Báo động tình trạng sạt lở ở ĐBSCL

08:01, 02/01/2019

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở ở khu vực ĐBSCL diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội tại khu vực này.

 

 Nhiều địa phương phía Nam tập trung đầu tư kè chống sạt lở khu vực ven bờ biển đảm bảo an toàn cho cư dân (Ảnh: K.V)
Nhiều địa phương phía Nam tập trung đầu tư kè chống sạt lở khu vực ven bờ biển đảm bảo an toàn cho cư dân (Ảnh: K.V)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở ở khu vực ĐBSCL diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội tại khu vực này.

Cụ thể, tại ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786km. Riêng sạt lở bờ sông là 513 điểm, chiều dài 520km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm 55 điểm, chiều dài 173km, bờ biển sạt lở nguy hiểm 20 điểm, chiều dài 98km. Tình trạng sạt lở đã làm suy thoái rừng ngập mặn tương đối lớn, những năm gần đây diện tích rừng ngập mặn giảm 10%, tương đương với trên 28.378ha.

Các địa phương có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm như tỉnh Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ…, trong đó, tỉnh Cà Mau có 37 điểm có nguy cơ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 30km; sạt lở bờ biển Tây và biển Đông chiều dài trên 20km. Đây cũng là địa phương chịu tác động nhiều bởi tình trạng sạt lở. Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra trên 110 vụ sạt lở, với chiều dài trên 3,5km, sụp đổ 136 căn nhà, ước thiệt hại trên 8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình trạng trên, các địa phương đã phân công cán bộ quản lý địa bàn, theo dõi để nắm bắt tình hình, thông tin nhanh và báo cáo kịp thời để địa phương tập trung khắc phục nếu sự cố xấu xảy ra.

Tại TP.Cần Thơ, trong năm 2018, trên địa bàn cũng đã xảy ra 16 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn bị sụp một phần, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 586 m, ước tổng thiệt hại trên 33 tỷ đồng…

Để tháo gỡ thực trạng nói trên, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế, ứng phó với biến đổi khu vực này. Để các chương trình, dự án đang được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long phát huy tốt hiệu quả, các chuyên gia về kinh tế, thủy văn cũng đã kiến nghị Chính phủ cần thực hiện quy hoạch không gian lãnh thổ dựa trên đặc thù, hiện trạng tài nguyên đất, nước và tác động của tình hình biến đổi khí hậu để có cơ sở phân vùng tự nhiên. Từ đó sẽ định hình rõ phương thức, mức độ đầu tư như thế nào và phát triển kinh tế ngành, định hướng phát triển đô thị cho phù hợp.

Cùng với những ý kiến kiến nghị của các địa phương trong vùng, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước thách thức của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, tỉnh Đồng Tháp rất mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm cảnh báo sớm để các địa phương chủ động ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại.

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông về việc ban hành văn bản giữ nguyên 227 nghìn ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Đồng thời bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện; có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài từ 50 đến 70 năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập./.

Theo K.V (Đảng Cộng sản Việt Nam)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh