ĐBSCL bước vào mùa mưa cũng là lúc hàng loạt vụ sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu liên tiếp xảy ra.
ĐBSCL bước vào mùa mưa cũng là lúc hàng loạt vụ sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu liên tiếp xảy ra.
Những hình ảnh do đồng nghiệp cung cấp trong vụ sạt lở tại xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn hồi cuối tháng 5 vừa qua, khiến nhiều người không khỏi nơm nớp lo sợ. Sạt lở làm tê liệt đường giao thông nông thôn; nhiều căn nhà bị đe dọa sụp xuống sông. Đáng lo hơn khi được biết, trước đây khu vực từng xảy ra sạt lở, dù được chính quyền địa phương làm kè kiên cố nhưng vẫn tái diễn.
Còn tại Hậu Giang, những ngày cuối tháng 5, có ít nhất 6 vụ sạt lở liên tiếp xảy ra trên địa bàn, làm “đứt gãy” nhiều tuyến giao thông nông thôn. Không chỉ sông Hậu mà sông Tiền, nhiều dòng huyết mạch ở ĐBSCL như: kênh Chợ Gạo, Vàm Cỏ, xáng Xà No… tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra.
Báo cáo tham vấn của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp-PTNT) cho biết, đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 610km. Có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 127km, 137 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài 193km.
Sạt lở không phải đến bây giờ mới có, mà ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra do lòng sông thiếu phù sa và thiếu cát. Đây là hệ lụy từ tác động của các đập thủy điện và do ảnh hưởng từ tình trạng khai thác cát dọc sông Mekong.
ThS Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, sông Tiền, sông Hậu bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói” xâm thực bờ sông.
Trong 5 năm qua, Chính phủ đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL làm kè, đê chắn sóng… nhằm khắc phục các điểm xảy ra sạt lở. Song, thực tế diễn ra thì đây chưa phải là giải pháp hiệu quả, mà cần có giải pháp dài hạn, linh động vận dụng yếu tố công trình và phi công trình.
Ngoài việc giải bài toán nguồn cát cho xây dựng, giảm việc khai thác cát, thì các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần cập nhật bản đồ cảnh báo sạt lở, phải có quy hoạch đồng bộ, theo hướng “giảm tải” và từng bước loại bỏ việc xây dựng nhà, đường giao thông nằm ven sông, ven các bờ biển để giảm thiểu thiệt hại trước sạt lở được dự báo sẽ tiếp diễn và còn kéo dài.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin