Huyện nông thôn mới Bình Tân từng ngày đổi mới

05:11, 16/11/2022

Từ vùng đất còn nhiều khó khăn, huyện Bình Tân xây dựng NTM trong điều kiện của huyện nông nghiệp có điểm xuất phát thấp về kinh tế cũng như nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, vai trò, vị trí và tiềm lực...

Tuyến đường An Thới- An Thạnh hôm nay.
Tuyến đường An Thới- An Thạnh hôm nay.

(VLO) Từ vùng đất còn nhiều khó khăn, huyện Bình Tân xây dựng NTM trong điều kiện của huyện nông nghiệp có điểm xuất phát thấp về kinh tế cũng như nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, vai trò, vị trí và tiềm lực...

Song với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân đã đưa huyện Bình Tân về đích huyện NTM với sự đổi thay lớn về diện mạo cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển

Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Tập: Trong xây dựng NTM, công tác huy động sức dân nhận được sự đồng tình cao. Giai đoạn 2011 - 2021, người dân đã hiến 320.520m2 đất, góp hơn 4.876 ngày công lao động.

Với vị trí nằm dọc theo tuyến sông Hậu, trước đây vào mùa lũ, nhiều cánh đồng ở huyện Bình Tân nước ngập lênh láng, cắt đứt mọi giao thông, đi lại.

Các cụ cao niên vẫn còn nhớ rất rõ tuyến QL54 từ xã Tân Quới (nay là TT Tân Quới) vô tới xã Tân Lược thì cỏ ống mọc đầy, đường mòn có khi xe 2 bánh cũng không chạy được, chỉ có thể đi bằng đò…

Đó là một phần bức tranh nông thôn đầy khó khăn của huyện Bình Tân khi chưa xây dựng NTM.

Thông qua tiến trình xây dựng NTM, huyện Bình Tân đã vươn mình đổi mới.

Từ nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và người dân đóng góp đã đầu tư nạo vét, xây 488 lượt công trình thủy lợi với tổng kinh phí gần 349 tỷ đồng.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp tạo sự đồng bộ, phục vụ tốt cho công tác chống hạn, ngăn triều, góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà.

Trên lĩnh vực giao thông, 9/9 xã đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 107 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 245,5km; xây mới 35 cầu giao thông nông thôn dài 1.050m.

Những con đường đất lỏm chỏm, sình lầy ngày nào dần được đan hóa, láng nhựa, ven theo các tuyến đường là những hàng cây xanh, bông hoa rực rỡ tạo nên diện mạo tươi mới.

Cùng với đó, hệ thống đèn đường chiếu sáng kết hợp cột cờ được đầu tư khắp nẻo đường; các tuyến đường, ngõ ngách có gắn camera an ninh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Diện mạo nông thôn Bình Tân đang đổi thay từng ngày.
Diện mạo nông thôn Bình Tân đang đổi thay từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, giao thông là một trong những tiêu chí hạ tầng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Giao thông thuận lợi không chỉ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, mà còn buôn bán nông sản có giá hơn do không tốn phí vận chuyển từ đường nhỏ ra lộ lớn, nông sản thu hoạch xong là chất liền lên xe tải đem đi tiêu thụ…

Hệ thống trường lớp được đầu tư đạt chuẩn với khuôn viên sạch đẹp, phòng học xây cao 2 - 3 tầng với đầy đủ thiết bị phục vụ tốt cho việc dạy và học... Trong tổng số 38 trường công lập từ mầm non đến THPT thì có 22 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 90,9% so năm 2011.

“Ở nông thôn được vậy là niềm mơ ước của bà con”- ông Nguyễn Văn Tập nhận định và cho rằng: “Những năm qua chất lượng dạy học được nâng lên, học sinh học tập ngày càng có tiến bộ hơn, các em có kỹ năng giao tiếp tốt và tự tin hơn”.

Khơi sức dân, đổi mới nông thôn

Ông Nguyễn Văn Tập cũng cho biết: Qua thời gian xây dựng NTM, công tác huy động sức dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được sự đồng tình. Giai đoạn 2011 - 2021, người dân đã hiến 320.520m2 đất, góp hơn 4.876 ngày công lao động tham gia làm đường, thủy lợi, nước sạch, trồng hoa...

Trong số những hộ hiến nhiều đất có ông Cao Văn Chọn - ấp Tân Mỹ (xã Tân Thành) hiến trên 1.824m2 đất để xây đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Lộc - ấp Kinh Mới (xã Mỹ Thuận) hiến 1.250m2 đất xây khuôn viên Trường Tiểu học Mỹ Thuận B; ông Phạm Thanh Phong - ấp An Thành (xã Tân An Thạnh) hiến 1.200m2 đất để xây Trường Tiểu học Tân An Thạnh B…

“Tôi thấy các cháu đi học xa quá, nên khi địa phương vận động là gia đình tôi đồng ý hiến ngay; xã, huyện đạt chuẩn NTM thì đời sống người dân cũng được tốt hơn” - ông Phạm Thanh Phong nói và cho biết: “Trước đây tui ra riêng chỉ có cái nền nhà, phần đất này do tui mần “cắc củm” mới mua được.

Thời xưa tui đi học rất vất vả, nên nay dù không dư dả nhiều nhưng tôi và vợ con đều thống nhất cống hiến cho quê hương, để cho đời con cháu mình có điều kiện học tập tốt hơn”.

Ông Phong đã hiến 1.200m2 đất xây Trường Tiểu học Tân An Thạnh B.
Ông Phong đã hiến 1.200m2 đất xây Trường Tiểu học Tân An Thạnh B.

Trong việc hiến đất làm đường phải kể đến những điển hình như anh Nguyễn Ngọc Thĩnh - ấp An Thới (xã Tân An Thạnh) không chỉ hiến 600m2 đất, đốn bỏ 30 gốc mận An Phước, mà còn hùn hơn 337 triệu đồng để hộ phía trước đồng ý giao đất cho Nhà nước đầu tư xây đường.

Trong tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM gần 12.203 tỷ đồng, bên cạnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện Bình Tân đã huy động vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp gần 331 tỷ đồng, vốn lồng ghép để thực hiện chương trình 156,7 tỷ đồng, cùng với đó là vốn tín dụng gần 9.822 tỷ đồng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, xây nhà ở…

“Làm được con lộ An Thới - An Phước bà con mừng dữ lắm vì chỗ này trước đây không có đường đi, muốn đi phải đi đường vòng hoặc bơi xuồng, việc vận chuyển nông sản, học hành khá vất vả… nên thấy việc gì có lợi cho địa phương mình thì đóng góp” - anh Thĩnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Tập, việc hiến đất là nghĩa cử rất cao đẹp, nhưng không dừng lại ở đó, nhiều hộ còn sẵn lòng góp thêm tiền của đến hàng trăm triệu đồng với mong muốn cống hiến cho quê hương.

Vì thế, quyết tâm của huyện là cố gắng duy trì và giữ vững huyện đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các thương hiệu sẵn có tại địa phương như mận An Phước, hành lá, khoai lang… để xuất khẩu, hoặc tối thiểu là vào các siêu thị, đảm bảo sản xuất theo hướng an toàn.

Trong đó, “quy trình sản xuất phải sạch và chất lượng tăng thì thu nhập sẽ tăng” - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân Nguyễn Văn Tập nói.

Huyện Bình Tân có 9/9 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 3 xã NTM nâng cao; TT Tân Quới đạt chuẩn văn minh đô thị; 70/70 ấp được công nhận ấp văn hóa 5 năm liên tục; hơn 95% hộ đạt gia đình văn hóa; hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới, tiêu chủ động 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng 17% so năm 2011; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,8%, tăng 51,7%...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh