Khơi thông nguồn lực tăng trưởng

Cập nhật, 04:55, Thứ Bảy, 20/05/2023 (GMT+7)
Vĩnh Long thuận lợi kết nối giao thông thủy, bộ và đường hàng không.
Vĩnh Long thuận lợi kết nối giao thông thủy, bộ và đường hàng không.

(VLO) Tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm khơi thông nguồn lực, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng.

Kinh tế- xã hội đạt kết quả tích cực

Năm 2022, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết 4 tháng đầu năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm tương ứng 0,5-1 %/năm; thu ngân sách vượt tiến độ dự toán được giao và tăng khá so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.273 tỷ đồng, tăng 13,59%. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 4.942,756 tỷ đồng, thực hiện và giải ngân đến 30/4/2023 là 600,589 tỷ đồng, đạt 12,15% kế hoạch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị số 03 ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đạt một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm; tỷ lệ nợ xấu tăng cao so cùng kỳ; triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, giải ngân đạt thấp so yêu cầu.

Ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận các cơ chế, chính sách mới; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh, hỗ trợ nhanh, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, DN. Cùng với đó, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế, khoản vay đối với DN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, cho biết, từ năm 2021 đến nay, các DN gặp nhiều khó khăn trong thu mua, tạm trữ, chế biến.

Đặc biệt vào những lúc siết chặt tín dụng, lãi suất biến động ở mức cao. “Mua tạm trữ khi lãi suất cao thì chi phí đội lên rất cao nên DN rất đắn đo.

Tuy nhiên, trong mùa vụ nếu không mua dự trữ thì sẽ bị mất thị phần, thị trường. Còn mua vô rồi bán liền vì “tâm lý lãi suất cao” thì dễ bị ép giá, dẫn đến không có lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, lãi suất cao cũng khiến các DN lúa gạo, thủy sản gặp khó trong việc đầu tư mới các nhà máy, máy móc thiết bị; mở rộng kinh doanh. Do đó, DN kiến nghị nghiên cứu giảm lãi suất”, ông Nguyễn Văn Thành nói.

Ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, kiến nghị: “Cần có cơ chế hỗ trợ để nông dân dễ tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất, để DN chúng tôi đỡ đầu tư vốn trực tiếp cho nông dân như thời gian qua”.

Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng

Thống đốc NHNN- Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh mặc dù đã cải thiện song còn tương đối nhỏ (giá trị tuyệt đối GDP quý I/2023 đạt 18.200 tỷ đồng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm. Các tiềm năng, thế mạnh và dư địa phát triển của tỉnh chưa được khai thác, phát huy tối đa.

Thống đốc NHNN nhấn mạnh, Vĩnh Long có vị trí địa- chiến lược quan trọng của vùng, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có điều kiện thuận lợi kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt trong tương lai để trở thành trung tâm trung chuyển, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và các vùng kinh tế khác của cả nước.

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất- kinh doanh.
Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất- kinh doanh.

Trước mắt, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là 8%, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm khơi thông nguồn lực, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Qua đó, thúc đẩy xuất khẩu và có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm phụ thuộc vào cầu nước ngoài. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư.

Thống đốc NHNN cho rằng, tỉnh cần phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng tập trung phát triển công nghiệp tạo động lực và nhu cầu phát triển dịch vụ, đô thị và kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng...

Về các kiến nghị liên quan đến lãi suất, tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình kinh tế, nếu điều kiện thuận lợi cho phép sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Đồng thời, kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, hỗ trợ DN, người dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- Nguyễn Thị Hồng

Tiềm năng, lợi thế quan trọng của tỉnh Vĩnh Long là vùng đất học, địa linh nhân kiệt, có nhiều truyền thống văn hóa với nhiều vị anh hùng, danh nhân của quê hương, đất nước và nhiều văn hóa vật thể, phi vật thể đáng là niềm tự hào của người dân Vĩnh Long. Bản sắc văn hóa và con người Vĩnh Long là tài sản quý nhất, cần được khơi dậy và phát huy.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN