Hướng tới nước có thu nhập trung bình cao

10:03, 03/03/2023

Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp.

Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp.

Tại tọa đàm “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030” do Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 1/3 tại Hà Nội, GS.TS Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Một loạt các bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh… Những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong hơn 30 năm đổi mới đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 lên 3.590 USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hóa dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc cần phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao. Ông Đinh Tuấn Minh- Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế- xã hội, cho rằng cần tiếp tục đảm bảo lạm phát ổn định; Chính phủ cần rà soát lại các quy định về hợp tác công tư để giảm đầu tư trực tiếp từ Nhà nước, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ tiện ích; đẩy mạnh cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước...

YÊN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh