Khai thác tiềm năng gió chướng

02:12, 08/12/2023

Từ lâu, loại gió này quá quen thuộc với người dân trong vùng, nhất là ở vùng ven biển. Ngoài gây trở ngại, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, gần đây dân đồng bằng đã biết tận dụng, biến GC thành nguồn tài nguyên hữu ích cho phát triển kinh tế.

Gió chướng làm mực nước sông, rạch dâng cao, gia tăng triều cường, xâm nhập mặn.
Gió chướng làm mực nước sông, rạch dâng cao, gia tăng triều cường, xâm nhập mặn.
Vùng Nam Bộ (trong đó có Vĩnh Long) đang bước vào thời kỳ mùa khô, cũng là thời gian chịu ảnh hưởng của gió chướng (GC). Từ lâu, loại gió này quá quen thuộc với người dân trong vùng, nhất là ở vùng ven biển. Ngoài gây trở ngại, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, gần đây dân đồng bằng đã biết tận dụng, biến GC thành nguồn tài nguyên hữu ích cho phát triển kinh tế.
 
Trở ngại của gió chướng 
 
GC thổi từ hướng Đông Bắc, mang theo hơi lạnh từ Bắc bán cầu. Theo các tài liệu nghiên cứu trong nước, hàng năm, GC thường thổi trong giai đoạn mùa đông và xuân, thịnh hành từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; đồng thời là những cơn gió mạnh, gây nguy hiểm, thiệt hại đến nhà cửa, cây cối, vật nuôi và đồ vật xung quanh.
 
Ngoài ra, GC còn mang theo hơi lạnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm khó khăn cho công việc ngoài trời và thậm chí gây gián đoạn giao thông; làm giảm nhiệt độ của nước biển, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài cá, tôm.
 
Ở Nam Bộ, tác động lớn nhất của GC là làm mực nước sông, rạch dâng cao, gia tăng triều cường, xâm nhập mặn, trong đó bị ảnh hưởng trực tiếp là sông Tiền, sông Hậu. Bởi vì trong thời kỳ GC phát triển mạnh thì trên thượng lưu sông Mekong là vào thời kỳ kiệt nhất, nguồn nước ngọt chảy về hạ lưu rất ít, cùng với hướng gió thổi ngược dòng sông và thổi thẳng góc với mặt cắt ngang của các cửa sông, từ đó mang theo nước mặn từ biển vào nội vùng.
 
Nếu có thủy triều lên, nước mặn được đẩy dồn vào nội vùng sâu hơn, tác động tiêu cực đến nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, nuôi thủy sản nước ngọt, đất đai trong vùng.
 
Những năm gần đây, ở vùng ĐBSCL xuất hiện những kỳ hạn hán, xâm nhập mặn “lịch sử” là vào mùa khô năm 2015-2016, năm 2019-2020 gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh, thành đồng bằng, trong đó có một phần đóng góp quan trọng của GC hoạt động mạnh, kéo dài.
 
Gần đây nhất là vào đầu năm 2022, với tác động mạnh của GC, triều cường bất thường dâng cao vào ngày 25/1/2023 (mùng 4 Tết Quý Mão), với đỉnh triều tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) đạt l,95m, cao hơn cùng thời kỳ năm trước 0,65m, trên báo động lũ cấp III là 0,15m, chỉ thấp hơn so triều cường lịch sử năm 2022 là 0,32m.
 
Đây là đỉnh triều cao nhất cùng thời kỳ tháng 1 trong vòng 50 năm qua. Hiện tượng này gây ngập những vùng ven sông, nơi không có bờ bao vững chắc, các tuyến đường giao thông, đê bao có cao trình thấp, nhất là tại các đô thị, nhưng thiệt hại không lớn.
 
Tuy nhiên, không phải GC làm xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng ở mọi lúc. Các nghiên cứu trong nước về tương quan giữa GC với xâm nhập mặn cho thấy, sức gió ảnh hưởng đến xâm nhập mặn khi cấp gió trên 5-6 m/s; gió cấp 5, cấp 6 trở lên thì độ mặn sẽ rất cao. Thông thường, GC thổi từng đợt, mỗi đợt kéo dài từ 2-10 ngày, trong đó các vùng ven biển, cửa sông là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
 
Theo các chuyên gia, do các tác động tiêu cực của GC đến đất, cây trồng và nguồn nước trong khu vực, người dân cần lưu ý về tác động này và tìm cách bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, như: trồng cây, nuôi thủy sản chịu mặn; đào ao, hồ,nạo vét kênh, mương để trữ nước ngọt và dẫn nước mặn ra khỏi khu vực sản xuất...
 
Khai thác tiềm năng, nguồn lợi từ gió chướng
 
Tuy gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nhưng GC còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Gió thổi từ vùng biển mang theo các chất dinh dưỡng từ đại dương vào ngư trường. Điều này có thể cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho các loài sinh vật biển, ủng hộ sự sinh trưởng và phát triển của chúng, rất quan trọng để bảo vệ ngư trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.
 
Những năm gần đây, Nhà nước và các tổ chức kinh tế trong nước đã khai thác GC để phát điện từ các nhà máy điện gió. Theo các chuyên gia, để làm cho các tuabin gió quay có thể phát ra điện gió thì tốc độ gió phải từ 8 dặm/giờ trở lên (tương đương 3,576 m/s), điều kiện này thì GC ở các vùng ven biển của nước ta (trong đó có Nam Bộ) đều đáp ứng. 
 
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, tốc độ GC vùng ven biển Nam Bộ đạt khoảng 6-7 m/s, lúc mạnh có thể lên tới 11-17 m/s và thời gian hoạt động gần 5 tháng. Đầu mùa, GC chỉ chiếm từ 20-30% trong toàn bộ những ngày có gió, nhưng tỷ lệ này tăng dần và đến tháng 2 thì tỷ lệ GC chiếm tới trên 73%.
 
Thực tế, theo các số liệu quan trắc được từ 2016-2022 cho thấy, vận tốc gió đạt từ 6-7 m/s chiếm trên 30%, gió cấp 8-9 đạt trên 35%, đặc biệt gió cấp trên 11 m/s đạt trên 20%. 
 
Xác định được tiềm năng, lợi ích của GC nói riêng, điện gió nói chung cùng với điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm khuyến khích và phát triển các nguồn điện tái tạo phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. 
 
Trên cơ sở đó, gần đây có nhiều dự án điện gió ở các tỉnh ven Biển Đông vùng Nam Bộ đã được đề xuất đầu tư, triển khai xây dựng, như: Dự án Nhà máy điện gió Trà Vinh giai đoạn 1 tại xã Trường Long Hòa (TX Duyên Hải) có công suất 48MW, gồm 24 tua bin; Dự án Nhà máy điện gió Cà Mau giai đoạn 1 tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có tổng công suất lắp đặt 100MW; Nhà máy Điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có 62 tua bin gió có tổng công suất 99,2MW…
 
Đối với các nhà máy điện gió ven biển vùng ĐBSCL, mùa GC hàng năm là giai đoạn khai thác hiệu quả nhất, đạt năng suất cao nhất, khi có GC thổi mạnh.
 
Bản đồ xâm nhập mặn ở Vĩnh Long và ĐBSCL.
Bản đồ xâm nhập mặn ở Vĩnh Long và ĐBSCL.
Ở Vĩnh Long, những năm qua, một số hộ đã tự sản xuất, lắp đặt các tua bin gió phát điện có công suất nhỏ vài kW để thắp sáng, chạy các thiết bị gia đình trong thời gian ngắn khoảng 5-6 giờ. Một số gia đình còn kết hợp điện gió, điện mặt trời tạo ra dòng điện thay thế điện lưới, sử dụng cả ngày lẫn đêm.
 
GC là hiện tượng khí hậu tự nhiên, không chỉ gây khó khăn, thiệt hại cho vùng ĐBSCL, nếu biết khai thác, biến nó thành nguồn tài nguyên hữu ích sẽ mang lại lợi ích, góp phần phát triển kinh tế vùng.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh