Câu chuyện cuối tuần

Để có hạt gạo ngon

Cập nhật, 09:01, Thứ Bảy, 14/12/2019 (GMT+7)

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn ở Vĩnh Long chia sẻ với nhà báo mấy tuần nay, ông khẩn trương chuẩn bị thiết kế, trang trí gian hàng tham dự Festival Lúa gạo lần thứ IV thật ấn tượng, mang bản sắc riêng của miền sông nước.

Đặc biệt, khách hàng đến tham quan gian hàng không chỉ được “nhìn gạo” mà còn được “ăn cơm”- nếm thử mùi vị các loại gạo ngon thương hiệu của doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp bảo rằng, hơn bao giờ hết, gạo Việt Nam đang được thị trường trong và ngoài nước chú ý rất nhiều. Bởi từ giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” của gạo ST25 đã mang lại những hiệu ứng tích cực, mở đường cho gạo Việt Nam chinh phục thị trường bằng chính thương hiệu của mình.

Thật sự, cả doanh nghiệp lúa gạo và nông dân đồng bằng đón nhận tin Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới trong một niềm vui khôn tả. Không chỉ mừng cho nhóm tác giả đặt hết tâm huyết của mình làm nên cây lúa cho hạt gạo ngon, mà còn mừng vì chất lượng gạo sẽ được quan tâm, chú trọng hơn trong thời gian tới.

Gạo là thức ăn chính của người Việt Nam. Hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu dùng gạo ngon, gạo thơm, thế nên hàng loạt tên gạo mới ra đời, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng trong bức tranh đa dạng đó, nhiều người tiêu dùng cho rằng mình khá lúng túng trong chọn lựa.

Lại có khi, cùng một loại gạo mua ở cùng cửa hàng, nhưng đợt này mua nấu cơm ăn thơm ngon, đợt sau mua nấu cơm ăn lại khác! Hỏi tại sao, người bán cũng mù mờ không rõ loại gạo đó có chất lượng ra sao, xuất xứ từ đâu. Thế nên, từ khi có tin gạo ST25 được công nhận ngon nhất thế giới, người tiêu dùng ùn ùn tìm mua...

Kỹ sư Hồ Quang Cua và các đồng sự trong nhóm nghiên cứu ra giống ST24, ST25 cũng đau đáu nỗi lo về quản lý giống và chống hàng giả. Việt Nam chỉ có thể xây dựng thương hiệu gạo khi nào kiểm soát được chất lượng hạt giống.

Có thể nói, trách nhiệm nặng nề của danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới” đã đặt ra nhiều vấn đề cốt lõi, thay đổi tư duy và chủ trương trong sản xuất lúa gạo và thay đổi cả cách điều hành để có được sản phẩm bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn. Khi ấy, nông dân miền Tây mới thật sự tự tin, tự hào được “mạnh vì gạo” và làm giàu từ lúa gạo!

TRẦN PHƯỚC