"Bãi lửa" kinh hoàng!

03:07, 05/07/2016

"Bãi lửa" trong bài viết này là cụm từ mà các chiến sĩ ở Đội Phòng thủ Tỉnh ủy Vĩnh Long (đội bảo vệ Tỉnh ủy có phiên hiệu C40) dùng để gọi một nơi được anh em bố trí dày đặc trái nổ trước các trận địa đánh phòng ngự chống bọn địch đi chi viện cho các đồn bót bị họ vây ép bứt hàng, bứt rút trong các năm từ 1973 đến 1975. Sau các trận đánh, bãi lửa được thu dọn trái nổ để trả lại sự an toàn cho dân.

“Bãi lửa” trong bài viết này là cụm từ mà các chiến sĩ ở Đội Phòng thủ Tỉnh ủy Vĩnh Long (đội bảo vệ Tỉnh ủy có phiên hiệu C40) dùng để gọi một nơi được anh em bố trí dày đặc trái nổ trước các trận địa đánh phòng ngự chống bọn địch đi chi viện cho các đồn bót bị họ vây ép bứt hàng, bứt rút trong các năm từ 1973 đến 1975. Sau các trận đánh, bãi lửa được thu dọn trái nổ để trả lại sự an toàn cho dân.

Trái nổ chuẩn bị cho các bãi lửa của C40 (ảnh của đồng chí Nguyễn Ký Ức).
Trái nổ chuẩn bị cho các bãi lửa của C40 (ảnh của đồng chí Nguyễn Ký Ức).

Đánh viện cần “bãi lửa” hỗ trợ

Từ đầu năm 1973, được sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Năm Liệt (Nguyễn Ký Ức), C40 bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy đã phối hợp với một số cán bộ trẻ ở các ban ngành tỉnh và một vài bộ phận du kích các xã thành lập một lực lượng chiến đấu có tính hợp tan.

Tuy là đơn vị phối hợp có cán bộ, chiến sĩ ở nhiều cơ quan khác nhau nhưng được C40 làm nòng cốt và chỉ huy theo một kế hoạch thống nhất nên họ chiến đấu rất hiệu quả.

Chỉ từ đầu năm 1973 đến tháng 2/1975, đơn vị đã bứt hàng, bứt rút 24 lượt đồn bót, trong đó có 3 hậu cứ cấp tiểu đoàn và 1 đồn cấp đại đội.

Cách đánh mới đầy sáng tạo của đơn vị là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại hiệu quả trên.

Đó là bằng “3 mũi giáp công” (chính trị, quân sự và binh vận) với hậu cần nhân dân và chiến thuật đào chiến hào, xây pháo đài vây ép làm cho binh lính trong các đồn “thối động” và khâu mấu chốt là nhất quyết ngăn không cho bọn can viện đến được các đồn này.

Trên thực tế, lực lượng địch trong tỉnh lúc đó còn đông, nếu không bị chiến trường chung căng kéo thì khi ta vây ép làm các đồn nguy khốn, chúng có thể tập trung nhiều tiểu đoàn bảo an và quân của các phân chi khu đi cứu viện.

Để ngăn cho được bọn cứu viện, bảo vệ công sức ta vây ép các đồn, đồng chí Mai Hồng Thắng (Sáu Trắng- Đội trưởng C40 được cấp trên tin tưởng giao chỉ huy đơn vị này.

Sáu Trắng là một cán bộ từng trải chiến đấu và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và sử dụng vũ khí thô sơ, anh cũng là người trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh bọn địch can viện, đã đề xuất và được cấp trên chấp thuận lối đánh phòng ngự dựa vào địa hình quen thuộc có hệ thống công sự và “bãi lửa” hỗ trợ cho các tay súng của ta.

Lối phòng ngự dùng ít đánh nhiều này tỏ ra rất thích hợp với đơn vị, bởi khi ta và bọn địch can viện chạm súng là lúc chúng đã lọt vào “bãi lửa” trước trận địa do ta bày sẵn, trong lúc ta linh hoạt di chuyển chiến đấu theo hệ thống chiến hào, mương vườn và công sự thì địch bị phơi lưng và tiến thoái lưỡng nan vì liên tục vướng phải trái nổ gây sát thương. Mặt khác, lúc đó ta và địch rất gần nhau nên phi pháo yểm trợ cho chúng không phát huy hết hiệu quả.

Chính bãi lửa đã góp phần gieo cho bọn đi cứu viện bao phen kinh hoàng, nhiều tên bị loại khỏi vòng chiến đấu mà không tiến thêm được bước nào nữa dù quân số chúng đông hơn ta hàng chục lần.

Điển hình như trong trận đánh 4 tiểu đoàn bảo an đi lấn chiếm lại vùng giải phóng xã Ngãi Tứ (Tam Bình) vào cuối tháng 4/1974, trong một đợt xung phong của địch chỉ một trái mìn gạt được chế tạo bằng một quả B41 trong bãi lửa đã loại khỏi vòng chiến đấu 24 tên địch.

Trước đó, vào tháng 4/1973, trong cuộc càn vào giải tỏa cho đồn Bình Phú, bọn chúng chẳng những bị thất bại mà còn phạm phải điều tối kỵ của “nhà binh” là gần chục tên chết bị bỏ xác lại trong bãi lửa của trận địa, chúng phải nhờ người dân vào xin ta mở bãi lửa để lấy xác…

Đã có “bãi lửa” khiến địch nhớ đời

Trong Chiến dịch Đông Xuân 1974- 1975, cùng với mọi lực lượng trong tỉnh đồng loạt tiến công địch, đơn vị có C40 làm nòng cốt do Sáu Trắng chỉ huy với hơn 80 tay súng nhận nhiệm vụ cắt đứt lộ 16 cô lập chi khu Tam Bình.

Được cấp trên tăng cường hỏa lực mạnh như cối 82, SKZ 75, trọng liên 12,8 ly và quan trọng là được chiến trường chung căng kéo khiến địch không thể cứu viện cho nhau, đặc biệt Trung đoàn 3 của quân khu vừa tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó đang thu hút địch về đó, đơn vị đã cùng du kích các xã xông lên vây ép bứt rút hàng loạt đồn bót trên con lộ này, trong đó có một hậu cứ cấp tiểu đoàn là Khu trù mật Cái Sơn, làm chủ hoàn toàn lộ 16 đúng theo kế hoạch của tỉnh.

Trong chiến công này, vai trò của bãi lửa trong đánh bọn địch trong đồn nông ra phản kích và chặn đứng bọn can viện nổi lên rất rõ ràng, đã gây cho địch nhiều thương vong, nhất là khi ta vây ép hậu cứ khu trù mật. Đáng chú ý là thời gian cuối chiến dịch, một lần nữa bãi lửa đã khiến địch nhớ đời, mà lần này là bọn quân chủ lực.

Đó là ngày 19/1/1975, Sáu Trắng được lệnh của chỉ huy chiến dịch cho phép đơn vị rút quân khỏi lộ 16 để tránh chạm súng không cần thiết với một tiểu đoàn trinh sát của Sư đoàn 9 vào ngày hôm sau.

Đây là tiểu đoàn quân chủ lực được pháo binh yểm trợ cực mạnh, lượng pháo bắn khi yểm trợ cho chúng được tính bằng phút thay vì bằng số lượng trái theo cách bắn thông thường. Lần này chúng hành quân là để thăm dò lực lượng ta.

Nhận lệnh, Sáu Trắng cùng ban chỉ huy đơn vị thống nhất chuẩn bị một xuồng khẳm chở gần trăm trái nổ lớn nhỏ đón chúng, địa điểm được chọn làm bãi lửa trên lộ là khu vực cầu Chòi Mòi (xã Mỹ Lộc).

Đích thân Sáu Trắng cùng chiến sĩ của mình bố trí 2 bãi lửa. Một bãi lửa tại 2 mố cầu Chòi Mòi, cầu này đã bị đánh sập, người đi bộ có thể qua cầu theo các thanh sắt còn lại. Bãi lửa thứ hai ở bãi đất trống đối diện với cầu bên kia sông, đây là nơi nhiều khả năng địch chọn để cụm quân nếu bị cầm chân. Đơn vị chỉ để lại 2 tổ để kết hợp với bãi lửa chống càn.

Đúng như nguồn tin của ta, sáng hôm sau tiểu đoàn này từ Chi khu Tam Bình ngông nghênh theo lộ 16 kéo lên Quốc lộ 4 (Quốc lộ IA ngày nay).

Đến trưa vẫn không gặp sự kháng cự nào đáng kể, chúng chủ quan dồn cục theo các thanh sắt qua cầu Chòi Mòi. Đúng lúc này, gần chục tay súng ở 2 tổ chống càn của ta đồng loạt nổ súng. Bị các đường đạn bất ngờ xuyên qua hông và rọc theo hai bên lộ phía đối diện của đội hình buộc chúng co lại ở 2 mố cầu để kháng cự, vô tình lọt thỏm vào bãi lửa thứ nhất của ta.

Nhiều tiếng nổ vang lên, đặc biệt là 2 quả mìn định hướng (mìn lay- mo) mà Sáu Trắng cố ý bố trí 2 bên mố cầu nổ trùm chéo lên nhau khiến bọn này kinh hoàng la hét vang trời.

Bi thảm là lúc đó trên lộ 16 không còn đồn nào, các cầu đều sập và dân đã tản đi hết làm chúng lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực vì chẳng những không kêu được trực thăng hỗ trợ như mọi khi, mà còn không tìm đâu ra bất cứ phương tiện nào để tải số lính bị thương và chết.

Cuối cùng, chúng đành chọn giải pháp cụm quân để chờ cứu viện, “họa vô đơn chí” loay hoay một lúc chúng lại chọn đúng vào bãi lửa thứ hai để cụm quân. Có lẽ chưa có đêm nào bọn này lâm vào cảnh khổ sở cùng cực như thế. Số chết gói bông sô còn nằm vương vãi, số bị thương thiếu được chăm sóc y tế rên la hi hỉ, đau đớn. Số còn lại đang nằm trên đống lửa đúng nghĩa mà không biết, vì rút cây khô nhóm lửa cũng bị nổ, đi vệ sinh cũng nổ, tới lui gác cũng… nổ.

Phía trên, trái sáng lập lòe, còn phía dưới bị nổ lai rai tới sáng. Hậu quả là phải đến 2 giờ chiều ngày hôm sau cả bọn mới lê lết về tới thị trấn Ba Càng. Theo dõi qua sóng bộ đàm của địch, ta mới biết qua trận nếm thử bãi lửa lần này, tiểu đoàn nói trên của địch có đến 48 tên vừa lính vừa quan chết và bị thương, mà chủ yếu là do trái nổ trong bãi lửa.

HỒNG VÂN

(Theo lời kể của đồng chí Sáu Trắng- nguyên Đội trưởng C40)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh