Ấn tượng nông thôn mới TX Bình Minh

07:03, 23/03/2018

Sự thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn mới (NTM) là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên, điều để lại ấn tượng lớn nhất với chúng tôi, đó là sự phát triển trên nhiều mặt của vùng có đông đồng bào Khmer như: ấp Phù Ly 1, Phù Ly 2 (xã Đông Bình), ấp Hóa Thành (xã Đông Thành)

 

Cây cầu mới giúp các em nhỏ đi học dễ dàng. Ảnh: VINH HIỂN
Cây cầu mới giúp các em nhỏ đi học dễ dàng. Ảnh: VINH HIỂN

 

ự thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn mới (NTM) là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên, điều để lại ấn tượng lớn nhất với chúng tôi, đó là sự phát triển trên nhiều mặt của vùng có đông đồng bào Khmer như: ấp Phù Ly 1, Phù Ly 2 (xã Đông Bình), ấp Hóa Thành (xã Đông Thành).

Đặc biệt, là dấu ấn của xã Đông Thạnh đã mở đầu cho chương trình xây dựng NTM ở Bình Minh.

“Mở mũi” nông thôn mới

Chúng tôi còn nhớ ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010- 2015, nguyên Bí thư Thị ủy Bình Minh- Nguyễn Thành Phan, đã nêu rõ quyết tâm của Đảng bộ với 2 nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng đô thị Cái Vồn, đưa Bình Minh lên thị xã vào năm 2012 và hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM Đông Thạnh vào cuối năm 2015. Nhưng sớm hơn kế hoạch, Đông Thạnh được công nhận xã NTM ngay trong năm 2014.

Nhớ lại thời kỳ đầu xây dựng NTM quả thật có quá nhiều khó khăn, mà lớn nhất là vấn đề nhận thức về NTM ở cán bộ cơ sở cũng như người dân đôi khi còn chưa rõ.

Do đó, công tác chỉ đạo, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng, để có thể khơi dậy sức dân cống hiến công sức, của cải. Do đó, Huyện ủy Bình Minh đã cử một đồng chí trong Ban Thường vụ là đồng chí Lê Văn Xứ về làm Bí thư xã Đông Thạnh, để trực tiếp chỉ đạo.

Trường mẫu giáo khang trang ở ấp vùng sâu Hóa Thành (xã Đông Thạnh)
Trường mẫu giáo khang trang ở ấp vùng sâu Hóa Thành (xã Đông Thạnh)

Có năng lực, bản lĩnh, lại xuất thân từ quê hương Đông Thạnh- đây là những lợi thế lớn đối với Bí thư xã- Lê Văn Xứ, nên ngay từ đầu phong trào đã được đẩy mạnh, tạo khí thế sôi nổi trên địa bàn.

Nhớ lần về thăm công trình đào kinh ở đập Cống Miễu (ấp Đông Thạnh C) hồi năm 2010, giữa trưa hè chang nắng thấy ông Xứ đang xăn quần lội ruộng băng băng vô giữa đồng để vận động bà con đốn cây, hiến đất cho công trình.

Hiện nay, là Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Bình Minh, ông Lê Văn Xứ chân tình chia sẻ kinh nghiệm trong việc chỉ đạo phong trào ở cơ sở: “Bản thân tôi có lợi thế lớn là gia đình, bà con nội ngoại ở xã Đông Thạnh rất đông, từ nhỏ gắn bó với vùng đất này nên hiểu được những thuận lợi, khó khăn, hiểu được bà con.

Mặt khác, phải biết khơi dậy truyền thống của một địa bàn đã từng là cơ sở kháng chiến, biết dựa vào các anh, các chú là cán bộ qua các thời kỳ”.

Thể hiện vai trò người đứng đầu, đồng thời xây dựng được một tập thể Đảng bộ đoàn kết, hết lòng, hết sức cho mục tiêu NTM, đã tạo khí thế sôi nổi, tạo sự chuyển biến từng ngày. Cứ một thời gian quay lại là thấy có những công trình mới, tất cả làm cho nông thôn nhanh chóng “thay da, đổi thịt”.

Chúng tôi trở về thăm xã Đông Thạnh, con đường rộng thênh thang với 2 hàng cây đã bắt đầu tỏa bóng mát, rẽ về đường liên xã Đông Thạnh- Đông Thành xe 4 bánh chạy bon bon. Cụm văn hóa của xã nằm ngay cửa ngõ đi vào xóm rẫy, vườn truyền thống Thạnh Lý. Xe tải có thể vào tận rẫy thu mua nông sản.

Những mô hình mới làm “phong phú hóa” cây trồng, những mùa rẫy của nhà nông giàu kinh nghiệm đã đưa đời sống người dân khá lên nhanh chóng, nên quanh vùng hay gọi xứ rẫy Thạnh Lý là “xóm nhà tường”- cũng đủ thấy tiêu chí thu nhập chỉ là “chuyện nhỏ”.

Chúng tôi đi giữa mênh mông ruộng lúa xen kẽ nhau những màu xanh phong phú của đủ loại màu như bầu, bí, dưa leo, khoai lang cho đến các loại cây sầu riêng, quýt đường, mận đá, vú sữa,...

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì ngày 29/12/2014, Đông Thạnh đã chính thức được UBND tỉnh Vĩnh Long trao bằng công nhận xã NTM. Đây là xã NTM đầu tiên của TX Bình Minh.

Đông Thạnh là một xã vùng nông thôn sâu thuộc TX Bình Minh, toàn xã có 1.636 hộ với 6.065 nhân khẩu, 90% hộ dân sản xuất nông nghiệp. Trong 3 năm qua, địa phương đã huy động được trên 158 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp trên 54 tỷ đồng.

Diện mạo phum sóc đổi thay

Trở lại ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình)- một trong những địa bàn có đông đồng bào Khmer, chúng tôi gặp ông Kim Luộc (71 tuổi) người đã có thời gian dài làm trưởng ấp.

Ông nói như khoe: “Từ diện mạo nông thôn đến đời sống bà con đồng bào Khmer của riêng ấp Phù Ly 1 này là sự đổi thay không tưởng tượng được! Nhờ có chương trình xây dựng NTM, đúng là phum sóc mình đổi mới nhanh quá”. Đó cũng là sự đổi thay chung về mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của bà con đồng bào Khmer ở TX Bình Minh.

Ông Sơn Mứt- Phó trưởng Phòng Dân tộc TX Bình Minh- nhận định: “Khó khăn của bà con Khmer là hầu hết sống bằng nghề nông nhưng lại thiếu đất sản xuất, nên thu nhập bấp bênh.

Từ nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM đã tạo nền vững chắc cho rất nhiều gia đình an cư trong căn nhà kiên cố, khang trang; bên cạnh đó là sự tạo ra nhiều mô hình sản xuất, tạo nên thu nhập ổn định, nhiều bà con khá giàu lên từ nông nghiệp.

Hiện nay một bộ phận giới trẻ chuyển sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập. Từ đó, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo”.

Ông Sơn Mứt cho biết, đó là các chương trình hỗ trợ đất, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các xã: Đông Bình, Đông Thành (282 hộ, với gần 79 tỷ đồng).

Mới đây, hỗ trợ 92 căn nhà cho hộ nghèo đồng bào Khmer, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng, do Đài PT-TH Vĩnh Long hỗ trợ. Chương trình 135 giai đoạn 3 tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở ở ấp Hóa Thành 2 (Đông Thành), ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2 (Đông Bình).

Khi bà con đã “an cư, lạc nghiệp” thì theo đó là sự phát triển về đời sống văn hóa- xã hội, đặc biệt nổi rõ ở lĩnh vực giáo dục và y tế.

Các chính sách nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực được đồng bào Khmer hưởng ứng; học sinh tuyển vào Trường Dân tộc nội trú Vĩnh Long ngày càng nhiều, với gần 50 em theo học ở 3 khối lớp. Ngoài ra, có gần 100 em theo học các trường ĐH, CĐ trong và ngoài tỉnh.

Con đường tráng nhựa vào ấp Phù Ly 1 kết nối với nhiều con đường đan rộng thênh thang, liên ấp, liên xã và ô tô lưu thông dễ dàng.

Đường vào xã NTM Đông Thạnh.
Đường vào xã NTM Đông Thạnh.

Rất nhiều căn nhà tường khang trang, chứng tỏ sự ổn định đời sống của người dân. Nhớ lại hồi xưa, con đường mùa mưa nước ngập, lầy lội, bà con dùng xuồng ba lá đi chở từng viên bê tông về làm đường thật gian nan.

Ông Kim Luộc luôn miệng nói không thể ngờ được sự thay đổi của ngày hôm nay. Chỉ riêng trong gia đình ông thôi, 6 người con đều đã có nghề nghiệp ổn định, có người còn thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao.

Nếu như Đông Thạnh là địa phương “mở mũi” có vai trò tiên phong khơi dậy chương trình xây dựng NTM ở Bình Minh; thì các xã: Đông Bình, Đông Thành là minh chứng tuyệt vời cho sự nỗ lực, quyết tâm lớn của chính quyền địa phương và người dân.

Thành quả đó mang lại cho bà con nông thôn, đặc biệt là vùng có đông đồng bào Khmer sự thụ hưởng cao hơn về vật chất, lẫn tinh thần. Và có một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là việc góp phần để TX Bình Minh hoàn thành mục tiêu quan trọng: đạt NTM cấp huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Cho đến năm 2010, hộ nghèo đồng bào Khmer của TX Bình Minh có đến 600, chiếm 47,13%, cứ tầm 2 hộ thì có 1 hộ nghèo. Nhưng đến cuối năm 2016, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, chỉ còn 150 hộ, chiếm 15,27%.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh