Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công và đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đãcó ý kiến đóng góp.
Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công và đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đãcó ý kiến đóng góp.
* Đại biểu Lưu Thành Công, đơn vị tỉnh Vĩnh Long
Đóng góp cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT) đại biểu Lưu Thành Công cho biết, các nội dung sửa đổi bổ sung khá mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, tạo điều kiện cho TDTT nước nhà phát triển mạnh hơn.
Đóng góp thêm, đại biểu cho rằng sau hơn 10 năm thực hiện Luật TDTT, vẫn còn một số nơi, một bộ phận nhận thức chưa hết vai trò, tầm quan trọng, tác dụng, hiệu quả của TDTT trong đời sống.
Nhiều nơi vẫn còn xem TDTT là một bộ môn giải trí, một phúc lợi xã hội, đầu tư cũng được, không đầu tư cũng được. Chính vì thế mà phong trào TDTT của nước ta phát triển không đồng đều, tùy thuộc vào sự nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.
Vì thế, đề nghị luật phải tập trung nhiều cho thể thao quần chúng làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, của cộng đồng dân cư.
Ngoài việc quy định vai trò, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm xây dựng các công trình thể thao công cộng, cần bổ sung thêm trong dự toán kinh phí hàng năm một tỉ lệ ngân sách đáp ứng cho hoạt động TDTT tại địa phương. Hiện nay, kinh phí đầu tư dành cho TDTT còn rất ít.
Qua khảo sát chúng tôi thấy những nơi nào có điều kiện thì chi bình quân khoảng 6.000 đồng/người/năm, những nơi khác thì từ 4.000- 5.000 đồng/người/năm. Chi hoạt động thường xuyên ở các quận, huyện,… nơi có điều kiện thì 1,5 tỷ đồng/năm những nơi khác chỉ được 1 tỷ đồng/năm.
Đề nghị cần có nguồn kinh phí đủ đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT. Nguồn kinh phí này sẽ được quy định hẳn trong luật giống như chúng ta quy định cho giáo dục đào tạo 20%, khoa học công nghệ 2% tổng thu ngân sách.
Ngành TDTT nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ tỉ lệ bao nhiêu % tổng thu nhập quốc dân là đáp ứng được yêu cầu phát triển thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao cũng như việc tạo điều kiện cho nhân dân luyện tập thường xuyên.
Luật cần bổ sung một chế định đó là phổ cập bơi cho trẻ em Việt Nam trong độ tuổi tiểu học. Theo thống kê có những năm số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước lên đến hàng nghìn em, có nhiều trường hợp rất thương tâm.
Vì vậy, phổ cập bơi để hình thành kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em Việt Nam giúp các em thích ứng với điều kiện tự nhiên là một yêu cầu bức xúc và là trách nhiệm của cả cộng đồng cần quy định trong luật.
* Đại biểu Phạm Tất Thắng, đơn vị tỉnh Vĩnh Long
Đóng góp cho dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Phạm Tất Thắng nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi và ban hành luật.
Tuy nhiên, để hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi, đại biểu cho rằng đây là một đạo luật khó, bởi lẽ cạnh tranh là một thuộc tính của nền kinh tế thị trường nhưng không quản lý được cạnh tranh thì nền kinh tế sẽ kém động lực phát triển và ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Mọi vấn đề chúng ta đang gặp phải, thế giới đều đã có những trải nghiệm, tinh thần chung là chúng ta phải tiếp thu tối đa một cách phù hợp những kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về vấn đề này.
Với quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, các hoạt động kinh tế biến động từng ngày, từng giờ theo kinh tế thị trường. Luật Cạnh tranh đóng vai trò là “Hiến pháp” của nền kinh tế thị trường, là luật công bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nên cần bao quát hết được những vấn đề lĩnh vực cạnh tranh.
Theo đó, đối với đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (điều 1), dự thảo luật thể hiện chưa rõ, chưa cụ thể, chưa thấy nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam quy định cụ thể như thế nào, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh hiện hành sử dụng tiêu chí thị phần để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của một doanh nghiệp, như vậy chưa đủ, cần bổ sung thêm những tiêu chí khác. Dự thảo luật đã bổ sung 11 tiêu chí khác, tuy nhiên, cơ quan nào đánh giá các tiêu chí này, là cơ quan quản lý nhà nước hay một cơ quan độc lập.
Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa 2 hoặc nhiều tiêu chí thì xử lý theo phương án nào. Những nội dung này chưa quy định cụ thể trong luật, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn.
Theo quy định của luật hiện hành thì hệ thống quản lý cạnh tranh của nước ta hiện nay gồm 2 hệ thống cơ quan là Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương và Hội đồng cạnh tranh. Tổ chức như vậy thì cơ quan quản lý cạnh tranh không đảm bảo được vai trò độc lập.
Từ những bất cập của hệ thống cơ quan cạnh tranh hiện nay dự thảo luật đề xuất thành lập cơ quan cạnh tranh quốc gia (điều 7) là cơ quan duy nhất quản lý về cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương.
Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn việc đặt cơ quan này tại Bộ Công thương vì yêu cầu cần độc lập trong hoạt động của nó. Trong khi Bộ Công thương ngoài chức năng quản lý nhà nước cũng trực tiếp quản lý nhiều doanh nghiệp trực thuộc bộ.
Vì vậy, để xử lý vấn đề này, đề nghị quy định rõ hơn những hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những lĩnh vực có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương tham gia ngay trong dự thảo luật.
Đồng thời Chính phủ cũng cần lường tính và quy định rõ cụ thể, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này để không xảy ra tình trạng thuận lợi cho cạnh tranh bất bình đẳng do cơ cấu tổ chức đặt ra.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin