Nằm giữa ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý với các tỉnh khu vực. Với khát vọng vươn lên, xây dựng diện mạo mới để kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo lợi thế riêng thu hút đầu tư.
Nằm giữa ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý với các tỉnh khu vực. Với khát vọng vươn lên, xây dựng diện mạo mới để kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo lợi thế riêng thu hút đầu tư.
Vĩnh Long rất quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển doanh nghiệp |
Vị trí số 6 bảng xếp hạng PCI 2017- lợi thế từ quyết tâm cải cách
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố ngày 22/3/2018, Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 6, trong nhóm “Tốt”.
Duy trì được thứ hạng cao (hạng 6/63) là sự quyết tâm mạnh mẽ trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long cùng sự ghi điểm hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Những năm qua, Vĩnh Long rất quan tâm cải thiện PCI, coi đây là thước đo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, nỗ lực cải cách hành chính, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương.
Thực tế cho thấy, Vĩnh Long đã từng tuột hạng PCI thấp nhưng đã kịp thời đề ra hàng loạt giải pháp quyết liệt, chương trình hành động cụ thể.
Chẳng hạn, năm 2015, PCI của Vĩnh Long đứng vị trí 19, thứ hạng khá hơn so với năm 2014, nhưng tỉnh vẫn quyết tâm cải thiện chỉ số này tốt hơn nữa.
Việc phân tích chỉ số PCI, tìm ra nguyên nhân yếu kém để tạo lợi thế riêng cho Vĩnh Long trong cải thiện môi trường kinh doanh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, đã được nghiêm túc thực hiện.
Vị trí thuận lợi đường bộ, đường hàng không và đường sông, đã tạo lợi thế thu hút đầu tư cho Vĩnh Long |
Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: “Muốn nâng chỉ số PCI, phải đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp”.
Tinh thần chỉ đạo quyết liệt đổi mới trong quản lý điều hành “đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển” và sự quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đã tạo nên sự bứt phá.
Với những nỗ lực đó, năm 2016, Vĩnh Long vượt lên vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2015 và vượt lên đứng thứ 2 trong 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL, thuộc nhóm “Rất tốt” của cả nước.
Để tiếp tục cải thiện PCI của tỉnh trong năm 2017 và những năm sau cả về điểm số và thứ hạng của tất cả các chỉ số thành phần, tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao PCI của tỉnh, đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), thành lập ban thành lập BCĐ cải cách hành chính tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này.
Với vị trí thứ 6, kết quả PCI năm 2017 cho thấy Vĩnh Long vẫn giữ được “phong độ” trước sự bức phá mạnh mẽ của các tỉnh khu vực ĐBSCL và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Quang khẳng định: “Với sự đổi mới trong tư duy, sự năng động, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Vĩnh Long luôn tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần và khu vực kinh tế.
Vĩnh Long quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro nhất cho các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án”.
Có thể thấy, một trong những hành động của tỉnh là mạnh dạn bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Từ năm 2011, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 và xác định: đây là 1 trong 2 khâu đột phá của tỉnh, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước giữ vai trò quyết định; góp phần trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Vĩnh Long là nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đến năm 2015 lên 55% và đạt 75% vào năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 35% năm 2015 và đạt 50% vào năm 2020. |
Tạo lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với các giải pháp cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, Vĩnh Long rất chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ.
Phát triển kinh tế tư nhân góp phần nâng cao năng suất lao động, là động lực quan trọng để huy động vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 30% tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh.
Vĩnh Long hiện có 2.576 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 16.170 tỷ đồng và 44.564 hộ kinh doanh. Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Vĩnh Long đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến- cho rằng: “Tỉnh Vĩnh Long luôn hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo đội ngũ quản lý. Các khóa đào tạo từ đơn giản đến cấp cao, như các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng đến các khóa đào tạo CEO, CFO… đều có trong chương trình hỗ trợ đào tạo tại Vĩnh Long.
Người lao động không cần phải đi TP Cần Thơ hay TP Hồ Chí Minh để học, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí và vừa đi học vẫn có thể đảm bảo được công việc tại doanh nghiệp”.
Vĩnh Long có nguồn lao động dồi dào và đến năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt trên 42%. |
Bên cạnh, Vĩnh Long được xem là “đất học” với lực lượng lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao và cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL (chỉ sau TP Cần Thơ), với 3 trường ĐH, 5 trường CĐ, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp và 17 cơ sở đào tạo nghề… Điều này đã tạo thêm lợi thế nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cung ứng, đào tạo lao động cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV- cho biết: “Doanh nghiệp tôi luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động, theo tôi nguồn nhân lực ở Vĩnh Long không thua kém trình độ các tỉnh- thành khác.
Vĩnh Long còn nằm cạnh TP Cần Thơ- trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực, nên nhà đầu tư không thiếu lao động phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp”.
Theo Nghị quyết 97 của HĐND tỉnh mới ban hành, quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với từng dự án, theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực như: giám đốc điều hành (CEO), giám đốc kinh doanh (SMD), giám đốc tài chính (CFO), giám đốc nhân sự (CPO), giám đốc sản xuất... và các khóa tập huấn, các lớp đào tạo tập trung ngắn hạn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 80% kinh phí/học viên. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin