Báo động tình trạng sạt lở bờ sông Tiền

10:11, 14/11/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, bờ sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp xảy ra sạt lở tại 12 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố: huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Sạt lở bờ sông làm chết 1 người, chiều dài sạt lở 15,8 km, diện tích sạt lở 2,25 ha.

Từ đầu năm 2019 đến nay, bờ sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp xảy ra sạt lở tại 12 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố: huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Sạt lở bờ sông làm chết 1 người, chiều dài sạt lở 15,8 km, diện tích sạt lở 2,25 ha.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ sông Tiền, thuộc khóm Sở Thượng, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ sông Tiền, thuộc khóm Sở Thượng, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Ông Lê Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài việc sạt lở bờ sông Tiền, gần đây, tình trạng sạt lở ở một số sông, kênh rạch nội đồng xảy ra nhiều hơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Thanh Bình và Lai Vung với tổng chiều dài sạt lở hơn 3.000 mét, diện tích sạt lở hơn 8.000 m2; sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp 35 hộ dân, hiện 24 hộ dân đã di dời đến nơi ở an toàn, ước thiệt hại do sạt lở gây ra hơn 3 tỉ đồng.

Theo ông Lê Văn Hùng, nguyên nhân sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như: Xây dựng các công trình trái phép; neo đậu bè cá và nuôi thủy sản... Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình sạt lở.

Đặc biệt, sạt lở trong các sông, kênh, rạch nội đồng do người dân xây dựng nhà sát bờ sông, kênh, rạch; công trình giao thông nông thôn nằm ngay sát bờ sông, phương tiện giao thông bộ chưa quản lý tải trọng cho phép, phương tiện giao thông thủy chạy với tốc độ cao dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ...

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và phòng chống sạt lở bờ sông, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ hỗ trợ 295 tỉ đồng xử lý sạt lở bờ sông khu vực phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự và xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, chiều dài hơn 2 km. Tỉnh đã vận động di dời 66 hộ vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, UBND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở bờ sông Nha Mân, đoạn từ Cầu Lò Heo đến Đình Tân Nhuận Đông, thuộc khu vực xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, chiều dài sạt lở 200 mét và tình trạng sạt lở bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, đoạn Vàm Phong Mỹ - cầu Phong Mỹ, thuộc huyện Cao Lãnh.

Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh