Dù đã qua đỉnh điểm của mùa khô 2017 nhưng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay không khốc liệt như năm 2016.
Dù đã qua đỉnh điểm của mùa khô 2017 nhưng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay không khốc liệt như năm 2016.
Đập cừ sắt trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) ngăn mặn, giữ ngọt điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Theo các chuyên gia, hạn, mặn của năm ngoái là hiện tượng thời tiết cực đoan 90 năm mới xảy ra một lần và năm nay thời tiết sẽ trở lại khá bình thường.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho biết năm 2017 tình hình hạn mặn đỡ gay gắt rất nhiều so với năm 2016. Mặc dù đang trong mùa khô nhưng cũng đã có nhiều trận mưa lớn từ đầu năm ở khắp các tỉnh, thành trong khu vực.
Những cơn mưa trái mùa này đã cung cấp một lượng nước không nhỏ cho đồng bằng. Bên cạnh đó, mực nước từ thượng nguồn đổ về cao hơn trung bình nhiều năm, thậm chí mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc có lúc cao hơn cả mức cao nhất các năm trước.
“Hạn, mặn thì chắc chắn phải có nhưng mức độ chỉ ở mức bình thường chứ không nặng như các năm 2015, 2016”, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nói.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thời điểm giữa tháng 3 là đỉnh điểm của mùa khô nhưng vẫn không thấy tình hình hạn mặn xuất hiện. Có thể nói năm nay hạn, mặn sẽ không tồi tệ như năm 2016.
“Cần hiểu rõ 2016 là năm El Nino cực đoan nhất trong 90 năm mới có một lần. Đó là một năm ngoại lệ và sau đó sẽ trở lại tình hình khá bình thường.
Và sau El Nino sẽ là hiện tượng La Nina yếu từ cuối mùa khô 2016 đến cuối tháng 2/2017”, ông Thiện phân tích.
Về tình hình nguồn nước năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, đỉnh lũ năm 2016 đã cao hơn đỉnh lũ của năm 2015 khoảng 40 cm.
“Dù vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn có một lượng nước đă vào các túi trữ lũ ở Biển Hồ Tonle Sap, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười và lượng nước này sẽ góp phần đẩy mặn ra trong mùa khô năm nay”, ông nói.
Bên cạnh đó, sau hiện tượng El Nino đã có La Nina yếu diễn ra và đã gây ra nhiều cơn mưa trái mùa. Những cơn mưa này đã bổ sung nước vào trong đất, vào các ao, hồ, kênh rạch.
Dự báo đến tháng 8 năm nay sẽ không xuất hiện El Nino cũng như La Nina, do đó tình hình hạn, mặn sẽ ở mức khá bình thường.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo đến hết tháng 4/2017, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 1,4m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 1,5m, đều cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 0,5 - 0,6m.
Trong thời gian mùa khô 2017, sẽ thường xuyên xuất hiện mưa trái mùa ở khu vực Nam Bộ. Do đó, diễn biến xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ không gay gắt.
Tuy nhiên, khả năng xuất hiện El Nino vào nửa cuối năm 2017 là trên 50%, mùa mưa năm nay đến sớm nhưng có khả năng kết thúc sớm hơn trung bình và đỉnh lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tương đương so với các năm trước.
Theo các dự báo mới nhất của các Cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều cho rằng, hiện tượng ENSO sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017 và nếu vậy, sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang trạng thái La Nina.
Cơ quan Khí tượng Australia (BoM) nhận định, ENSO sẽ đạt ngưỡng bắt đầu của hiện tượng El Nino vào khoảng tháng 7/2017 với xác suất khoảng 70%. Tuy nhiên, BoM cũng khuyến cáo về độ tin cậy thấp của các mô hình dự báo vào thời điểm này trong năm.
Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ (CPC/NCEP) dự báo xác suất xuất hiện El Nino vào khoảng 50-60% trong những tháng đầu mùa hè và xác suất này tăng lên vào thời kỳ cuối năm 2017. Trong khi đó, Trung tâm Khí hậu Tokyo, Nhật Bản (TCC) dự báo, khả năng xuất hiện El Nino trong mùa hè với xác suất khoảng 50%.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hạn, mặn của năm 2016 là ngoại lệ và không nên dựa vào một năm ngoại lệ để khẳng định rằng từ nay Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước hoặc xây dựng các công trình ứng phó với hạn, mặn theo tình hình năm ngoái.
“Để xây dựng một chiến lược lâu dài thì phải dựa vào nhiều năm chứ không chỉ một năm ngoại lệ”, ông khẳng định.
Tại tỉnh Bạc Liêu, hạn, mặn năm 2016 đã ảnh hưởng rất lớn đến vùng sản xuất lúa thuộc hai huyện Hồng Dân, Phước Long.
Thời điểm tháng 3/2016, các con kênh thuộc hai huyện này còn rất ít nước, nhiều kênh nước cạn sát đáy và xâm nhập mặn liên tục dâng cao, lên đến khu vực giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng.
Theo nhiều nông dân, vụ Đông Xuân năm 2017 ở Bạc Liêu không thiếu nước, năng suất đạt khá cao và đến thời điểm này, khi đã bắt đầu xuống giống vụ Hè Thu thì nước dưới các kênh vẫn còn nhiều.
Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, những tháng đầu năm 2017, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang... xuất hiện ở mức cao, nhưng ít nghiêm trọng so với mùa khô năm 2016.
Mặn xâm nhập sâu xuất hiện từ cuối tháng 2/2017. Theo đó, các vùng cách cửa sông từ 25 - 35 km, nước mặn với độ mặn 4%o xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường, nước biển lên cao. Vùng cách cửa sông từ 35 - 45 km, mặn 4‰ xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường.
Còn theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, diễn biến xâm nhập mặn từ đầu mùa khô 2016 - 2017 đến trung tuần tháng 3/2017 ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện muộn hơn và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 - 2016.
Ở khu vực sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 40 - 50km, so với cùng kỳ năm 2015 - 2016 phạm vi thấp hơn khoảng 25 - 30km. Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 4g/l khoảng 35km, so với cùng kỳ năm 2015 - 2016 thấp hơn khoảng 25km…
Mùa khô 2017, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thuộc năm thủy văn diễn biến xâm nhập mặn ở mức bình thường. Nguồn nước ngọt về đồng bằng khá dồi dào so với cùng kỳ năm 2015 - 2016.
Từ nay đến cuối tháng 4/2017, xâm nhập mặn ngưỡng 4g/l vẫn có khả năng xảy ra ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân trong phạm vi cách biển 20 - 25km. Trong tháng 5, nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao và kéo dài sang tháng 6.
Theo THANH LIÊM (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin