Mắt xích đảo ngược "vòng xoáy đi xuống" của ÐBSCL

Cập nhật, 07:19, Thứ Năm, 04/08/2022 (GMT+7)

Tại lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ÐBSCL năm 2022 (AMDER 2022) tại TP Cần Thơ mới đây, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: “ÐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững”.

Ông Phạm Tấn Công cũng cho rằng: Ngày hôm nay, cả thế giới đang được khuyến nghị chuyển đổi số, nhưng với vùng ÐBSCL khuyến nghị “chuyển đổi nông nghiệp” phải là một ưu tiên và quan tâm hàng đầu.

Nội hàm của chuyển đổi nông nghiệp rất rộng, trong đó cần lưu ý đặc biệt đến chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang phân khúc giá trị cao, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cách thức chế biến, lưu thông, phân phối ra thị trường.

Cần đổi mới tư duy và phá vỡ các “vòng xoáy đi xuống” ở 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để thực hiện chuyển đổi nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền cấp Trung ương cũng như địa phương cần đầu tư gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông và logistics đang cản trở sự phát triển của mọi ngành kinh tế trong vùng.

Báo cáo kinh tế ÐBSCL trong năm 2020- 2021 chỉ rõ, điểm sáng lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp, khi vẫn tăng trưởng mạnh 3,4%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ÐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là -0,8% và -1,8%.

Có ít nhất 3 “vòng xoáy đi xuống” mà báo cáo đã chỉ ra ÐBSCL đang đối diện, gồm: ngân sách, lao động và cấu trúc kinh tế. Và mắt xích quan trọng để “đảo ngược” 3 vòng xoáy này là cần phải thay đổi quan điểm về an ninh lương thực; phải đầu tư cho vùng ĐBSCL trong 10, thậm chí 20 năm tới, mà cụ thể là khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và logistics.

Bên cạnh, cần phải đảo ngược là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, thu hút thêm các dự án đầu tư để giữ chân lao động, tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng của người lao động để đáp ứng các nhu cầu cho kinh tế trong tương lai.

N. HOÀNG