Tiếng súng cấp tập ba mặt, chỉ mặt phía đường quốc lộ là yên lặng. Nhưng Khánh biết đó là sự yên lặng giả tạo. Chúng chẳng dại gì để trống một mặt cho ông thoát. Đội công tác mũi của Khánh có ba người thì đã hy sinh hết hai để cản đường giặc cho ông bảo toàn tài liệu chuyển về cứ.
Tiếng súng cấp tập ba mặt, chỉ mặt phía đường quốc lộ là yên lặng. Nhưng Khánh biết đó là sự yên lặng giả tạo. Chúng chẳng dại gì để trống một mặt cho ông thoát. Đội công tác mũi của Khánh có ba người thì đã hy sinh hết hai để cản đường giặc cho ông bảo toàn tài liệu chuyển về cứ.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Tình thế thật cấp bách! Xóm này không có cơ sở của ta, trời lại chưa tối hẳn, biết ém vào đâu? Nép mình bên khóm chuối nước của một khu vườn, Khánh nghe tiếng thằng đại úy Báo gào lên ngoài kia:
- Thằng nào bắt sống được thằng Khánh, tao thăng liền hai cấp! Đ.m! Hôm nay không bắt được thành Khánh tao thề không trở về.
Khánh xem lại vũ khí của mình. Súng đã hết đạn! Hoàn cảnh này... Khánh đang khẩn trương suy nghĩ thì giật mình bởi tiếng nói sau lưng:
- Ông hãy vào trốn trong nhà tôi! Ông hãy tin tôi!
Khánh quay phắt lại. Trước mặt ông là một thanh niên mặc áo thun ba lỗ và chiếc quần lính. Một ý nghĩ lướt qua: Không có sự lựa chọn khác! Ông nói nhanh:
- Phiền anh dẫn đường!
... 8 giờ tối. Trong bộ đồ lính, Khánh đóng vai lính cần vụ của thiếu úy Độ. Hai thầy trò đi uống cà phê.
Khánh chia tay Độ sau cái siết thật chặt. Một sự gặp gỡ ngẫu nhiên như là một định mệnh trong thời chiến mà Khánh giữ kín trong lòng.
***
Tháng 3 năm 1975
Hòa trong dòng người chạy loạn, Khánh thấy bên vệ đường, cạnh xác một người phụ nữ trẻ là người đàn ông máu loang khắp ngực áo, đang ôm trong tay đứa bé khóc khản hơi. Ông dừng lại.
- Làm... ơn... c.ứ..u...
Khánh ngồi xuống. Đột nhiên ký ức vụt sáng... Khuôn mặt anh ta... nốt ruồi rất to ở đuôi chân mày trái và vành tai trái bị sứt trống một mảng... Ông chưa kịp nói thì người đàn ông đã ngả đầu sang bên, đổ vật lên xác người phụ nữ.
Khánh gỡ tay người đàn ông, ôm đứa bé. Hai tay ông đồng thời chạm vào vật gì cồm cộm trong túi áo ngực của ông ta và áo yếm đứa bé. Ông lấy ra. Một số giấy tờ và hai bức ảnh chụp giống nhau gói trong hai túi ny lông...
Ông cất tất cả vào túi mình rồi ôm đứa bé dợm bước đi thì một ý nghĩ thoáng qua. Ông đặt đứa bé xuống đất, bế xác hai người xấu số đặt vào hố đạn nông choèn gần đó cùng với một tấm ảnh gói trong túi ny lông, đoạn ông nhặt chiếc nón sắt gắng sức cào đất lấp lại.
***
Ba ngày sau khi lão Khánh mất, thầy giáo An cho gọi Bảo đến để thực hiện lời ký thác của ông lão. Thật lòng An cũng muốn biết ông lão ký thác vật gì mà bí mật đến thế. Anh nhớ như in trước khi trao cho anh vật ký gởi, ông lão nói: “Tín vật ký gởi cho người tin cậy đúng ra tôi không nên niêm kín.
Thật là thất lễ, nhưng mong thầy giáo thông cảm”. Thời gian, vật ký gởi đã được An cất kỹ trong tủ riêng. Nhưng hôm nay thì tính hiếu kỳ trong anh dậy lên mỗi lúc một tăng...
Thầy giáo An chỉ một gói giấy bao ny lông trên bàn, nói:
- Đây là di vật của cha cậu ký gởi cho tôi. Ông bảo đến ngày ông đi xa mới trao lại cho cậu. Giữ lời hứa với người lớn tuổi nên thời gian qua tôi không cho cậu biết... Ông cụ trao sao tôi giữ vậy. Tôi chưa được biết trong đó là vật gì. Cậu đem về nhà mở ra xem sao.
Bảo cầm vật lạ lên ngắm nghía, tự hỏi: “Cái gì thế này?”... Anh nhướng mày nhìn thầy giáo An, nghĩ rất lung. Tại sao cha anh lại trao cho người khác vật muốn gửi lại cho anh? Vậy là cha phải tin tưởng... thầy giáo lắm. Thế thì có gì để anh phải giữ bí mật trước thầy giáo? Anh nói:
- Cha em đã tin anh, lý nào em lại giữ bí mật với anh. Chúng ta cùng xem thử là thứ gì.
Bảo xé túi ny lông, mở lớp giấy bọc ngoài. Trước mặt hai người là một tấm ảnh ép nhựa, một số giấy tờ đánh máy và một bức thư viết tay.
Bảo cầm tấm hình lên xem rồi đọc bức thư.
Đêm se lạnh mà mồ hôi rịn ra quanh trán Bảo. Sắc mặt lúc tái nhợt, lúc bừng đỏ... Rồi anh buông bức thư, nấc lên: “Trời ơi!”
Thái độ của Bảo làm thầy giáo An ngạc nhiên. Anh chồm qua bàn, lay vai Bảo:
- Bảo, Bảo!... Sao vậy?!
Bảo im lặng xòe tay đẩy hết các vật trên bàn về phía thầy giáo An.
An vội cầm bức thư lên đọc:
“...Ba xin lỗi con khi ba đã giấu con hơn ba mươi năm ròng. Vợ con ba đã chết vì bom đạn chiến tranh, ba lo sợ khi biết sự thật con sẽ rời xa ba, dù thẳm sâu trong ý nghĩ ba tin con không xử sự như thế. Bởi con là máu thịt của một người biết trân trọng mạng sống con người.
Đã một thời ba với cha con đứng ở hai chiến tuyến, nhưng không vì nắm được vũ khí giết người trong tay mà lạm sát.
Con hãy cảm thông cho ba khi ba trao những di vật này cho thầy giáo An để trao lại cho con vào ngày ba đã đi xa. Ba có chôn chung với cha mẹ con một tấm ảnh giống tấm ảnh này. Mong rằng trong đời có sự hữu duyên...”
Thầy giáo An đặt bức thư lên bàn, cầm tấm ảnh lên xem. Một ký ức xa vời chợt đến...
Mùa hè năm 1990, An cùng gia đình đi khai hoang để lập vườn cà phê. Đêm núi rừng khiến con người nghĩ miên man đủ thứ chuyện trước khi chìm vào giấc ngủ. Nhưng thật kỳ lạ. Khi nhắm mắt là An nghe u u bên tai tiếng nói: “Nóng quá! Nóng quá!” Tiếng nói cứ như xa, như gần, u u âm âm.
Cứ thế liên tục ba đêm liền. Anh đem chuyện kể với cha. Thật ngạc nhiên là chính cha An cũng nghe như vậy. Ông đốt nhang khấn vái rồi tiếp tục công việc bình thường. Đêm sau, cha con An mơ thấy dưới mô đất đặt bếp có hai người đi ra đi vào. Sáng hôm sau, cha An quyết định tìm sự thật.
Sau khi khấn vái thành kính, cha An bới mô đất lên phát hiện hai bộ xương người và hai tấm ảnh ép nhựa gói trong túi ny lông.
Cảm thấy sự báo mộng linh hiển, cha An khấn với vong linh người chết sẽ đóng quách sắp xếp lại hài cốt đầy đủ, táng mộ đàng hoàng, đồng thời xin bức ảnh làm ảnh thờ, lấy ngày khai quật làm ngày giỗ hàng năm.
Lời khấn vừa dứt thì đốm nhang nổ tí tách và sau đó tàn nhang cuộn lại thành vòng tròn. Cha An nói vong linh người chết đã chứng giám và thành tâm thực hiện ngay lời khấn của mình...
Thầy giáo An đúng bật dậy, chồm qua bàn nắm tay Bảo, nói như reo:
- Đúng rồi Bảo ơi! Tôi biết di thể cha mẹ cậu ở đâu rồi! Đi! Đi với tôi! Đi lên Tây Nguyên với tôi!
Nhưng cả hai chưa kịp đi thì cha An từ Tây Nguyên xuống thăm con. Sau khi nghe chuyện, ông mừng cho một sự đoàn viên dù chỉ là tâm linh.
Trước khi bàn định di dời hài cốt cha mẹ Bảo về táng lại ở bên mộ cha nuôi để Bảo tiện nhang khói, cha An xem lại những giấy tờ người chết để lại.
Ông tưởng không tin ở mắt mình khi thấy tên cha mẹ, năm sinh, quê quán, tên họ của người đã khuất trùng lập với tên cha mẹ ông và đứa em trai đã biệt tích của ông. Đứa em trai đã công khai chống lại cha mình để rồi biệt vô âm tín.
Đứa em mang lon thiếu úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa dám bao che cho một Việt cộng đã bị cha ông vốn là một ấp trưởng khiển trách và từ bỏ. Nhưng... sự đời lắm chuyện thật giả giống nhau! Biết đâu chỉ là một sự trùng lập ngẫu nhiên?
Chú ấy có một nốt ruồi ở đuôi mày trái và vành tai trái bị mất một mảng do tai nạn nhưng bức ảnh chụp chung ba người đã bị che khuất có cho thấy đâu?
Người có thể cho tin chính xác là cha nuôi Bảo thì ông ta đã chết rồi. Đây chỉ là ngẫu nhiên trùng lập hay vong hồn người đã khuất xui khiến cho ông chọn vùng đất ấy trồng cà phê để bao năm qua được nhang khói cho em trai mà không biết, để hôm nay chú cháu, huyết thống gặp nhau?
Nhưng... dù sao thì, phải, dù đúng hay không đúng, sự đoàn tụ vẫn luôn chứa đựng niềm vui.
Một tuần sau, hài cốt cha mẹ Bảo được đưa về táng lại bên cạnh mộ lão Khánh.
Trước ba ngôi mộ nghi ngút khói nhang, Bảo không ngăn được nước mắt của mình. Những giọt nước mắt cứ trào ra chảy xuôi về đất, những giọt nước mắt tri ân với đấng sinh thành, với người dưỡng dục...
Bên cạnh Bảo, cha An lâm râm khấn với niềm tin như mười chín năm về trước vong hồn người đã khuất sẽ hiển linh báo mộng. Sau lưng cái chết, cái còn lại là phần của người sống...
PHỤNG TÚ (Khánh Hòa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin