Vào năm 1953, sau 7 năm chống đỡ sự phản kháng dữ dội của các lực lượng kháng chiến kể từ khi núp bóng quân Đồng minh tái xâm lược nước ta, phía thực dân Pháp đã bị thương vong trên 7 vạn quân, 19 vạn quân khác bị sa lầy ở các vùng chúng chiếm đóng.
Vào năm 1953, sau 7 năm chống đỡ sự phản kháng dữ dội của các lực lượng kháng chiến kể từ khi núp bóng quân Đồng minh tái xâm lược nước ta, phía thực dân Pháp đã bị thương vong trên 7 vạn quân, 19 vạn quân khác bị sa lầy ở các vùng chúng chiếm đóng.
Các xe đạp thồ hàng vào chiến trường Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội). |
Sau những thất bại nặng nề ở Thượng Lào và Tây Bắc, Pháp tăng quân cho Bắc Bộ và muốn lôi kéo Việt Nam vào một trận đánh quyết định để nếu thắng thì chúng sẽ ở thế mạnh nhằm đạt một giải pháp cho phép họ rút khỏi Việt Nam trong danh dự.
Địa điểm được chọn của tướng Navarre- Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương, là lòng chảo Điện Biên Phủ cách Hà Nội 354km. Đây là điểm án ngữ con đường chính sang Lào và nối các con đường tiếp tế quan trọng khác của lực lượng kháng chiến Việt Nam từ hướng Trung Quốc.
Vai trò quan trọng của hậu cần trong cuộc chiến Điện Biên Phủ
Để thực hiện âm mưu này, tháng 11/1953, quân Pháp đã xây dựng xong lòng chảo Điện Biên Phủ thành một cụm cứ điểm kiên cố liên hoàn có lực lượng pháo binh tại chỗ và cả sân bay phục vụ cho việc hậu cần, quân đồn trú lên đến 15.000 lính tinh nhuệ và huênh hoang tuyên bố đây là nơi bất khả xâm phạm đối với quân kháng chiến.
Trung ương Đảng ta và Bác Hồ từ trước nhận ra ý đồ này của địch, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tháng 12/1953, đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ đã hăng hái tham gia chiến dịch này với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 7/5/1954, tức sau 3 tháng chuẩn bị và 56 ngày đêm quyết chiến với chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc”, ngọn cờ quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ của tướng De Castries, đánh dấu cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn thất thủ với 3.000 quân Pháp chết trận, trên 8.000 tên khác bị bắt sống cùng tướng chỉ huy cao nhất.
Nhiều nhà báo và nhà nghiên cứu quân sự phương Tây thời ấy đều có chung nhận định: một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta là ý chí sắt đá và sự kiên cường trong kháng chiến của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Dưới con mắt của họ, do thế cô lập của lòng chảo Điện Biên Phủ nên trên thực tế chiến trường tại đây trở thành một cuộc chiến với vai trò hậu cần vô cùng quan trọng.
Khi quyết định tham chiến, bộ chỉ huy của ta đã xác định được điều đó và tin chắc rằng mọi khó khăn của ta hoàn toàn khác với kẻ địch là đều có thể khắc phục dựa vào ý chí kháng chiến sắt đá của toàn quân dân ta. Người Pháp đã sai lầm lớn khi đánh giá khả năng này của Việt Nam.
Đó còn là sự bất ngờ của họ về khả năng kết hợp nhiều phương tiện của lực lượng kháng chiến phục vụ cho vận chuyển và hậu cần: Ta đã đưa được nhiều cỗ trọng pháo và pháo nhỏ khác vào trận địa.
Điều then chốt trong tiếp tế cho chiến trường này là sự phối hợp của 600 ôtô tải Molotova 2,5 tấn do Liên Xô cung cấp với vô số thuyền lớn nhỏ và nhiều ngựa nhà của dân chúng, đặc biệt là hàng chục vạn đôi vai thồ của lực lượng dân công đang hăm hở lập công.
Những người này còn làm cho đối phương bất ngờ hơn khi biến một phương tiện bị họ chế giễu có “công nghệ thấp” là chiếc xe đạp bình thường trở thành một phương tiện thồ hàng độc đáo đông đảo đến hơn 2 vạn chiếc sẵn sàng đối đầu với những phương tiện tối tân của họ.
Khi lâm chiến lực lượng xe đạp thồ ấy thực sự là những đoàn “ngựa sắt”- như cách dân công ta ví von- đóng vai trò quan trọng trong tiếp tế cho lực lượng chiến đấu tại mặt trận đã khiến quân Pháp đau đầu.
Sự lợi hại của các đoàn “ngựa sắt”
Từ một chiếc xe đạp bình thường, để thồ được nhiều hàng dĩ nhiên nó phải được người sử dụng cải tiến và ngày càng hoàn thiện trong thực tế.
Thời đó, lựa chọn thích hợp nhất là những chiếc xe đạp hiệu Peugeot do chính nước Pháp sản xuất, kế đó là xe Favorit của Tiệp Khắc, còn lại là bất cứ loại xe đạp nào khác? mà họ có được.
Yên xe có thể được tháo bỏ và dưới đó được gắn thêm một giá bằng sắt hay tre liền với yên xe ở bánh sau để chở được nhiều hàng. Khung xe cũng được gia cố chắc chắn bằng những thanh sắt, gỗ hay tre. Tay cầm xe được nối dài thêm bằng một thanh gỗ để dễ lái.
Với tinh thần lạc quan trong chiến đấu, anh em thồ đã đặt tên nó là “tay ngai” (còn gọi là tay ngang), ý nói xe này “sang” chẳng khác xe vua (vua mới có ngai vàng).
Nhiều sáng kiến được người thồ xe thực hiện trong gia cố 2 bánh xe để căm xe và lốp được bền, có người còn xé bớt ống quần để lót vào trong và quấn quanh bánh xe để nó có thể chịu được đá nhọn khi đi qua các vùng đèo núi.
Xe còn được trang bị thêm 2 thanh chống, một dùng để chống xe khi nghỉ ngơi, một để hãm tốc độ khi xe xuống dốc. Để xe có thể di chuyển vững vàng và nhanh chóng qua các vùng dốc cao, mỗi xe có lúc cần đến 2 người đẩy.
Bằng cách đó mỗi chiếc xe đạp thồ với một người đẩy ban đầu chỉ chuyển được 100kg hàng dần dần nâng lên 150kg rồi 200kg…
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, những kỷ lục vận chuyển của các xe thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ liên tục bị phá và người lập được kỷ lục của chiến dịch là ông Ma Văn Thắng (Phú Thọ).
Nhiều lúc xe của ông thồ được đến 400kg, nhưng kỷ lục được xác nhận trong một lần kiểm tra chính thức là 325kg.
Trong suốt chiến dịch, ông Thắng đã vận chuyển được 3,7 tấn hàng đi qua quãng đường dài tổng cộng đến 2.100km… Nhiều cá nhân trong các đoàn xe đạp thồ của các tỉnh khác cũng có thành tích xấp xỉ ông Thắng.
Các số liệu cho thấy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ xe đạp thồ tham gia chuyển hàng ra mặt trận lên đến 20.911 chiếc.
Đông đảo nhất là đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa (3.000 chiếc), kế đến là Nghệ An (2.000 chiếc, hoạt động trên cung đường dài 600km).
Ngoài ra, còn có đoàn xe thồ của các tỉnh Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc…
Nói về tính hiệu quả của xe đạp thồ trong vận chuyển hàng hóa, các cơ quan hậu cần của ta đã cho con số so sánh: để có 1kg hàng lên đến trận địa lúc đó phải cần đến 4,5kg gạo cho dân công thồ hàng bằng vai ăn khi đi đường, trong khi đó năng suất của một xe đạp thồ được xác định cao gấp 10 lần người thồ bằng vai nên lượng gạo ăn đi đường cũng giảm đi gần 10 lần cho dân công.
Như vậy, với đội ngũ đông đảo xe đạp thồ tham gia trong cả chiến dịch có giá trị thay thế tương đương trên 200.000 dân công gánh bộ nên giảm được nhiều sức người, tức giảm được thương vong và tiết kiệm một lượng lương thực đáng kể cho kháng chiến.
Có một ưu điểm khác về tốc độ vận chuyển của xe đạp thồ so với các phương tiện cơ giới khác như ôtô mới nghe qua thật lạ lùng nhưng là một thực tế: tại những cung đường hiểm trở như đèo núi, những địa điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt để ngăn ta tiếp tế cho mặt trận thì tốc độ đưa hàng ra mặt trận của lực lượng xe đạp thồ vượt hẳn.
Đã có ghi nhận: tại các địa điểm như kể trên, các ôtô chỉ nhích lên được 15km một đêm, trong khi đó các đoàn xe đạp thồ đã vượt qua được 25km, đặc biệt các đoàn xe đạp thồ còn dễ dàng tránh được bọn máy bay trinh sát của địch dòm ngó từ trên cao.
Đó là chưa kể đến sự chính xác của lực lượng này: hàng được đưa đến đúng địa chỉ không sai một món, hoàn toàn khác với hậu cần của quân Pháp.
Đại tướng Hoàng Văn Thái kể: Để tiếp tế cho quân mình ở cứ điểm Điện Biên Phủ, địch buộc phải dùng máy bay thả dù, trước hỏa lực phòng không của quân ta và địa hình đồi núi hiểm trở bao quanh Điện Biên Phủ, một phần ba số dù tiếp tế cho quân địch đã lọt vào tay quân ta, trong đó có nhiều thuốc men và khoảng 5.000 quả đạn pháo 105 ly là các thứ mà quân ta rất cần…
Con số tổng kết trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy sự lợi hại của lực lượng này: 70.467 lượt dân công xe đạp thồ đã vận chuyển 369.128 tấn vũ khí, hàng hóa và lương thực cho mặt trận Điện Biên Phủ. Đó quả là một con số thần kỳ!
Tính đa năng của các xe thồ còn được thể hiện khi dùng vào việc đưa thương bệnh binh từ mặt trận về tuyến sau, cứ 2 xe thồ được kết lại có thể chở được 4 thương binh nhẹ trong tư thế ngồi hoặc 2 thương binh nặng phải nằm. Các xe này còn được sử dụng để vận hành các đi-na-mô phát điện làm sáng đèn cho các phòng mổ dã chiến hay cung cấp cho các cụm điện đài.
Trong 12 vạn dân công dài hạn và 7,6 vạn dân công ngắn hạn tham gia tiếp tế cho trận địa Điện Biên Phủ, đoàn dân công của tỉnh Thanh Hóa là hùng hậu nhất.
Ngoài hàng chục vạn lượt người tham gia gánh bộ, Thanh Hóa huy động 11.200 dân công sử dụng xe đạp thồ, chiếm phân nửa số lượng xe của chiến dịch.
Từ tháng 8/1953, dân công Thanh Hóa đảm nhận vận chuyển lương thực trên cung đường dài hơn 500 km từ miền Tây Thanh Hóa lên Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La và vào tận mặt trận Điện Biên Phủ.
Đưa hàng từ kho lương thực H1 tại Tuần Giáo (Lai Châu) vào trận địa Điện Biên Phủ là nhiệm vụ hiểm nguy nhất được giao cho Đội xe đạp thồ xung kích Thanh Hóa, họ phải len lỏi qua một cung đường chỉ dài 80km nhưng luôn bị địch đánh phá vô cùng ác liệt.
Để hoàn thành cho kỳ được nhiệm vụ, đội được biên chế thành 30 đại đội sử dụng 3.000 chiếc xe đạp thồ. Vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ, những người chiến sĩ dân công xe đạp thồ Thanh Hóa đã bám đường vững vàng tay đẩy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, xứng đáng với sự tin tưởng của các chiến sĩ đang chiến đấu tại mặt trận: “Khuỳnh khuỳnh một chiếc tay ngang / Đèo cao đẩy vượt suối dài vác vai / Dù cho mưa nắng phong ba / Lương thực đạn dược đoàn ta cứ thồ” (tác giả khuyết danh). Với thành tích trên, đoàn dân công Thanh Hóa đã được thưởng cờ khen của Bác Hồ, 10 huân chương cho đơn vị và cá nhân.
Ngày 16/3/1957, Bác Hồ về thăm tỉnh Thanh Hóa đã khen đoàn xe đạp thồ của tỉnh: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó.”
Hồng Vân- st (TP Vĩnh Long)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin