Đến năm 2025- hoàn thành bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương

Cập nhật, 05:52, Thứ Tư, 03/08/2022 (GMT+7)

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ cơ bản hoàn thành bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương.

Chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương được Đảng nêu lên từ Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, trong đó có nội dung “thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”.

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, đặt ra yêu cầu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, trong 20 năm qua, khi thực hiện chủ trương này đã tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ, gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với thực hiện chủ trương này cả về mục tiêu và nhiệm vụ. Song song đó, ở những nơi bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, tình hình kinh tế- xã hội, công tác xây dựng Đảng, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý, giải quyết; khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương...

Theo đồng chí Trương Thị Mai, tính đến nay đã có 32/63 bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương; bí thư cấp huyện không phải là người địa phương đạt 38,8%.

Trả lời câu hỏi: Bí thư là người địa phương có phải tốt hơn bí thư không phải người địa phương không? Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, về cơ bản, bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương sẽ tốt hơn. Tất nhiên người địa phương thì không phải không tốt, song nếu bí thư tỉnh ủy là người địa phương khác tới sẽ có động lực khác so với người địa phương. Tuy vậy, việc bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương cũng không máy móc. Chẳng hạn, một số cán bộ là người dân tộc thiểu số thì người đó phải là đại diện tốt nhất cho cộng đồng tại địa bàn và nên làm bí thư.

AN NHIÊN