Cần thay đổi cái tư duy "liên kết"

01:07, 26/07/2017

Hai Lúa tui thấy tự thương cho nông dân mình, làm ăn cái kiểu gì thì đa phần cũng thua thiệt đủ đường. Làm ăn với doanh nghiệp lớn cũng không an tâm, mà làm ăn nhỏ với thương lái cũng chẳng bền. Còn mấy cái vụ liên kết thì bị "bẻ kèo", dù cho có hợp đồng giấy trắng, mực đen... mộc đỏ đàng hoàng.

Hai Lúa tui thấy tự thương cho nông dân mình, làm ăn cái kiểu gì thì đa phần cũng thua thiệt đủ đường. Làm ăn với doanh nghiệp lớn cũng không an tâm, mà làm ăn nhỏ với thương lái cũng chẳng bền. Còn mấy cái vụ liên kết thì bị “bẻ kèo”, dù cho có hợp đồng giấy trắng, mực đen... mộc đỏ đàng hoàng.

Vấn đề nó nằm ở chỗ nào mà bài toán này khó đến nỗi giải hoài không xong vậy? Tính nhẩm kiểu dốt dốt như Hai Lúa tui hén, trong toàn bộ các khâu từ sản xuất đến thành phẩm cho tới lên sạp, vào chợ và tới mâm cơm người tiêu dùng, thì nông dân đã chịu... lỗ từ đầu, bởi mối liên kết này không sòng phẳng chút nào.

Thí dụ như Hai Lúa tui đây có 6 công ruộng, tính sơ sơ giá đất bình quân 150 triệu đồng/công, như vậy là coi như “đầu tư” vốn cố định là đã gần tỷ bạc rồi, nhưng khi nói chuyện liên kết doanh nghiệp có chịu bỏ ra số vốn đối ứng lớn tương đương vậy không?

Rồi đến khâu đầu tư công sức cho một vòng quay ngắn ngày thì cũng tầm đôi ba tháng, rồi các thứ tiền giống, tiền phân thuốc... hết bao nhiêu nữa, nhưng đến cái khâu cuối cùng ở đầu ra, chắc chắn là doanh nghiệp sẽ hưởng phần lợi nhiều hơn, còn thấy không “ăn” thì bẻ kèo.

Cho nên, bao giờ giữa nông dân và doanh nghiệp trở thành “một nhà” lúc đó mới mong có sự ăn chia sòng phẳng và bền vững.

Điển hình như một vụ “ngoéo tay” nhau làm ăn của chị Bảy thương lái và chú Sáu Rẫy mới đây là điển hình cho kiểu làm ăn nhỏ mà bền chặt.

Phần hùn của chú Sáu Rẫy là 6 công đất, công chăm sóc ra thành phẩm; phần chị Bảy lo toàn bộ chi phí đầu tư từ giống má, cho tới hệ thống tưới tiêu tự động và cả nhà lưới để sản xuất ra rau sạch, rồi lo khâu phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Sau khi trừ chi phí, phần lãi sẽ “cưa đôi”. Không phải kiểu “anh có cơm thì tui có cháo”, mà là “hai ta cùng ăn cơm hoặc cùng ăn cháo” với nhau.

Hai Lúa tui thiết nghĩ đây không hẳn là cách làm ăn có thể áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng là một gợi ý về sự bền vững là cùng nhau chia sẻ lợi nhuận lẫn rủi ro, nông dân và thương lái trở thành là “một nhà” chớ không phải là sự liên kết giữa 2 nhà.

Một hình thức làm ăn mới, dù là câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa là nông dân và thương lái cùng đứng về một phía và cùng đứng “ngang hàng” với nhau, chớ không phải kiểu o ép nhau đủ điều.

Ở đây có cái khó chính là khó kiếm được “2 đối tác” tin tưởng nhau tuyệt đối và tâm đầu ý hợp để cùng đi trên “một con thuyền” sẵn sàng vượt qua mọi sóng gió, khó khăn.

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh