Hôm nay, đọc lại "Mười ngày rung chuyển thế giới"

Cập nhật, 09:15, Chủ Nhật, 29/10/2017 (GMT+7)

Tháng 3/1919, tại Mỹ, chính thức phát hành cuốn sách “Ten days that shook the world” (mười ngày rung chuyển thế giới) của tác giả John Reed (1887-1920), đề cập đến cuộc cách mạng “long trời lở đất” do những người Bolshevik tiến hành ở Nga.

Ngoài ra, tác phẩm còn với mục đích làm cho nhân dân Mỹ hiểu sự thật về nước Nga và cuộc cách mạng vô sản vĩ đại.

Sở dĩ, John Reed đặt tự đề sách “Mười ngày rung chuyển thế giới”, bởi cuộc cách mạng 10 ngày đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng.

Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân- nông dân- binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra nhà nước Nga Xô viết- Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Khác với mọi cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra trong lịch sử, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện được mục tiêu: giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nâng họ lên địa vị làm chủ chế độ xã hội mới, thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại.

 John Reed sinh tại TP Portland, thuộc bang Oregon (Mỹ). Lớn lên trong một gia đình khá giả, ông được học hành đàng hoàng và có điều kiện chu du nhiều nơi, từ Bắc Mỹ tới Châu Âu.

Qua những chuyến đi, ông có điều kiện hiểu thêm nhiều vấn đề cơ bản của xã hội lúc bấy giờ và ông quyết định chọn nghề báo, lấy ngòi bút để nói lên tiếng nói của tầng lớp bị áp bức, của giai cấp công nhân. Và tư tưởng cộng sản cũng bắt đầu thấm vào ông từ đấy…

Giữa năm 1917, Reed sang Nga và sau đó được chứng kiến tận mắt cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Ông thu thập được rất nhiều tài liệu. Năm 1918, Reed trở về New York và bắt tay vào viết “Mười ngày rung chuyển thế giới”.

Một người bạn của John Reed là Alberts Rhys Willams (1883-1962) kể lại: “Tôi còn nhớ rõ biết bao cuộc đi của tôi cùng với John Reed và Boris Reinstein ở Mặt trận Riaga tháng 9/1917! Xe hơi của chúng tôi đang tiến về Venden ở phía Nam thì pháo binh Đức nã vào một làng ở phía Đông.

Thế là John Reed coi cái làng ấy là nơi đáng chú ý nhất thế giới! Anh cứ nằng nặc đòi chúng tôi phải đi về phía ấy.

Chúng tôi đang bò nhoài một cách rất thận trọng thì một quả đại bác to tướng nổ tung ngay đằng sau, và trên khoảng đường chúng tôi vừa qua nổi lên một cột bụi khói đen sì…

Anh cứ thế mà đi khắp đó đây trên thế giới, từ nước này sang nước khác, từ mặt trận này sang mặt trận khác, từ cuộc phiêu lưu này sang cuộc khác.

Nhưng anh không chỉ là người phiêu lưu, một phóng viên, một khán giả vô tình, một người đứng lạnh lùng quan sát những nổi đau khổ của nhân loại.

Trái lại anh coi những nỗi đau khổ ấy như của mình. Tất cả cảnh hỗn loạn, bùn đất, đau khổ và đổ máu ấy đã xúc phạm đến lương năng và lòng yêu công lý của anh. Anh quyết tìm hiểu những gốc rễ của những khốc hại đó”.

Chính bởi những gốc rễ đó, mà trong cuốn sách John Reed diễn giải cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng cũng như quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này, cho thấy toàn cảnh nước Nga trước, trong và sau cách mạng.

V.I.Lenin sau khi đọc xong cuốn sách này, ông liền viết cho nhà xuất bản ở Mỹ: “Với một tinh thần vô cùng hứng thú và chăm chú, tôi đã đọc cuốn sách của John Reed- “Mười ngày rung chuyển thế giới”.

Tôi vui mừng được giới thiệu tác phẩm này với công nhân tất cả các nước. Tôi mong muốn cuốn sách được phát hành hàng triệu bản và dịch ra đủ mọi thứ tiếng vì nó rất sinh động khi diễn tả về những sự kiện cực kỳ quan trọng”.

Tựa của Krupskaya (phu nhân V.I.Lenin) cho bản đầu tiên bằng tiếng Nga có đoạn: “John Reed đã gắn chặt cuộc đời của ông với Cách mạng Nga. Nước Nga Xô Viết đối với ông đã trở nên thân yêu gần gũi”.

Mùa thu năm 1920, John Reed bị cúm nặng khi đang ở Nga và trút hơi thở cuối cùng tại Moscow. Sau tang lễ được cử hành trọng thể tại Nga, ông được an táng tại nghĩa trang dưới chân tường Ðiện Kremli cùng nhiều chiến sĩ cách mạng cộng sản khác.

Năm 1927, đạo diễn người Nga Sergei Mikhailovich Eisenstein đã làm bộ phim “Tháng Mười: mười ngày rung chuyển thế giới” dựa theo tác phẩm của John Reed…

Cuốn sách gồm 12 chương, diễn giải nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này. 

Trong lời tựa, John Reed viết: “Quyển sách này kể lại một giai đoạn lịch sử quyết liệt đã diễn biến dưới mắt tôi.

Trong quá trình của cuộc chiến đấu, tôi không phải là kẻ bàng quan. Nhưng kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy, tôi đã muốn nhận xét sự việc với con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi lại sự thực”.

John Reed viết trong lời nói đầu: “Trong lăn lộn, tình cảm của tôi đã không hề trung lập. Nhưng kể lại câu chuyện về những ngày vĩ đại này, tôi đã cố nhìn các sự việc với con mắt của một người viết phóng sự tận tâm, chỉ tập trung vào để chuyển tải sự thật”, “Tôi nhận thấy những người Bolshevik không hề là một lực lượng phá hủy, mà là Đảng duy nhất ở Nga lúc đó có một chương trình hành động mang tính xây dựng, và có một sức mạnh để thực hiện chương trình này ở nước Nga.

Những người Bolshevik đâu có phiêu lưu, khi họ lao vào lịch sử như đầu tàu của quần chúng lao động và nhằm giành cho được những nguyện vọng lớn lao của họ”…

Ông viết về quan cảnh Petrorograd (tức TP Saint Petersburg hiện nay) sau khi khởi nghĩa nổ ra: “Dường như cả thành phố đổ ra trên Đại lộ Nevsky.

Ở cả góc phố, dân chúng xúm đỏ quanh những nhóm đang tranh luận sôi nổi. Từng toán mười người lính, súng lắp lưỡi lê, đi tuần các ngã phố; có những người đứng tuổi khoác những chiếc áo lông đắt tiền, mặt đỏ gay vì tức giận, giơ nắm tay ra dọa họ, và có những bà ăn mặc sang trọng lăng mạ họ. Nhưng những người lính chỉ trả lời nhẹ nhàng, vừa nhăn mặt một cách ngượng nghịu.

Ôtô bọc sắt qua lại; những chiếc xe đó mang tên của những vua đầu tiên nước Nga như: Olg, Rurik, Sviatoslav cùng với những băng đỏ lớn “R.S.D.R.P” (Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga).

Ở TP Mikhailovskia, thấy một người mang một tập báo, dân chúng đổ xô tới; họ trả một rúp, năm rúp, mười rúp và tranh giành nhau những tờ báo như những con vật tranh mồi.

Đó là tờ “Công nhân và binh lính” báo tin cách mạng vô sản đã thắng lợi, những người Bolshevik bị giam cầm đã được giải phóng, và kêu gọi sự ủng hộ của quân đội ở tiền tuyến và hậu phương… Tờ báo đầy một nội dung sôi sục ra khổ nhỏ, bốn trang, chữ lớn và không đăng bản tin nào cả…”

Tại Chương 10, John Reed đã kể về lễ an táng các liệt sĩ trong trận chiến giành Moscow: “Từ trên đỉnh bức tường Điện Kremli, những lá cờ lớn rũ xuống đất, trên nền đỏ là những chữ màu vàng và trắng:

“Những liệt sĩ thời đầu của cách mạng Xã hội Chủ nghĩa thế giới”; “Tình anh em của giai cấp cần lao thế giới muôn năm”… Xen giữa các dòng người là đại đội lính khiêng những quan tài và các khẩu đại bác quấn cờ đỏ và đen”.

Tại vùng Tsarskoe Selo, John Reed gặp một người vệ binh đỏ bị thương vào ngực khi bắn nhau với quân Cozak của tướng phản cách mạng Krasnov. Trong trạng thái hôn mê, người lính này nhắc đi nhắc lại: “Sẽ có hòa bình… Sẽ hòa bình”.

Vậy là, hòa bình đã trở thành hiện thực, Cách mạng Tháng Mười nổ ra ngày 7/11 thì hôm sau, ngày 8/11, Lenin đã công bố “Sắc lệnh Hòa bình” của Nhà nước Xô Viết. Sắc lệnh lên án cuộc chiến tranh đế quốc (Đại chiến thế giới lần thứ I), coi đó là một tội ác lớn nhất đối với nhân loại và trịnh trọng tuyên bố cần ký ngay lập tức một hòa ước để chấm dứt cuộc chiến tranh này.

“Sắc lệnh Hòa bình” của Lenin đã giúp nước Nga rút ra khỏi chiến tranh, góp phần chấm dứt Đại chiến thế giới lần thứ I, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân lao động và các lực lượng hòa bình, dân chủ trên toàn thế giới.

Từ đây, các lực lượng tiến bộ, các cuộc chiến tranh chính nghĩa, đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới đều lấy hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội làm mục tiêu phấn đấu.

Trong một thời kỳ dài của lịch sử ở thế kỷ XX, Liên Xô đã trở thành một cường quốc thế giới, là trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Tác giả kết thúc chương bi hùng: “Tôi chợt nhận thức được rằng, những người Nga vốn sùng đạo nay đã không còn cần tới các cha cố cầu kinh cho các hương hồn được lên thiên đường.

Họ xây dựng trên Trái đất một vương quốc chói sáng hơn bất cứ nước nào mà thiên đường có thể đem lại. Quả là vinh dự được chết cho đất nước đó...”.

Tác phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới” không chỉ là một bản thống kê các sự việc một cách đơn điệu, mà đã vẽ lại trước mắt người đọc bức tranh sinh động về sự kiện to lớn vĩ đại nhất trong lịch sử.

Năm nay, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản tác phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới” (tác phẩm được Nhà xuất bản Văn học in lần thứ nhất năm 1960).

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN THANH