Chiếc tàu Tây to tướng đang phom phom lướt sóng trên sông Hậu bỗng giảm tốc độ. Lá cờ tam tài ba màu của chúng cắm trên nóc tàu kêu phần phật như chảnh chọe, kênh kiệu, thị oai.
Chiếc tàu Tây to tướng đang phom phom lướt sóng trên sông Hậu bỗng giảm tốc độ. Lá cờ tam tài ba màu của chúng cắm trên nóc tàu kêu phần phật như chảnh chọe, kênh kiệu, thị oai.
Tiếng kèn đồng cất lên những âm thanh ồm ồm lan xa trên sông rộng. Lâu lâu chúng nổi hứng nã mấy tràng súng máy vô mé bờ rồi cười khoái trá với tiếng hô líu lo “Vi xi, Vi xi…”
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Nằm sát rạt trên mấy đống lá mía, thằng Ton dòm lom lom ra sông với đôi mắt căm thù. Chốc chốc nó lại nhìn qua mấy cái chuồng gà Tàu, con nào con nấy bự chảng, màu lông sặc sỡ đang gáy vang trong mấy cái lồng bằng tre mạnh tông với cái nhìn tiếc rẻ.
- Mầy định làm gì với mấy con gà trống đó mà tao thấy mầy lu bu suốt đêm vậy Ton? - tiếng chú Thạch Thum nằm cạnh bên hỏi nhỏ.
- Chút nữa chú thấy liền. Tui tiếc mấy con gà đó lắm chớ. Nhưng để đổi lấy mấy cái mạng thằng Tây thì tui “ưng” liền. - Ton xẵng giọng.
Thấy bộ dạng hầm hầm của nó, chú Thạch Thum nín thinh. Ai chớ cái thằng lì lợm này hễ nói là làm. Mà đó cũng là tánh nết của người dân Khmer xứ Long Phú này.
Hơn nữa tuy mới mười hai tuổi mà thằng Ton đã nổi danh ở xứ nước mặn quanh năm này với cái tài “vật lộn” không ai bì kịp.
Chừng đó tuổi mà nó cao gần một thước bảy và nặng tới năm chục ký, da đen bóng ngời bởi quanh năm nó có mặc áo đâu.
Nói cho cùng nó đi ở đợ cho địa chủ cũng có được hai cái áo lành lặn nhưng tiếc của nên nó để dành. Chú nhớ nhất cái chuyện nó trốn chủ xin đi theo cách mạng hồi đầu năm nay.
- Chú Thum. Cho tui đi theo chú đánh Tây nghe. Chớ mỗi ngày dòm thấy mấy chiếc tàu Tây nó chạy ngời ngời trên sông với cái đám Việt gian trên cù lao này, tui tức muốn lộn gan lên đầu rồi- Ton nài nỉ.
- Mầy có điên hông? Con nít con nôi lo ở nhà đi, mầy nhắm đi theo tụi tao rồi làm được gì? Lỡ tụi Tây nó “nã” một phát vô sọ là đi chầu diêm chúa đó con.
- Tui hổng sợ. Nó đánh mình thì mình chơi “thế” đánh lại nó, mắc mớ gì sợ? Nó cũng là người ta, cũng như mình, cũng chết nhăn răng...
Tui mười hai tuổi rồi làm gì cũng được, mấy chú biểu gì tui cũng làm nhưng đừng đuổi tui là được rồi- nó bắt đầu khóc với đôi mắt đỏ hoe.
- Thôi được rồi. Mầy là ông cố nội của tao. Nín đi. Mai tao giao nhiệm vụ.
Vậy là thằng Ton “Khmer” trở thành giao liên. Đêm đó nó ngủ thiệt ngon với nét mặt coi bộ hí hửng lắm. Thỉnh thoảng nó “mớ ngủ” miệng la to: “… Tây tới, Tây tới, mấy chú ơi…”
Tàu Tây bắt đầu cặp bến. Những tên lính lê giương cao to nhảy phóc lên bờ tay lăm lăm những khẩu súng trường dài ngoằng, miệng không ngớt nói chuyện xí xô, xí xào.
Tiếng máy tàu vẫn nổ xình xình. Đồng mía vắng tanh không một bóng người. Kia rồi, những con gà trống to khỏe được chủ nhân thả nuôi trong chuồng đang mời mọc.
Chúng xông tới giở những chiếc bội tre để tóm lấy những chú gà với nụ cười khoái trá. Ầm... ầm…ầm… những tiếng nổ long trời lở đất vang lên làm chấn động mãnh liệt những bờ mía, bờ dừa xứ cù lao này.
Hàng chục xác lính Tây chết không toàn vẹn thân thể nằm vắt vẻo xung quanh các chuồng gà, máu ướt đẫm nền đất khô hạn.
Bọn còn lại hốt hoảng kéo nhau chạy thục mạng về mé bờ sông, có đứa quên cả việc mang theo súng ngắn, súng dài.
Có đứa hồn bay phách lạc lội tắt qua mấy cái bờ mía. Ầm… ầm, lại những tiếng nổ chát chúa vang lên kèm theo mấy cái xác nằm ngổn ngang cắm đầu xuống mé mương. Tiếng còi tàu chiến hụ vang hối hả từng hồi dài rồi nhổ neo chạy về hướng Phong Dinh.
Nằm trong bờ mía, thằng Ton khoái chí vỗ tay cười sằng sặc rồi nhảy cẫng lên reo hò:
- Chết mầy chưa, cái đồ Tây ham ăn, hốt uống. Chưa kịp ăn gà của tao thì đã “tiêu tán đường” rồi nghe con.
- Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Tao “nể” mầy rồi đó Ton. Mầy gài lựu đạn dưới mấy cái bội gà Tàu phải hông? Hèn chi... - chú Thum hỏi lớn.
- Chú nói “ i xì” luôn. Tui làm vậy mới “làm thịt” được tụi nó chớ. Hà… hà. Chú “bái phục” thằng Ton này chưa? Vậy mà hở ra chú chê tui là con nít hổng làm ăn nên thân, nên hình gì ráo trọi- Ton lên giọng.
- Thôi đi ông “cố”, chỉ giỏi tài “được gió bẻ măng”. Tụi nó “dông” rồi, theo tao ra lượm súng đạn của nó- chú Thum cười xởi lởi.
Sau lần đó, thằng Ton được tổ chức khen thưởng dưới cờ. Nó hí hửng kênh kênh cái mặt đen như táo Tàu khi được mọi người gọi là “vua gài lựu đạn” xứ cù lao Dung.
*
* *
Đang kể ngon trớn, ông Sơn Ton chợt dừng lại nói thật nhỏ:
- Khoan. Đợi tui một chút. Đang lên “tăng xông”. Già rồi, hồi nào cũng có thuốc bên mình.
Vừa nói, ông vừa uống vội vã những viên thuốc một cách khó nhọc và nói:
- Tui đã tám mươi ba tuổi rồi, chuyện hồi “nẵm” lúc nhớ, lúc quên. Nhớ tới đâu thì kể tới đó. Có viết gì thì sắp xếp lại cho nó có trật tự nghe. Ờ, hồi nãy tui kể tới khúc nào rồi?
- Dạ, tới cái đoạn gài lựu đạn tụi lính Tây đó chú- Tùng nhắc khẽ.
- Ờ. Tui nhớ rồi, để tui kể tiếp nghe.
Sau đó Sơn Ton được điều về du kích xã vừa chiến đấu, vừa tuyên truyền vận động người dân tộc Khmer tham gia cách mạng. Cạnh đó, ông còn thành công trong việc lôi kéo bọn chiêu hồi, tay sai của giặc trở về với nhân dân.
Chỉ riêng bảy tháng của năm 1953, người du kích Khmer Sơn Ton đã chỉ huy đội du kích xã tiêu diệt gần 70 tên địch, bắt sống trên 100 tên khác, thu về hàng tấn đạn dược, vũ khí, quân trang, quân dụng.
Cái tên “Vua lựu đạn” Sơn Ton bay xa khắp chiến trường Sóc Trăng làm bọn địch hoang mang lo sợ. Ấp rạch Lò Kẹo- nơi xảy ra nhiều trận chiến đấu ác liệt- được đổi tên thành ấp Sơn Ton để tôn vinh người anh hùng Khmer nhỏ tuổi nhưng đã rất gan dạ, mưu trí.
Năm 1954, Sơn Ton được tập kết ra Bắc để chuẩn bị cho ngày trở lại miền Nam theo hiệp định Genève.
- Ra Bắc chú làm gì? Có nhiều kỷ niệm hông chú? - Tùng hỏi vui.
- Thì học tập, công tác chờ ngày giải phóng miền Nam. Vui nhất là cái ngày được Nhà nước phong tặng anh hùng. Vui quá trớn, lúc đó tui mới hăm mươi hai tuổi và là người đầu tiên của miền Tây Nam Bộ được phong tặng danh hiệu này đó nghe.
- Còn niềm vui nào nữa hông chú?
- Có chứ, ở “ngoải” tao được gặp Bác Hồ tới bảy lần. Lần nào tui cũng khóc. Ngộ thiệt. Dù đã cố dằn lòng nhưng hễ gặp Bác là tự nhiên “mắc” khóc. Khóc nhiều nhất là khi Bác tới nắm tay tui dặn dò, động viên học tập…
Sau ngày giải phóng đất nước 1975, chú về Nam công tác và nghỉ hưu năm 1983.
- Giờ chú sống với ai? Thím có khỏe hông?
- “Bả” bỏ tui “đi” trước gần hai mươi năm rồi. Buồn lắm. Hồi đó “bả” cũng tập kết ra Bắc học nghề bác sĩ rồi “đụng” tui ở ngoải. Tội nghiệp, hồi đầu tui tự ái vì mình ăn học có tới nơi, tới chốn gì đâu, tối ngày lo đánh giặc. Còn “bả” ăn học đàng hoàng, thương tui thì tội nghiệp cho đời “bả”, vậy mà “bả” hổng chịu. Riết rồi tui...
- Tui sao?- Tôi hỏi.
- Thì chịu đại chớ sao. Bây giờ “bả” đi mất, còn lại tui trơ trọi một mình.
Vừa nói, ông vừa đứng lên thắp mấy cây nhang cắm vào chiếc lư hương đặt trước di ảnh một người phụ nữ khá xinh đẹp với nụ cười rất duyên. Đó là người bạn đời của chú.
- Chú Ton ơi! Chú có nhà hông?- người đàn ông dừng xe trước cửa nhà hỏi vọng vào.
- Có! Ai kêu tui đó?
- Dạ con, thằng Tâm đây chú ơi!
- Tâm chủ tịch phường đó hả? Vô chơi! Có chuyện gì mà coi bộ gấp vậy?
- Dạ con gấp đi. Chút nữa chú ghé phường nhận quà tết. À, ngày mai chú nhớ chuẩn bị vụ kể chuyện truyền thống cho thanh niên phường nghe. Tụi nhỏ mê chú kể chuyện đánh Tây lắm. Thôi con đi!
- Ờ. Tui nhớ rồi.
Chú Sơn Ton chậm rãi lật từng trang của quyển lịch sử truyền thống, trong đó có nhiều trận đánh hào hùng do mình chỉ huy như để ôn lại những kỷ niệm bi hùng mà chú đã từng nếm trải.
Trên vách tường, chiếc ảnh người trung tá anh hùng rất uy nghi, tề chỉnh trong bộ quân phục đang nhìn mọi người với nét mặt rạng ngời, đanh thép, phúc hậu.
Cạnh đó là tấm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng đang lung linh trước mắt người cựu binh đang nhớ về quá khứ oai hùng trong làn gió xuân tràn ngập.
Tết đang về.
(Kính tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân- Trung tá Sơn Ton)
SONG ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin