Cần sớm ổn định thị trường lao động

06:02, 15/02/2023

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - TB - XH Đào Ngọc Dung, năm 2023 được dự báo sẽ nhiều biến động với thị trường lao động. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động, kéo theo ảnh hưởng việc đảm bảo an sinh xã hội.

(VLO) Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - TB - XH Đào Ngọc Dung, năm 2023 được dự báo sẽ nhiều biến động với thị trường lao động. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động, kéo theo ảnh hưởng việc đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, ổn định và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời ứng phó với các thách thức trong và ngoài nước sẽ là điểm nhấn quan trọng năm 2023 của ngành.

Theo Bộ Lao động - TB - XH, trong quý IV/2022, một số ngành, lĩnh vực ở khu vực phía Nam, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ,... gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm, giãn việc làm của nhiều người lao động.

Có những ngành tỷ trọng đặt hàng trong quý IV/2022 đã giảm 30%, đơn cử một số nhãn hàng lớn như Adidas, Nike đơn hàng giảm 30%, các đơn hàng nhỏ lẻ giảm sâu hơn tới 50% và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến hết quý II/2023.

Thị trường lao động, việc làm trong nước được dự báo sẽ sớm phục hồi từ nửa cuối năm 2023. Theo đó, từ quý II/2023, nhu cầu tuyển dụng ở lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành như công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, kinh doanh - bán hàng, marketing, tư vấn - chăm sóc khách hàng, du lịch, khách sạn…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các ngành chức năng và các địa phương cần tập trung rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, trước tình hình này, cần sớm có các chính sách vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Song song đó, Chính phủ cần có chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh