Những trận mưa đầu mùa làm nguôi cơn khát mùa hạn- mặn nhưng một mối lo khác đang dần hiện hữu: sạt lở bờ sông. Việc đầu tư gia cố các công trình thủy lợi bảo vệ sản xuất, dân sinh tiếp nối sau những nỗ lực ứng phó với hạn- mặn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra công trình thủy lợi ứng phó sạt lở. |
(VLO) Những trận mưa đầu mùa làm nguôi cơn khát mùa hạn- mặn nhưng một mối lo khác đang dần hiện hữu: sạt lở bờ sông. Việc đầu tư gia cố các công trình thủy lợi bảo vệ sản xuất, dân sinh tiếp nối sau những nỗ lực ứng phó với hạn- mặn.
Hiện vào đầu mùa mưa, ngành chuyên môn cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông sẽ gia tăng do trong mùa khô, mực nước sông hạ thấp, bờ sông trở nên cao hơn so với mặt nước, khiến bờ sông nặng và dễ sụp hơn.
Xác định sạt lở có thể khả năng xảy ra vào đầu mùa mưa tới và nguy cơ này cần được cảnh báo sớm- theo chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, Ths. Nguyễn Hữu Thiện- trước mắt, người dân sống ven sông rạch và chính quyền địa phương cần tiên liệu rằng sạt lở có thể diễn ra dữ dội đầu mùa mưa.
Đặc biệt chú ý các địa điểm sông cong, nơi bờ sông cao, đất nhiều cát, mái dốc quá hẳm để theo dõi chặt chẽ, di dời sớm và chuẩn bị lực lượng ứng cứu.
Trường hợp sạt lở xảy ra chỉ còn cách ứng phó tình huống và so sánh, chọn lựa phương án cho từng vụ sạt lở cụ thể. Chọn biện pháp công trình hay phi công trình, điều quan trọng là xem có bảo vệ được phần chân bờ sông hay không.
Ở những nơi không thể bảo vệ thì chọn phương án rút lui, ưu tiên dùng kinh phí để tái định cư, ổn định đời sống sớm cho người dân.
Còn theo TS. Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để ứng phó, khắc phục sạt lở thì cần có cách xử lý riêng cho từng điểm sạt lở, tính toán rõ, sạt lở kiểu gì thì khắc phục kiểu đó, tránh tình trạng tư vấn thiết kế các công trình đê kè quá lớn gây lãng phí và không phát huy được hiệu quả.
Để ứng phó sạt lở, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phi công trình như việc tuyên truyền thông tin, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại và các giải pháp phòng tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch.
Nhiều vụ sạt lở thường xảy ra vào thời điểm đầu mùa mưa. |
Bên cạnh đó là tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, nhằm bố trí hợp lý các điểm dân cư, các công trình. Cùng đó là việc di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở, trồng cây chống xói lở bờ sông,...
Thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 5.000- 6.000m bờ sông, kinh, rạch. Cụ thể, trong năm 2019 đã có 203 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 6.273m bờ sông, kinh, rạch, ảnh hưởng 292 hộ dân, thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Năm 2020 có 225 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 6.404m bờ sông, kinh, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân, thiệt hại gần 11,5 tỷ đồng. |
Về giải pháp công trình, đến nay 20 tuyến kè chống sạt lở kiên cố dài 14.638m tập trung ở các đô thị trong tỉnh. Trong đó đáng kể nhất là tuyến kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên dài gần 12.000m.
Tỉnh đang triển khai thi công phân đoạn cuối cùng của công trình này (đoạn dài hơn 375m thuộc Phường 2- TP Vĩnh Long) và kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ (khu vực Phường 1- TP Vĩnh Long) dài khoảng 1.314m.
Bên cạnh đó, một số tuyến kè chống sạt lở đang chuẩn bị thực hiện như kè rạch Cái Cá- Cầu Lầu- Kinh Cụt dài 3.760m, kè chống sạt lở bờ sông Tiền (thượng du cầu Mỹ Thuận) dài khoảng 1.000m thuộc TP Vĩnh Long, kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít- khu vực 10B, thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn) dài hơn 500m, kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao An Bình đến phà An Bình dài gần 4.400m…
Việc xây dựng các công trình kè giúp tỉnh giải quyết dứt điểm hiện tượng sạt lở bờ sông ở những nơi nguy hiểm, tình trạng xây cất nhà lấn chiếm bờ, lòng sông kéo dài nhiều năm, ổn định tái định cư hàng trăm hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm về nơi ở mới, an toàn.
Ðể định hướng lâu dài cho công tác phòng chống sạt lở, vào đầu tháng 2 năm nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn thực hiện kế hoạch khoảng 8.120 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xử lý tại các khu vực sạt lở trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông.
Đến năm 2030, hoàn thành chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số khu vực phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông có diễn biến xói, bồi phức tạp và phấn đấu 90% hộ dân ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở được sắp xếp, di dời đến nơi an toàn.
Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện kế hoạch, bên cạnh cân đối từ vốn ngân sách nhà nước hàng năm, quỹ phòng chống thiên tai dành đầu tư thực hiện các công trình, dự án kè chống sạt lở, các dự án xây dựng cụm tuyến dân cư, hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở và từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sạt lở cũng như huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như nguồn tài trợ của các tổ chức kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư vào phòng chống, khắc phục tình trạng sạt lở tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, giai đoạn năm 2013- 2020, từ ngân sách của Trung ương và của địa phương bố trí hơn 8,7 tỷ đồng, tỉnh đã di dời, bố trí ổn định nơi ở cho 350 hộ vùng bị thiên tai ngập lụt, sạt lở bờ sông… Trong giai đoạn năm 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh có kế hoạch bố trí ổn định nơi ở cho 2.200 hộ vùng thiên tai, biến đổi khí hậu với tổng kinh phí thực hiện khoảng 115 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin