Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là đề án), đã khởi động trong năm 2024 qua triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Kết quả bước đầu thí điểm từ vụ Hè Thu và Thu Đông đã đem tới những mùa vàng bội thu. Từ cơ sở đó, các địa phương này dự kiến mở rộng mô hình thí điểm trong vụ Đông Xuân 2024-2025 lên 65 mô hình với hơn 3.300ha. Trong khi đó, các địa phương còn lại ở ĐBSCL cũng đã sẵn sàng “dọn đất” để tham gia đề án từ vụ mùa sắp tới.
Giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đề án còn là cuộc cách mạng lớn thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân (ND) vùng ĐBSCL. Với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, đề án còn hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0” theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trước những cơ hội lớn và cũng không ít thách thức đặt ra, ngành nông nghiệp, các địa phương và ND cần làm gì để đề án không chỉ dừng lại ở mô hình mà phải thực sự đi vào đời sống sản xuất bền vững? Qua đó, vừa đảm bảo các mục tiêu về môi trường vừa hài hòa lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, nhất là tăng thu nhập của người trồng lúa?
Kỳ 1: Rộn ràng mùa vàng bội thu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, động viên nông dân tham gia đề án tại HTX Thắng Lợi. |
Từ vụ Hè Thu 2024, các cánh đồng tham gia thí điểm đề án lần lượt khui đồng thu hoạch, kết quả vượt ngoài mong đợi khiến ND rộn ràng niềm vui. Sau thành công của 7 mô hình thí điểm đồng loạt triển khai, 12 tỉnh, thành ĐBSCL (trừ Bến Tre) cũng ráo riết nhập cuộc nhân rộng mô hình.
Hiệu quả cao, nông dân “xin” làm lúa đề án
Triển khai đề án, vụ Hè Thu 2024, tỉnh Trà Vinh có 2 mô hình điểm tại HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và HTX Nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo) thuộc huyện Châu Thành. 2 mô hình được đánh giá thành công, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường.
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa tham gia đề án, chú Nguyễn Văn Phúc (70 tuổi, ở ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) khoe ngay hệ thống giám sát phát thải khí methane trên ruộng: “Đây là thiết bị đo lường các chỉ số khí methane, nhiệt độ trong và ngoài buồng kính, độ ẩm đất, ánh sáng, nhiệt độ, chỉ số NPK trong đất. Khi có thiết bị này, ND tự tin hơn trong canh tác nhờ vào hệ thống giám sát mực nước và đo lượng phát thải, theo dõi hiện trạng sinh thái của cây lúa để điều chỉnh lượng nước, phân bón, thuốc BVTV cho phù hợp. Tôi tham gia 10 công ruộng, quy trình thực hiện có nhiều hơn nhưng không quá khó, bởi lâu nay tôi cũng đã sản xuất lúa giống theo quy trình kiểm soát phân bón, thuốc BVTV”.
Các mô hình thí điểm của đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. |
Cạnh ruộng của chú Phúc, đang quan sát cánh đồng lúa được rải phân bằng máy bay nông nghiệp, chú Lê Tuấn Kiệt- một trong những hộ dân tham gia đề án, cho biết: ND được hỗ trợ 50% giống lúa, phân bón, kỹ thuật canh tác lúa, được hỗ trợ thu mua lúa, thu gom rơm rạ. Ban đầu còn khá bỡ ngỡ với những kỹ thuật mới như việc đo, đếm, đánh giá mất khá nhiều thời gian, nhất là lo khi giảm lượng giống gieo sạ thì năng suất sẽ giảm. Nhưng khi thu hoạch năng suất tăng, mà được cái là do sạ thưa nên rất dễ chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, chuột cắn phá và không bị đổ ngã…
Cùng kinh nghiệm sẵn có, vượt qua những trở ngại về ghi chép đồng ruộng cùng ngành chuyên môn kề vai sát cánh, chú Phúc, chú Kiệt và các thành viên HTX đã khá thành thạo với quy trình sản xuất mới. “Giờ làm ruộng khỏe re, có máy móc, thiết bị hỗ trợ hết, chỉ cần xong vụ, bán lúa tươi, lấy tiền tươi”- những lão nông tri điền cười sảng khoái lẫn trong tiếng máy bay nông nghiệp bay vù vù.
Cánh đồng HTX Nông nghiệp Phước Hảo có 50ha với 46 hộ tham gia đề án, sử dụng giống ST24, đã thu hoạch vụ đầu tiên. Ông Trương Hòa Thuận- Giám đốc HTX, cho biết: Tham gia mô hình, thành viên HTX áp dụng sạ cụm bình quân 60 kg/ha, giảm 90 kg/ha so với ngoài mô hình. Lượng phân bón giảm 33% và giảm số lần phun BVTV 2 lần/vụ nên tổng chi phí đầu tư mỗi hecta chỉ hơn 20 triệu đồng, giảm 4,6 triệu đồng/ha so với tập quán canh tác cũ... Sau khi trừ chi phí, ND có lợi nhuận tăng 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
“HTX thực hiện tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra. Do đó, khi ND tham gia vào HTX rất khỏe. Bên cạnh nâng cao ý thức trong sản xuất theo hướng hữu cơ. Kiểm soát sâu bệnh trên đồng ruộng, bảo vệ thiên địch. Vụ Đông Xuân 2024-2025, HTX đăng ký mở rộng thêm 200ha tham gia đề án. Trong khi số lượng ND chủ động xin tham gia đề án rất nhiều”- ông Thuận phấn khởi nói.
Những mùa vàng bội thu đã tạo động lực cho các HTX, ND tiếp tục nhân rộng mô hình. Theo ông Lê Văn Đông- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Trà Vinh, tới đây, đề án sẽ được triển khai tại 42 xã của 6 huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang, với tổng diện tích khoảng 30.736ha. Đề án hướng tới đa mục tiêu là giúp người trồng lúa tăng thu nhập, tăng giá trị hạt gạo, đồng thời có ý nghĩa rất lớn về môi trường, thông qua việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, xử lý sau thu hoạch hiệu quả.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT) Đề án là kết tinh của rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp sản xuất lúa tiên tiến. Việc hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa ND, HTX và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, tăng giá trị của ngành hàng lúa gạo trong đề án. Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo là một mục tiêu quan trọng của đề án, đòi hỏi sự cam kết, tham gia liên kết của doanh nghiệp, để hình thành các vùng chuyên canh ổn định, xây dựng sản phẩm chất lượng, an toàn và chứng minh các tiêu chí về giảm phát thải. |
Mô hình kiểu mẫu trên vùng đất sen hồng
Là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp khởi động đề án, ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) chia sẻ: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được HTX triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân, gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, ghi chép nhật ký sản xuất.
“Trong vụ lúa Hè Thu 2024 vừa qua, 20 hộ ND trong HTX tham gia thực hiện mô hình đề án, với hơn 43ha. ND đã ứng dụng cơ giới hóa, giảm lượng phân bón 20-40%, giảm số lần phun thuốc BVTV, rơm thu gom ra khỏi ruộng... ND giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường. Năng suất lúa đạt 6,5-6,9 tấn/ha, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm giá 8.300 đ/kg, cao hơn thị trường từ 100-150 đ/kg. So với đối chứng, lợi nhuận mô hình cao hơn 2,2 triệu đồng/ha; thu nhập của người trồng lúa tăng thêm từ 800.000-900.000 đ/ha từ bán rơm rạ sau thu hoạch”- ông Hùng nói như thuộc nằm lòng từng con số. Kết quả phấn khởi đó nên HTX không khó để vận động thành viên tham gia đề án tăng lên 150ha vụ Đông Xuân năm 2024-2025 và tới đây toàn bộ 447ha của HTX sản xuất theo quy trình đề án.
Sản xuất theo quy trình đề án đã chứng minh “giảm nhiều thứ chi phí”, mà quan trọng nhất là tăng lợi nhuận. Ông Lê Văn Chấn- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Mô hình đã giảm chi phí 1,6 triệu đ/ha. Cụ thể, lượng giống 70 kg/ha (giảm 80 kg/ha so với ngoài mô hình), giảm 50kg đạm nguyên chất, 20kg P2O5, giảm 5 lần phun thuốc trừ sâu bệnh. Quản lý nước ướt khô xen kẽ, rút nước thành công 3/4 lần. Giảm được 4,92 tấn CO2/ha. Năng suất lúa tăng, lợi nhuận cao hơn 4,3 triệu đ/ha.
Theo ông Chấn, thuận lợi của tỉnh là sự đồng thuận của người dân và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn, các mô hình sản xuất lúa bền vững làm tiền đề vững chắc cho các HTX thực hiện mô hình.
Mô hình tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, theo ông Chấn, là “dấu mốc” quan trọng của bà con ND, các doanh nghiệp, HTX… cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm phát thải carbon, nâng cao chất lượng, tăng giá trị của ngành hàng này. Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đề án tại các địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn như Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến hết năm 2024, sẽ có khoảng 20.000ha lúa tham gia đề án, đến năm 2025 sẽ phát triển lên 50.000ha và đến năm 2030 là 161.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Đề án hướng tới đa mục tiêu: tăng thu nhập, tăng giá trị hạt gạo và có ý nghĩa rất lớn về môi trường. |
“Từ mô hình mẫu đầu tiên tại huyện Tháp Mười cho thấy, ND tham gia sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án khi chi phí sản xuất giảm, tăng lợi nhuận. Đồng thời, đóng góp lớn vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nói chung và gạo Đồng Tháp nói riêng”- ông Lê Văn Chấn nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, qua thí điểm 7 mô hình tại 5 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng đã cho kết quả tích cực, giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc BVTV, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới; tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho ND thêm 20-25%, lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha, giảm từ 5-6 tấn CO2 tương đương 1ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 100-150 đ/kg. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
>> Kỳ 2: “Dọn đất” cho đề án lúa chất lượng cao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin