Phát triển bền vững là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều gần đây, nhất là tại ĐBSCL, trong bối cảnh khu vực đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và suy thoái môi trường. Việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách hài hòa, lâu dài đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
Thời gian qua, kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL đạt những thành tựu đáng chú ý. Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế; cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. 8/13 địa phương vùng ĐBSCL nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành cả nước có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất. Hoạt động khoa học công nghệ ở vùng ĐBSCL đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở ĐBSCL đã góp phần tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững. Theo đó, phát triển công nghiệp chế biến gắn với thế mạnh nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng và các khu công nghiệp đã thúc đẩy sự liên kết vùng, cũng như kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các khu vực khác, tạo điều kiện phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Tuy nhiên, việc thiếu liên kết, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chưa hoàn thiện… là những thách thức không nhỏ.
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định vai trò trung tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam; đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 là quốc gia phát triển, thu nhập cao. Nghị quyết nhấn mạnh sự chuyển đổi toàn diện nền kinh tế và xã hội dựa trên khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đó cũng là nền tảng cho phát triển bền vững ở ĐBSCL, nhưng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành động lực tăng trưởng, cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện quy hoạch đồng bộ. Thúc đẩy liên kết vùng để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp lãng phí nguồn lực. Đồng thời, kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu sẽ là chìa khóa quan trọng để ĐBSCL tiến nhanh tới mục tiêu phát triển bền vững.
YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin