Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Minh Hoan lưu ý điều này với doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị "Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới", vừa diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn.
(VLO) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Minh Hoan lưu ý điều này với doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới”, vừa diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trung Quốc là thị trường quan trọng khi tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nông sản Việt Nam. Đây là thị trường truyền thống, lịch sử lâu đời của chúng ta.
Và để khai thác hiệu quả thị trường này, điều quan trọng là phải xác lập tầm nhìn đúng đắn, cần bỏ tư duy buôn chuyến mà cần xem đây là thị trường quan trọng. Mỗi người dân, doanh nghiệp không chỉ mang sứ mệnh cá nhân mà còn đại diện cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tỏ ra hào hứng với nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam, cụ thể là qua những hợp đồng được ký kết với sản lượng và giá trị tăng qua các năm.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, một trong những rào cản hiện nay là việc xây dựng đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc cho sản phẩm chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng, vẫn còn tập trung phân phối thông qua kênh thương mại truyền thống.
Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có Nghị định thư, như: thanh long, xoài, mít,… nên khó phát huy được tiềm năng. Trong khi, với mặt hàng đã có Nghị định thư thì thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn chậm.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời có nhiều thay đổi trong quản lý chất lượng nông sản, hàng hóa nhập khẩu và đã là thị trường khó tính.
Vì vậy, để đẩy mạnh bán hàng vào thị trường này đòi hỏi nông sản Việt Nam phải đảm bảo tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất. Bên cạnh, ngoài kênh bán hàng truyền thống như chợ, siêu thị, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh kênh thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến… được áp dụng khá phổ biến tại thị trường Trung Quốc gần đây.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin