Thưởng thức "ly cocktail" Sài Gòn

Cập nhật, 13:06, Thứ Bảy, 09/12/2017 (GMT+7)

Đã quá quen thuộc với shopping, các điểm tham quan và ăn kem bến Bạch Đằng, bạn muốn tìm món lạ ở Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh thì có thể thưởng thức một “ly cocktail” với mùi vị mới.

Đông đảo khán giả nhiệt tình theo dõi, cổ vũ nhóm nhạc đường phố.
Đông đảo khán giả nhiệt tình theo dõi, cổ vũ nhóm nhạc đường phố.

Chúng tôi cho vào ly cocktail không khí nhộn nhịp, đông đúc phố đi bộ Bùi Viện, những cửa hàng tranh rực rỡ màu, trung tâm ẩm thực dưới lòng đất, rồi “tráng miệng” bằng vở kịch hài hước, ma mị…

Sau phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Bùi Viện đã trở thành phố đi bộ thứ 2 ở TP Hồ Chí Minh, từng biết đến là khu Tây ba lô và là nơi “ăn chơi” của bạn trẻ Sài thành.

Ngày cuối tuần thường có các màn biểu diễn nghệ thuật đường phố. Nhiều nhà hàng, quán ăn bày menu ngay trên vỉa hè, nên đừng bỏ lỡ các món nướng và nhâm nhi ly bia Bùi Viện giá khá mềm, để tận hưởng không khí đường phố đông đúc...

Đặc trưng của phố Bùi Viện còn là những xe đẩy hàng rong, bày bán đủ nước giải khát, trái cây, bắp xào, khoai lang nướng,…

Cách phố đi bộ Bùi Viện không xa là khu chợ Sense Market dưới lòng đất phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống.

Chợ có khu ẩm thực Asiana Food Town, gợi nhớ về một không gian ẩm thực đường phố Châu Á xưa. Nếu chưa kịp ăn trên mặt đất, bạn sẽ tha hồ lựa chọn các món ăn của Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ,... dưới lòng đất.

Hay mua sắm quần áo, đồ lưu niệm, giày dép, túi xách. Và hòa cùng tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của du khách, dành cho các nhóm nhạc trẻ biểu diễn âm nhạc phục vụ miễn phí.

Trong khi đó, chúng tôi lại được “no mắt” khi đi qua các cửa hàng bán tranh ở phố Bùi Viện, nhiều nhất là dọc các con đường Trần Phú, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Các gallery đều có phương thức hỗ trợ khách mua tranh đóng gói, vận chuyển đến trạm xe ký gửi về các tỉnh.

Vì các phòng tranh khá gần các trạm xe tư nhân ở Quận 5 đi về Vĩnh Long, nên rất tiện. Khách sẽ bắt gặp các bức tranh nổi tiếng được sao chép mà giá không đắt, thậm chí là các bức ảnh nổi tiếng cũng được sao chép “y hệt”.

Chủ cửa hàng còn gợi ý khách có ảnh chụp đẹp, gửi ảnh mẫu họa sĩ sẽ vẽ theo yêu cầu… Trong khi một số dòng tranh được giới thiệu do họa sĩ phòng tranh tự sáng tác có giá cao gấp đôi ba lần.

Chúng tôi còn muốn thêm vào ly cocktail Sài Gòn “món” kịch nói. Các chương trình hài kịch ngày nay tràn ngập trên sóng truyền hình, nhưng coi kịch ở rạp lại có mùi vị khác hẳn.

Rực rỡ sắc màu tranh.
Rực rỡ sắc màu tranh.

Chọn xem vở kịch hài hước pha trộn kinh dị tại sân khấu kịch Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân, cũng là lựa chọn “mạo hiểm”.

Bởi nếu hẹn người yêu đi chơi cuối tuần hầu hết đều chọn rạp chiếu phim hiện đại ở các trung tâm thương mại lớn, tới sân khấu kịch thì hơi bị… cù lần!

Không có mùi bắp rang bơ, ghế ngồi êm ái, phòng ốc sang trọng… sân khấu kịch khá đơn giản và hàng ghế khán giả cũng bình dân. Tuy nhiên, khi tấm màn nhung kéo lên thì “chất lượng” dành cho cảm xúc dâng trào mới là điều làm cho khán giả hài lòng nhất.

Ngồi gần sân khấu hơn mới cảm nhận được những giọt mồ hôi của lao động nghệ thuật rất nhọc nhằn. Những nghệ sĩ nhìn thấy trên truyền hình có đủ chiêu trò cũng “thường thôi”, nhưng xem trực tiếp, mới thấy từng cử chỉ, hành động, ánh mắt, nụ cười… làm người ta nổi da gà!

Nhiều sân khấu kịch không còn ở thời hoàng kim nữa nhưng việc đầu tư kịch bản tốt với những đề tài đương đại của cuộc sống, hiệu ứng sân khấu sống động tạo cảm giác kinh dị “như coi phim ma”, diễn viên sống hết mình cho vai diễn… góp phần lôi kéo khán giả tới sân khấu mua vé coi kịch.

Đối với người dân thành phố và nhiều du khách, đi xem kịch vẫn có những thú vị, hấp dẫn riêng và điều đó giúp sân khấu kịch vẫn sáng đèn.

Bài, ảnh: AN HƯƠNG