Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 mở ra cơ hội thu hút và phát triển nhiều dự án ngày càng lớn và chất lượng hơn. Quy mô, cơ cấu nền kinh tế không ngừng được mở rộng, chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Vĩnh Long cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. |
(VLO) Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 mở ra cơ hội thu hút và phát triển nhiều dự án ngày càng lớn và chất lượng hơn. Quy mô, cơ cấu nền kinh tế không ngừng được mở rộng, chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Mở đường cho tư duy và hành động đột phá
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) định hướng chung: “Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ; (…) tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, bền vững gắn với phát triển văn hóa và tiến bộ công bằng xã hội”.
Kế thừa kỳ đại hội trước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra 3 đột phá chiến lược: phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; thu hút vốn đầu tư và 6 chương trình hành động.
Đảng bộ tỉnh cũng nhìn nhận: giai đoạn này, dư địa tăng trưởng không còn nhiều và để duy trì kinh tế phát triển, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, phấn đấu đến năm 2020 đưa Vĩnh Long đạt mức khá ở khu vực ĐBSCL, tỉnh đã xác định những lợi thế và định hướng phát triển rõ ràng.
Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả.
Thông điệp “vùng đất mở” đã được đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung (với vai trò Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy) gửi tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đồng chí Trần Văn Rón nhận định: “Với sự đổi mới trong tư duy, sự năng động, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tôi cho rằng hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực, thu hút hiệu quả các dự án đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương”.
Từ định hướng mở đường, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thu hút vốn đầu tư, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Quang- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh-cho biết: “Một trong những hành động của tỉnh là mạnh dạn bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân”.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành tích cực, sát sao, kinh tế- xã hội duy trì được sự phát triển. Từ năm 2016 đến tháng 10/2020, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 228 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư.
Riêng các khu công nghiệp, có 116 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu; đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 49 dự án với vốn đăng ký tương đương 14.515 tỷ đồng (chiếm 62,3% tổng vốn thu hút đầu tư).
Đã có 92 lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, tăng 2,4 lần so giai đoạn 2011- 2015. Qua đó, thu hút được 44 dự án, với tổng số vốn đăng ký 611,68 triệu USD, chiếm 52,38% tổng số dự án và 63,87% số vốn FDI từ trước đến nay.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện; chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2016- 2020 được xếp vào nhóm 10 tỉnh- thành đứng đầu cả nước.
Số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng với quy mô, ngành nghề đa dạng hơn. Ước giai đoạn này phát triển mới 1.683 doanh nghiệp với quy mô tăng gấp đôi giai đoạn trước, đạt 7,7 tỷ/doanh nghiệp. Đến tháng 11/2020, có 2.821 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 23.430 tỷ đồng.
Cùng bức tranh kinh tế sôi động, nhiều màu sắc đó, các dự án đầu tư nhanh chóng hoạt động ổn định, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
“Đến với Vĩnh Long là đến với “vùng đất mở”, các nhà đầu tư sẽ tìm được môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện”- đồng chí Trần Văn Rón cho rằng thông điệp đó đến từ sự đồng thuận, quyết tâm rất lớn của hệ thống chính trị và khẳng định- “Tôi xin nhấn mạnh rằng, Vĩnh Long cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững”.
Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long Thời gian qua, hàng loạt các chủ trương và chính sách ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tạo động lực cho khởi nghiệp. Hiệu ứng có thể thấy là hàng loạt cơ chế chính sách được điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp được thành lập, các bạn trẻ đã quan tâm và bắt đầu khởi nghiệp nhiều hơn. |
Theo đó, tỉnh đã xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền thân thiện, chuyên nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với công khai, minh bạch hóa thông tin.
Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Công ty CP May Vĩnh Tiến cho rằng: “Sự khác biệt của Vĩnh Long là bộ máy chuyên môn giúp việc cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất đồng bộ, làm việc chuyên nghiệp.
Điều đó cho thấy từ lãnh đạo cấp trên ban hành chủ trương, tạo cơ chế thuận lợi, đến người trực tiếp thực hiện, cấp dưới cũng vậy; không tạo thêm rào cản hay làm khó cho doanh nghiệp”.
Vĩnh Long còn hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ đội ngũ quản lý, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Sự đổi mới trong tư duy, sự năng động, trách nhiệm của các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, được ghi nhận rất tích cực.
Ông Jen YI Fan- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bo Hsing- nhận xét: “Công ty chúng tôi hoạt động từ năm 2009, sản xuất mặt hàng áo lông vũ hàng rotex.
Thị trường xuất khẩu ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, giao thông rất thuận tiện. Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, tư vấn giúp đỡ nhiệt tình. Các thủ tục, giấy tờ giải quyết rất nhanh gọn”.
Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết từ tháng 1/2019, công ty đã được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp.
Đây là điều kiện giúp sản phẩm gạo thương hiệu Phước Thành IV của Vĩnh Long mở rộng thị trường ngoài nước.
Hơn nữa, “trong lĩnh vực chế biến lương thực, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ về đất đai, thuế, lãi suất ưu đãi.
Đặc biệt, tỉnh còn tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ kết nối cung cầu… giúp sản phẩm của doanh nghiệp đi xa hơn và nhiều hơn”- ông nói, với việc tạo môi trường thuận lợi, Vĩnh Long đã góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển bền vững.
Kinh tế của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020 phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tuy nhiên lại chịu tác động sâu sắc bởi biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn này tăng bình quân 4,6%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 55.534 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng. |
Kỳ cuối: Tiến bước đến phát triển nhanh và bền vững
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin