài hát ru thường rất đa dạng và mang đậm bản sắc của từng địa phương.
Hát ru là một loại hình dân ca mang bản sắc văn hóa đặc trưng có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, các bà mẹ Việt Nam thường ru con ngủ trên những chiếc nôi, chiếc võng với những ca từ mộc mạc, đời thường được lưu truyền qua bao thế hệ bằng hình thức truyền miệng.
Thông thường, các bà, các mẹ thường sử dụng những câu dân ca để ru cháu, con sớm đi vào giấc ngủ say nồng.
Trải qua thời gian, lời ru vẫn được người dân bản xứ gìn giữ và lưu truyền xem đó là nguồn cội, gốc rễ để dù có xa quê lập nghiệp xứ người vẫn còn nguyên bản chất của người dân quê nơi chôn rau cắt rốn.
Họ vẫn dùng những câu dân ca của quê hương mình để ru con hay ngân nga trong những lúc nhàn rỗi. Đó là những câu như: “Ầu ơ... ơi… ví dầu… cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Ví dầu… mẹ chẳng có chi/ Chỉ con với mẹ chẳng khi nào rời…”
Ở quê, các gia đình thường ru con bằng võng, lót chiếu lác nằm rất mát lưng. Võng thoáng mát, gần giống vòng tay mẹ ôm ấp, giúp bé ngủ ngoan cho mẹ đi làm ngoài ruộng đồng, trên nương rẫy. Võng buộc ở hai cột nhà, dưới bóng cây trong vườn...
Bé nằm trên võng đong đưa nhè nhẹ, ngước cặp mắt trong trẻo, thánh thiện lên nhìn theo mẹ, lắng nghe lời ru êm ái bằng sự tin cậy và lim dim mắt đi vào giấc ngủ say nồng. Bé nhoẻn miệng cười với mẹ trong giấc mơ trẻ thơ.
Hát ru là loại hình dân ca truyền từ đời này qua đời khác dưới dạng bất thành văn. Nhìn chung, mỗi vùng, mỗi miền đều có bài hát ru khác nhau với những giọng điệu riêng. Hát ru miền Bắc vẫn thủy chung và sâu sắc.
Đó là sự nhẹ nhàng, mơn man của sự tinh tế, sẻ chia: “À a a a à... ơi... Con ơi con ngủ cho ngoan/ Cha còn mải miết đồng sâu chưa về…” Còn hát ru miền Trung (còn gọi là ru con) với “Ầu ơ… ơi” mở đầu cùng những ngôn từ da diết, khắc khoải, ẩn trong đấy là những khát khao, ước mơ mang đậm tính kỳ vọng, ước ao: “Ầu ơ… ơi, gió đưa bụi chuối sau hè/Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”.
Còn hát ru của miền Nam nói chung (có thể khác nhau ở Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ) gọi là hát đưa em có thể chịu ảnh hưởng của thổ nhưỡng, công việc, hoàn cảnh và khí hậu vùng miền, nên hát ru của Nam Bộ nghe giản dị đơn sơ mà gần gũi.
Câu hát ru hay bài hát ru bắt đầu từ “Ví dầu” nghe sao ngọt lạ: “Ví dầu cá lóc nấu canh/ Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Trong cái ngọt của hát ru Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ toát lên sự man mác, thiết tha, phóng khoáng, bao dung của các điệu lý- câu hò sông nước Cửu Long.
Khác với các loại hình văn nghệ dân gian khác, nội dung các bài hát ru thường là những câu ca dao giản dị, chất phác, không cầu kỳ ở ngôn từ nhưng chứa chất nhiều nỗi niềm, tâm sự phong phú.
Có những câu hát mang tính giáo dục rất cao và không ít bài mang nặng nỗi niềm tâm sự của người hát ru. Nhìn chung, nhiều câu, nhiều bài hát ru nói về thiên nhiên, đất trời, công ơn cha mẹ, tình cảm mẹ con, anh em hay khuyên nhủ về đạo lý,...
Một điều cần lưu ý là do thói quen phát âm của người Nam Bộ- đặc biệt là đối với cư dân vùng ĐBSCL, âm “v” không được phát theo chuẩn mà chệch đi thành âm “d” như “ví dầu” thì hát thành “dí dầu”; “về” thành “dề” hay “dìa”; “vượn” thành “dượn”… Dù vậy, nhưng âm điệu của lời hát ru Nam Bộ rất rõ ràng, trong sáng, giàu thanh điệu.
Một đặc điểm cần đề cập đến nữa là lời hát ru Nam Bộ có một làn điệu rất nhẹ nhàng, êm ả, như những dòng sông chở đầy phù sa, như sự lênh láng của cánh đồng quê vào mùa nước nổi.
Lời hát ru vừa ngân nga vừa sâu lắng, vang xa chất du dương êm ả, tạo cho trẻ thơ một cảm giác rất êm tai, và từ đó dễ đưa con trẻ đi vào giấc điệp.
Tuổi thơ hẳn ai cũng từng nghe những lời ru êm ái của ông bà, cha mẹ; rồi đến khi trưởng thành lại tự mình cất lên những khúc ca để ru con.
Hình ảnh cha mẹ ru con, ông bà ru cháu, cả nhà quây quần bên cánh võng, vành nôi đã trở thành nét đẹp trong cuộc sống của các làng quê Việt Nam.
Hát ru không đơn thuần là để giúp cho bé dễ ngủ, ngủ sâu bởi giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng mà nội dung của từng câu hát còn chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa con người với con người.
Thế nên, lời ru còn được ví như những “dưỡng chất” bằng tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn, là sợi dây tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong một gia đình.
Lời ru còn mang theo những tên làng, tên xã, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Việt và ẩn chứa những bài học tiền nhân truyền dạy cho hậu thế.
Năm 2006, Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Vĩnh Long (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức sưu tầm, biên soạn, in ấn và xuất bản quyển sách “Hát ru tỉnh Vĩnh Long”.
Nhóm sưu tầm hát ru có trên 30 người, đã tỏa đi khắp các địa bàn trong tỉnh, tìm đến các nghệ nhân để phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, quay phim. Nhóm đã gặp trên trăm nghệ nhân, sưu tầm được 447 bài hát ru của người Kinh, người Khmer.
Sách dày gần 200 trang, ngoài phần biên khảo các nội dung phổ biến có tính đặc trưng của hát ru Vĩnh Long và hát ru Nam Bộ, quyển sách còn có giới thiệu 80 chân dung và hàng trăm nội dung bài hát ru của các nghệ nhân.
Quyển sách đã góp phần vào việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian quý báu. Được biết, khi có điều kiện, các ngành chức năng sẽ tiếp tục tổ chức sưu tầm, biên soạn, in ấn; không để thời gian làm khuất lấp những giá trị văn hóa này trong những bộn bề của cuộc sống.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình trẻ đã không còn mặn mà với lời ru, mà thay vào đó là những loại hình âm nhạc hiện đại được thu sẵn trong băng, đĩa...
Đó không chỉ là nỗi trăn trở của những người làm công tác văn hóa, mà còn là nỗi lo của những nghệ nhân- những người nắm giữ tinh hoa của làng quê; bởi với họ hát ru là một phần của nguồn cội, gốc rễ.
Vì vậy, gìn giữ lời hát ru đang là vấn đề trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, bởi đây chính là viên ngọc quý trong kho tàng văn nghệ dân gian của mỗi vùng quê.
Bài, ảnh: NGUYỄN QUỐC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin