"Dân vận khéo" - tiền đề đưa Bình Tân về đích huyện nông thôn mới

12:11, 16/11/2022

Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Bình Tân luôn đẩy mạnh cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Theo đó, nội dung về "Dân vận khéo" gắn với xây dựng NTM có vai trò đặc biệt quan trọng, là tiền đề để địa phương hoàn thành chỉ tiêu xây dựng huyện NTM.

 

NTM huyện Bình Tân ngày càng khởi sắc.
NTM huyện Bình Tân ngày càng khởi sắc.

(VLO) Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Bình Tân luôn đẩy mạnh cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Theo đó, nội dung về “Dân vận khéo” gắn với xây dựng NTM có vai trò đặc biệt quan trọng, là tiền đề để địa phương hoàn thành chỉ tiêu xây dựng huyện NTM.

Khéo léo vận động ở cơ sở

Có thể thấy, trong các văn bản từ Trung ương đến địa phương ban hành về xây dựng NTM, luôn khẳng định vai trò của công tác tuyên truyền, vận động. Vì mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng đến được với dân thì dân phải thông suốt mới thực hiện dễ dàng.

Trong xây dựng NTM cũng vậy, muốn tạo được sự đồng thuận cao để người dân chung tay tham gia cùng Đảng và Nhà nước thực hiện các tiêu chí, thì cả hệ thống chính trị phải tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền lồng ghép, qua các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng... làm sao để dân hiểu, dân tin, dân làm theo.

Có vậy mới tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động mọi nguồn lực trong xã hội chung tay xây dựng NTM.

Mặc dù xã Tân Hưng có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 2/19 tiêu chí, nhưng nhờ phát huy được tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nên người dân rất tin tưởng vào chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước.

Nhờ đó, khi địa phương phát động các phong trào đều được người dân đồng tình, hưởng ứng rất cao. Dễ thấy nhất chính là ngoài việc hiến đất làm đường thì người dân còn đóng góp hàng ngàn ngày công để xây dựng cầu đường, giúp đi lại, giao thương được dễ dàng.

Ông Phạm Văn Bé Ba (ở ấp Hưng Lợi), tâm sự: “Khi triển khai xây dựng các công trình giao thông thì xã Tân Hưng luôn tổ chức họp dân để xin ý kiến, nên bà con rất đồng tình hiến đất, vật kiến trúc tạo mặt bằng thông thoáng để địa phương thực hiện.

Không những vậy, mỗi khi địa phương xây dựng cầu đường thì cán bộ, lãnh đạo của xã đều có mặt và cùng ăn, cùng làm với bà con nên ai nấy đều phấn khởi. Nhiều anh em thấy vậy, tranh thủ làm xong công việc gia đình để góp sức cùng địa phương - đây là điều mà người dân Tân Hưng
rất tâm đắc”.

Xã Tân Lược cũng có cách vận động dân rất hay để nâng cấp nhiều tuyến đường đan đã xuống cấp. Từ thực tế khó khăn trong việc đi lại hay nước ngập mỗi khi triều cường, chính quyền địa phương tổ chức họp dân để đưa ra phương án thực hiện.

Từ đó, người dân phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến lựa chọn phương án khả thi nhất. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, địa phương đã vận động nhân dân nâng cấp hoàn thành nhiều tuyến đường đan quan trọng, với tổng kinh phí đóng góp hàng tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Theo ông Nguyễn Văn Đúng- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Tân, trong những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” đã thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi địa phương có cách tuyên truyền, vận động khác nhau.

Cụ thể như: xã Tân Hưng huy động sức dân và nguồn lực xã hội hóa để xóa cầu tạm, cầu khỉ; xã Tân Lược với mô hình huy động nguồn lực trong đồng bào có đạo để xây dựng giao thông, hay huy động nguồn lực trong dân để nâng cấp đường nông thôn; xã Thành Trung ngoài vận động người dân hiến đất để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh còn vận động xây dựng các tuyến đường hoa, đèn đường, tạo cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp...

Có thể nói, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đa dạng về nội dung, phong phú, sáng tạo về hình thức.

Từ đó tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền đặc biệt là huy động sức mạnh từ các tầng lớp nhân dân là nhân tố cốt lõi để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM ở Bình Tân.

Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã hiến 320.520m2 đất làm đường, trường học, trạm y tế,... đóng góp hơn 4.876 ngày công lao động, ước kinh phí huy động từ cộng đồng dân cư và đơn vị tài trợ được gần 290 tỷ đồng.

Đến nay, 9/9 xã của huyện Bình Tân đều đạt chuẩn NTM; riêng 3 xã Thành Trung, Tân Bình và Tân Lược đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Bình Tân đạt chuẩn NTM.

Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp rất lớn từ sự chung tay của nhân dân về vật chất lẫn tinh thần. Qua đây, càng thấy rõ vai trò của “dân vận khéo” trong xây dựng NTM, đúng như lời Bác dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Ông Phạm Minh Hoàng - Bí thư Huyện ủy Bình Tân

Để đạt được kết quả huyện NTM như hôm nay, là quá trình phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung sức của toàn thể nhân dân trong huyện. Huyện xác định rõ, việc xây dựng NTM là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Đối tượng hưởng thụ chính là nhân dân, vì vậy rất cần sự chung sức, chung lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân không chỉ trong quá trình thực hiện hoàn thành các tiêu chí mà cả việc giữ vững, nâng chất các tiêu chí trong thời gian tới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.

Bài, ảnh: TRUNG THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh